Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, để có được cái đẹp nhân tạo ấy, nhiều người phải bỏ ra cái giá không hề nhỏ, đặc biệt là đối với phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ này.
Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ không còn là cụm từ xa lạ trong xã hội. Khi ngày càng có nhiều phụ nữ muốn mình trở nên hoàn hảo hơn, những phương pháp làm đẹp cũng vì thế mà ra đời và đáp ứng được những nhu cầu ấy.
Giấc mơ có được một khuôn ngực đầy đặn hơn, một vòng ba căng tròn hấp dẫn hơn là điều mà hầu hết phái đẹp đều mong muốn. Tuy vậy, cái giá phải trả cho phẫu thuật thẩm mỹ có đôi lúc vô cùng lớn.
Trong vòng vài năm trở lại đây, phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ cải thiện số đo vòng 3 với tên gọi "nâng mông kiểu Brazil" (Brazilian buttock lift) đã dần trở nên phổ biến hơn. Phần vì nếu thành công, bạn sẽ sở hữu một bờ mông hấp dẫn bậc nhất, phần vì đây cũng là phương pháp làm đẹp rủi ro bậc nhất thế giới. Theo Hội phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ thông báo, đây hiện đang là phương pháp làm đẹp có tỷ lệ tử vong chiếm 1:3000 trường hợp.
1. Nâng mông kiểu Brazil là gì?
Nâng mông Brazil là dịch vụ làm đẹp được khá nhiều chị em tin dùng hiện nay vì có thể mang lại vòng 3 nóng bỏng, săn chắc mà không cần phải luyện tập. Bằng cách thay đổi kích thước cũng như hình dáng, phương pháp này sử dụng cơ chế bơm mỡ hoặc độn silicon vào mông.
Hàng loạt các ngôi sao nổi tiếng thế giới như Kim Kardashian với biệt danh Kim “siêu vòng 3” hay ca sĩ Nicki Minaj đều không thể tránh khỏi sức hút của phương pháp này để có được vòng 3 như mơ.
Theo đó, bệnh nhân sẽ được hút mỡ từ bụng, hông và đùi. Phần mỡ này trước khi bơm lại vào mông sẽ được “xử lý” đặc biệt. Tuy nhiên, mỡ thực chất cũng chỉ là các tế bào. Nếu muốn vòng 3 “nảy nở”, điều đó có nghĩa là các tế bào mỡ cần bơm vào những mô được cấp máu để nuôi dưỡng. Ngược lại, khi tiêm vào các mô mỡ khác, các tế bào này sẽ bị hấp thụ và không đạt hiệu quả.
Chính việc tiêm mỡ vào cơ để giúp mỡ tồn tại là nguyên nhân gây rủi ro cao ở phương pháp này.
2. Vì sao nâng mông Brazil lại gây rủi ro cao?
Theo thống kê chỉ riêng năm 2015 toàn thế giới đã có 320.000 ca phẫu thuật độn mông, tăng 30% so với năm 2014. Bên cạnh các ca phẫu thuật thành công, cũng có nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra.
Nếu mỡ bị hoại tử và chết đi, vùng mông sẽ bị sưng to dẫn đến viêm. Nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến tử vong.
Trường hợp xấu nhất là mỡ có thể “xâm nhập” vào mạch máu và gây tắc nghẽn. Sau đó làm ngăn oxy từ phổi vào máu, ngăn máu lên não. Cả 2 điều này chính là những nguyên nhân gây chết người.
Một trong những nguyên nhân gây nghẽn mỡ thông thường là do quá trình tiêm đã khiến mạch máu bị vỡ ra, mô mỡ tràn vào máu. Do đó, các bác sĩ cần phải có tay nghề cao và sự cẩn thận tuyệt đối nhằm tránh cho mỡ tiêm sâu vào các mô.
Được biết với loại hình phẫu thuật BBL, bị nghẽn mỡ là nguyên nhân hàng đầu gây chết người.
Bên cạnh các vị trí bơm mỡ, lượng mỡ được phép cấy cũng chiếm vai trò rất quan trọng. Theo chuẩn an toàn và được chấp nhận ở nhiều nơi trên thế giới, số lượng 300ml được xem là tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ tìm đến phương pháp nâng mông kiểu Brazil với mong muốn có 1 vòng ba bốc lửa nên đa số họ đều cấy một lượng mỡ rất nhiều.Thậm chí có thể đo bằng lít.
3. Các con số báo động
Năm 2017, theo một khảo sát được thực hiện nhằm tìm ra con số có thể đo lường cho tỷ lệ tử vong của kiểu nâng mông Brazil. Trong sự nghiệp của 692 bác sĩ ngoại khoa trên toàn thế giới, họ đã từng thất bại trong 32 trường hợp, kết quả là dẫn đến tử vong. Ngoài ra, có 103 trường hợp khác cũng bị triệu chứng tương tự nhưng không gây tử vong. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều trường hợp không được đưa vào báo cáo, nên con số thực tế lớn hơn như vậy.
Phẫu thuật nâng mông Brazil tuy mang lại một vòng 3 căng tròn và săn chắc nhưng lại đi kèm với những nguy hiểm mà bạn không thể lường trước.
Được biết so với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ khác như độn ngực có tỷ lệ tử vong là 1/10.000 thì tỷ lệ nghẽn mỡ do bơm mông lại chiếm rất cao, lên đến 1:3000 trường hợp. Đó cũng là lý do vì sao phương pháp làm đẹp này khiến nhiều phụ nữ cũng phải dè chừng những rủi ro nhất định.
Thời gian hồi phục sau khi nâng mông là khoảng 6 tuần. Trong thời gian này, bệnh nhân được yêu cầu không ngồi và phải nằm sấp hoặc nghiêng khi ngủ. Bởi chất mỡ cần thời gian để thích nghi với vùng cơ thể mới. Khi ngồi sẽ tạo áp lực lên mông làm giảm lưu thông máu ở vùng này và mỡ sẽ không “sống” được.
Vì vậy, để bảo vệ an toàn trước khi làm đẹp bằng phương pháp này, chúng ta cần lựa chọn cơ sở uy tín cũng như tìm đến các bác sĩ cho chuyên môn cao để được tư vấn, hướng dẫn tận tình nhất.
(Nguồn: IFL Science)