Để theo đuổi con đường trở thành hoa hậu, nhiều người đẹp nhí đã phải can thiệp thẩm mỹ ngay từ khi còn rất nhỏ, thậm chí có Hoa hậu nhí đã tiêm botox từ khi mới 6 tuổi.
Hoa hậu nhí nước Mỹ, Eden Wood từng là cái tên đình đám trong làng giải trí nước này khi đăng quang tại show Toddlers and Tiaras vào năm 2011 lúc mới 6 tuổi. Eden Wood gây được ấn tượng với người hâm mộ nhờ gương mặt to tròn, đáng yêu, đôi mắt xanh, mái tóc vàng như búp bê.
Thế nhưng Eden Wood bị chê là trái non chín ép khi chỉ mới 6 tuổi đã phải tham gia nhiều đấu trường sắc đẹp, chế độ ăn uống tập luyện hà khắc và nhất là cứ 3 tháng, Eden Wood lại phải tiêm Botox 1 lần để giữ gương mặt luôn như búp bê.
Ngay từ khi chỉ mới 14 tháng tuổi, Eden Wood đã được mẹ cho tham gia những cuộc thi sắc đẹp, tên của bé gái sinh năm 2005 có trong danh sách 25 chương trình khác nhau.
Không những phải trang điểm dày cộm, làm tóc thường xuyên và điệu đà trước ống kính khác xa bạn bè đồng trang lứa, Hoa hậu nhí còn phải tiêm botox – một loại chất thường được dùng trong thẩm mỹ để giữ gương mặt luôn căng tròn, mịn màng.
Việc Eden Wood phải đều đặn tiêm botox 3 tháng mỗi lần đã sớm bị chỉ trích. Nhưng cũng thật may mắn khi việc làm này đã sớm dừng lại và không có những cuộc phẫu thuật xâm lấn nên nhan sắc của Eden vẫn được bảo toàn.
Nói về trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ ngay từ sớm để trở thành hoa hậu, có lẽ phải kể đến bên trong những lò đào tạo hoa hậu của Venezuela. Có nhiều thông tin, nhiều bé gái ở nước này chỉ mới 11, 12 tuổi đã bắt đầu trùng tu cơ thể như chỉnh nha, sửa mũi, nâng mông dưới sự giám sát của bố mẹ để có được cơ thể, gương mặt hoàn hảo cho các đấu trường nhan sắc sau này.
Venezuela được xem là cái nôi của Hoa hậu, cường quốc sắc đẹp…Các bé gái ngay từ khi rất nhỏ đã được huấn luyện bài bản, cần thiết sẽ phải phẫu thuật thẩm mỹ để lọt được vào mắt xanh của các ông trùm hoa hậu hay đăng quang tại các cuộc thi nhan sắc.
Bên trong những lò đào tạo hoa hậu của Venezuela, mỗi bé gái đều được đào tạo theo quy trình gắt gao, hoàn thiện từ gương mặt, vóc dáng cho đến thần thái, bằng cách tự nhiên hay phẫu thuật.
Không những là các hoa hậu, trên thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em phẫu thuật thẩm mỹ ngay từ rất sớm để sau khi lớn lên sẽ sở hữu được vẻ ngoài hoàn hảo nhất và có cuộc sống thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc can thiệp thẩm mỹ quá sớm này cũng gây nên không ít các hệ lụy nghiêm trọng đối với con trẻ.
Lâm Diệu Khả, bé gái từng gây nên cơn sốt tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 cũng từng vướng nghi vấn nâng ngực từ khi chỉ mới mười mấy tuổi cũng gây nhiều tranh cãi trong netizen.
Một trường hợp khác thể hiện rõ nguy cơ khi phẫu thuật thẩm mỹ quá sớm đó là bé gái có tên Zana Nana ở Trung Quốc đã phẫu thuật thẩm mỹ từ khi chỉ mới 14 tuổi vì bị bạn bè trêu chọc ngoại hình. Zana Nana đã từng thực hiện rất nhiều cuộc phẫu thuật gương mặt và cơ thể: 6 lần cắt mí, 5 lần làm to mắt, 4 lần nâng mũi, 2 lần cấy mỡ, 1 lần mài xương mặt, 2 lần hút mỡ mặt, 1 lần đeo cằm giả, hút thắt vòng bụng, hút mỡ đùi 2 lần, tạo khoé môi cười, môi hạt và môi mỏng 4 lần.
Zana Nana là cái tên nổi tiếng tại Trung Quốc, đã thực hiện hàng chục ca thẩm mỹ từ khi chỉ mới 14 tuổi.
Những cuộc phẫu thuật này đã làm cho gương mặt của cô gái trở nên biến dạng, làm nhiều người gọi cô là người ngoài hành tinh hay cô gái mặt rắn…
Các chuyên gia trong ngành thẩm mỹ khuyên những những trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ tốt nhất chỉ nên thực hiện khi một người đã bước vào tuổi trưởng thành, tức từ khoảng 18 tuổi hay tốt nhất là qua 20 tuổi. Lúc này cơ thể đã phát triển hoàn thiện, tâm lý đã ổn định và tự mình quyết định.
Việc phẫu thuật hay sử dụng các can thiệp thẩm mỹ quá sớm cho trẻ nhỏ là điều không được khuyến khích. Có những quy định chỉ thực hiện khi người đó đủ 18 tuổi, nhưng có không ít gia đình vì muốn theo đuổi mục đích khác mà gây hại đến con trẻ.
Những nguy hiểm khi can thiệp thẩm mỹ quá sớm có thể kể đến như:
Không giữ được nét
Cơ thể trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện, những đặc điểm cơ thể vẫn đang phát triển. Nên phẫu thuật thẩm mỹ lúc này có thể sẽ bị dần mất đi dáng vẻ mong muốn, bị phá nét.
Ảnh hưởng đến sức khoẻ
Những phương pháp thẩm mỹ phẫu thuật và không phẫu thuật sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ do tác động đến cơ thể. Sử dụng nhiều loại thuốc trong suốt quá trình phẫu thuật như thuốc mê, kháng sinh; các loại chất làm đầy filler, botox… sẽ làm cho quá trình phát triển bình thường không được đảm bảo.
Ngay cả người lớn, cơ thể đã phát triển hoàn thiện vẫn có nhiều nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm, điều đó không thể tránh với trẻ nhỏ. Biến chứng có thể làm hỏng cả cuộc đời trẻ sau này.
Zhou Chuna - được mệnh danh là cô gái phẫu thuật thẩm mỹ trẻ nhất Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 13 tuổi và khi 16 tuổi, cô đã trải qua 100 lần dao kéo.
Hiện nay, cơ thể Zhou Chuna đang bắt đầu chịu ảnh hưởng những tác động từ việc lạm dụng thẩm mỹ.
Ảnh hưởng tới tâm lý
Phẫu thuật thẩm mỹ khi còn quá nhỏ, trẻ chưa có đủ năng lực để làm chủ suy nghĩ, thường thực hiện theo sự chỉ dẫn của phụ huynh. Khi lớn lên và nhận thức rõ về vấn đề, trẻ có thể bị tổn thương. Trong trường hợp vẻ ngoài không như mong đợi, có thể gây nên cảm giác ghét bỏ bản thân và ghét cha mẹ đã làm điều đó với chúng.
Nhiều đứa trẻ phẫu thuật thẩm mỹ quá sớm có thể gây nghiện, luôn đề cao việc làm đẹp ở tuổi trưởng thành. Thậm chí có thể sa vào lạm dụng thẩm mỹ, thực hiện thêm những cuộc phẫu thuật khác khó có thể dừng lại được.