Phụ nữ từ lâu đã đam mê làm đẹp nhưng khi chưa có các loại mỹ phẩm như bây giờ, họ làm đẹp bằng cách nào?
Phụ nữ Việt thời xưa rất ít khi làm đẹp, bởi từ những năm đầu thế kỉ XX, phụ nữ Việt vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tư tưởng nho giáo. Khi đó cái đẹp của phụ nữ được đánh giá theo ý niệm phải dịu dàng, hiện thục, giản dị, có một thân hình đầy đặn, vóc dáng nhỏ nhắn và quan trọng là tất cả vẻ đẹp ấy phải thật tự nhiên. Vì thế, nói đến việc làm đẹp gần như là nhắc đến một việc khá…xa vời. Tuy nhiên không vì thế mà chị em thời xưa không có những công cụ làm đẹp để tôn lên làn da trắng hồng hay làm cho mái tóc mượt mà hơn.
Nhuộm răng đen
Đến những năm đầu thế kỷ XX, quan điểm làm đẹp lúc này thay đổi, hình ảnh hàm răng đen nhánh là thước đo của cái đẹp. Việc nhuộm răng được chú trọng, nó quan trọng với phụ nữ lúc đó như việc ngày nay phụ nữ thường trang điểm hay đơn giản là thoa son trước khi ra đường.
Thuốc nhuộm răng được làm chủ yếu từ nhựa cánh kiến. Trước khi nhuộm răng, người nhuộm phải ngậm chanh, nước cốt chanh hoặc thường xuyên súc miệng bằng rượu trắng. Đây là những chất chứa axit có thể bòm mòn từ từ tạo ra những vết lõm nhỏ li ti trên bề mặt men răng, giúp thuốc nhuộm có thể bám chặt vào răng. Sau đó, thuốc nhuộm được phết lên răng một cách tỷ mỉ, cẩn thận, làm đi làm lại đến khi răng có độ đen nhánh và bóng mượt.
Son môi
Thời xưa, hầu như phụ nữ không có khái niệm tô son làm đẹp. Mà việc bôi son môi chỉ để giữ môi khỏi nứt nẻ. Chính vì vậy, son môi thường được làm từ sáp ong ruồi loại tốt nhất, đem nấu chảy, trộn thêm dầu rồi lọc vài lần qua các lớp sa, sau đó đem hỗn hợp này trộn vào những màu yêu thích lúc bấy giờ như: hồng, cánh sen, hổ hoàng. Son này chỉ được sử dụng cho các cung tần, phi tử triều đình, các bà bôi lên môi tạo độ bóng tự nhiên, làm môi mềm, mịn.
Kem dưỡng da
Một loại mỹ phẩm được nhắc tới nhiều lúc này là hoa Cung nữ hay còn gọi là hoa Phấn, đây là loại hoa có màu hồng tím, mùi hương dịu nhẹ tinh khiết, trong ruột hoa có chứa một loại phấn màu trắng, các cung tần mỹ nữ thường dùng loại phấn này để thoa lên da nhằm làm trắng da và mịn da. Cánh hoa vắt ra thành nước bôi lên da giống như một loại kem dưỡng ẩm, làm đều màu da và làm mờ các vết nám.
Bột phấn tô lông mày và chì kẻ mắt
Được làm từ gỗ cây điên điển, người ta đốt cây rồi thổi thật nhẹ để lấy thứ bụi tro nhỏ, mịn làm chì kẻ mắt. Bút vẽ lông mày là cây điên điển phơi khô, giã giập mịn đầu rồi cắt xéo vạt, sau này mới được thay bằng cọ lông.
Chăm sóc tóc
Từ thời xa xưa, phụ nữ Việt Nam đã biết dùng bồ kết gội đầu để có được mái tóc sạch, suôn mượt và đen nhánh. Vào thời Nguyễn, trong cung đình Huế, các cung tần, mỹ nữ thường dùng hỗn hợp bồ kết, củ sả, hương nhu, cùng vỏ bưởi và chanh gội đầu, để làm đẹp cho mái tóc của mình. Những nguyên liệu dân dã này không chỉ giúp mái tóc được đẹp, dày, đen, mượt hơn, mà còn giúp lưu lại trên mái tóc một mùi hương tự nhiên, đầy quyến rũ với người khác giới.
Ngoài ra, để nhuộm tóc đen, có một phương pháp được nhiều người ưa chuộng dưới thời nhà Nguyễn là lấy nút chai rượu champagne đốt thành than. Sau đó lấy tăm hoặc vải bông chấm than, kẻ lên đầu xóa hết các vùng chân tóc thưa hoặc phủ lên vùng bị bạc.
Làm to vòng một tự nhiên
Người phụ nữ ngày xưa có rất nhiều bí quyết trong việc này, như việc ăn nhiều đu đủ và sắn dây sau mỗi lần “đèn đỏ”. Hay sử dụng loại thuốc cao có thành phần tự nhiên như trầm hương, cam thảo thoa lên khắp ngực. Nhân sâm thời đó cũng được xem là một thần dược giúp cho bộ ngực căng đầy.