Tai hại tiêm Silicone lỏng

Ngày 12/02/2013 19:35 PM (GMT+7)

Các biến chứng tại chỗ thường dẫn đến phẫu thuật cắt bỏ vú.

Silicone (Si) là một nguyên tố hóa học phổ biến trong tự nhiên, đứng hàng thứ hai sau Oxygen, chiếm 27,5% tỉ trọng vỏ trái đất. Nó có mặt trong tất cả các loại đá quý tự nhiên. Silicone không tồn tại độc lập mà thường kết hợp với các nguyên tố khác hình thành các hợp chất có trong tự nhiên như silic-dioxide (SiO2) hoặc silicate.

Silicone là một cao phân tử (polymers) với thành phần chủ yếu là silic kết hợp với oxygen, carbon và các gốc hữu cơ. Người ta sử dụng các kỹ thuật tách Oxy ra khỏi hợp chất SiO2 để thu lấy silicone. Từ silicone này, bằng cách biến đổi các kiểu liên kết cấu trúc phân tử, người ta tạo ra các dạng tồn tại khác nhau của silicone như dạng lỏng, dạng gel, dạng dẻo, dạng rắn.

Trong công nghiệp, silicone có mặt rộng rãi từ công nghiệp điện tử, hóa chất, xây dựng, may mặc, công nghiệp mỹ phẩm… tạo thành hầu hết các sản phẩm ứng dụng cho cuộc sống con người hôm nay.

Trong y học, silicone có thể là thành phần cấu tạo ra các phương tiện, dụng cụ, vật tư sử dụng trong y tế. Trong lĩnh vực thẩm mỹ, silicone lỏng và silicone dẻo là 2 dạng silicone được sử dụng chủ yếu.

Silicone dạng lỏng được phân loại bởi độ nhớt. Các silicone có độ nhớt thấp thường là không tinh khiết và chỉ được dùng trong công nghiệp. Các loại silicone với độ nhớt cao được dùng trong y tế.

Tai hại tiêm Silicone lỏng - 1
Silicone có độ nhớt càng cao thì càng ít bị hấp thu, càng giữ được hình khối, ít bị biến dạng.

Silicone lỏng và các hỗn hợp của nó pha với một số chất khác như dầu thực vật, axit béo… được sử dụng để bơm vào làm đầy các khuyết lõm dưới da. Nhiều người gọi hợp chất này là “mỡ nhân tạo”. Từ những năm cuối thập kỷ 60, người ta không còn khuyến khích sử dụng liệu pháp bơm silicone để làm đẹp.

Silicone dạng dẻo có đặc tính dẻo, chắc, đàn hồi cao. Silicone dạng này được sử dụng để ghép, cấy, độn cho nhiều vùng cơ thể như sống mũi, cằm, má, bắp chân, cơ ngực, mông…

Các chất làm đầy mô (filler) đã được con người sử dụng từ lâu đời với mục đích điều trị những trường hợp khiếm khuyết trên da, hoặc đơn thuần là làm đẹp nhằm phục hồi những dấu ấn của thời gian trên cơ thể con người. Suốt nhiều thế kỷ qua, các nhà nghiên cứu không ngừng tìm kiếm một vật liệu làm đầy mô lý tưởng để phục vụ cho những mục đích này.

Trải qua những bước thăng trầm, lịch sử của công nghệ làm đẹp gắn liền với các sản phẩm như paraffine, silicone, collagen, các chất béo tự thân, hyaluronic axit, axit poly-L-lactic và canxi hydroxylapatite. Cũng trong lịch sử của phẫu thuật thẩm mỹ, ít có phương pháp nào để lại nhiều dấu ấn hãi hùng cho con người như các kỹ thuật làm đầy mô.

Chất liệu làm đầy mô Paraffine được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1899, tiếp theo là một loạt chất tổng hợp khác trong đó phải kể đến silicone lỏng, một chất liệu được sử dụng tràn lan và bừa bãi trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Các biến chứng do sử dụng paraffine với mục đích thẩm mỹ lại được tái hiện trong giai đoạn silicone lỏng áp dụng trên người. Những di chứng nặng nề của silicone lỏng được thông báo trên toàn thế giới, những điều luật cấm sử dụng silicone lỏng trên người không làm nản lòng những người hám lợi và cả những bệnh nhân thiếu hiểu biết ở những nước đang phát triển.

Gersuny (Viên, Áo) là người đầu tiên sử dụng paraffine tiêm trên người vào năm 1899. Năm 1912, Hollander công bố báo cáo đầu tiên về các biến chứng do tiêm paraffine vào ngực bệnh nhân. Các biến chứng này rất đa dạng, từ hoại tử da, loét, thâm nhiễm đến thuyên tác phổi, đến tử vong.

Tai hại tiêm Silicone lỏng - 2
Các biến chứng tại chỗ thường dẫn đến phẫu thuật cắt bỏ vú.

Đầu những năm 1920, một thuật ngữ mới được đặt ra – paraffinomas – để chỉ những phản ứng viêm hạt mãn tính phát triển sau khi tiêm paraffine.

Ở các nước phương Tây, tiêm paraffine khá phổ biến vào cuối thế kỷ 19, nhưng dần dần giảm vào những năm đầu thế chiến thứ nhất. Một phần do các biến chứng được công khai, một phần do áp lực của xã hội lên những người sử dụng chất paraffine.

Năm 1926 Hlyons Hunt viết trong cuốn sách của mình rằng, việc tiêm paraffine vào cơ thể con người là một thực tế không thể tha thứ được, trách nhiệm thuộc về các bác sĩ làm đẹp và những kẻ giả mạo khác. Các di chứng do tiêm paraffine lỏng vào cơ thể vẫn là gánh nặng cho xã hội vào nửa sau của thế kỷ 20.

Hệ thống luật pháp của các nước châu Âu và châu Mỹ buộc phải vào cuộc nhằm ngăn chặn việc sử dụng paraffine trên người. Hậu quả do tiêm paraffine được đánh giá như là một dấu ấn đen tối và là một bước thụt lùi trong lịch sử phát triển của chuyên ngành phẫu thuật tạo hình.

Mặc dù lịch sử hãi hùng của việc sử dụng paraffine (1899 - 1914) đã cho chúng ta thấy những bài học đắt giá khi tiêm các chất làm đầy mô vào cơ thể với mục đích điều trị hay thẩm mỹ. Nhưng lịch sử lại tái lập với những biến chứng khủng khiếp khi tiêm silicone lỏng vào cơ thể.

Tại Mỹ, vào những năm 40 và 50 của thế kỷ trước đã có rất nhiều bác sĩ và phòng mạch tư quay sang sử dụng silicone lỏng với mục đích thẩm mỹ. Trong giai đoạn này, silicone được sử dụng là silicone công nghiệp do tập đoàn Dow Corning và Corning Glass sản xuất nhằm phục vụ cho chiến tranh thế giới lần thứ II. Dạng silicone sử dụng trong y tế cũng không có sẵn cho tới tận năm 1960. Đến năm 1965, bắt đầu xuất hiện những báo cáo về biến chứng do tiêm silicone lỏng.

Một số bệnh nhân của các bác sĩ thẩm mỹ, nhưng đa phần phần là bệnh nhân của những kỹ thuật viên làm việc tại thẩm mỹ. Sau đó việc tiêm silicone lỏng trở lên không kiểm soát được do sự thiếu chuyên nghiệp của người tiêm trong chỉ định và sự lạm dụng trên lâm sàng.

Tại Nhật Bản vào thời điểm cuối của cuộc chiến tranh thế giới, hầu hết các “cô gái làng chơi” đều tiêm silicone lỏng (loại silicone sử dụng trong công nghiệp) vào vú như là một phong trào và để giúp công việc của mình thuận lợi hơn. Silicone lỏng rất sẵn có dưới tên Elicon và Zeflon. Cả 2 sản phẩm này đều là silicone công nghiệp. Phải tới nhiều năm sau mới có một loại silicon lỏng được sử dụng trong y tế và được bán bởi công ty Koke.

Tại các xưởng đóng tàu của người Nhật ở Mỹ, để phục vụ những người thợ đóng tàu hay để mua vui cho những khách hàng tiềm năng, nhiều cô gái tại đây đã lấy silicone lỏng từ các thùng đựng silicone công nghiệp để tiêm trực tiếp vào vú  của mình.

Sau chiến tranh, silicone lỏng vẫn được sử dụng rất rộng rãi tại Nhật Bản và các nước châu Á. Thậm chí cho tới ngày nay nhiều vùng của châu Á tiêm silicone lỏng vào cơ thể vẫn là một phương pháp rẻ tiền giúp chị em có được sự thỏa mãn về mặt hình thức. Đến năm 1990, ở Mỹ đã ghi nhận hơn 100.000 bệnh nhân đã được tiêm silicone lỏng vào mặt vì mục đích thẩm mỹ.

Năm 1991, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức cấm các bác sĩ sử dụng silicone lỏng để tiêm vào cơ thể. Mặc dù có nhiều cảnh báo trên truyền thông hay trong giới khoa học, nhưng tiêm silicone lỏng vẫn dễ dàng được thực hiện. Ở Bắc Mỹ, hiện tượng này khá phổ biến ở San Francisco và Mexico.

Tai hại tiêm Silicone lỏng - 3
Bơm silicone lỏng không còn là hiện tượng lạ ở nhiều nước châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam…

Gần đây báo chí trong nước đã thường xuyên đưa tin về các trường hợp tử vong do tiêm silicone lỏng vào vú và mông. Những cảnh báo về biến chứng muộn do tiêm silicone lỏng cũng được đưa ra, nhưng tình hình tiêm silicone lỏng tại nước ta vẫn có chiều hướng phổ biến và sâu rộng hơn.

Từ hơn 20 năm qua, một sản phẩm làm đầy polyacry-lamide hydrogel (PAH) được sử dụng rộng rãi cho mục đích thẩm mỹ ở Trung Quốc. Từ năm 1997, các chế phẩm này được Cục quản lý dược nhà nước Trung Quốc cho phép sử dụng trên thị trường. Ban đầu PAH tỏ ra có hiệu quả trong việc làm đầy các mô mềm ở mặt, môi và vú, tuy nhiên một loại các báo cáo cho thấy xuất hiện nhiều biến chứng khi tiêm một khối lượng lớn PAH vào vú.

Các biến chứng có thể xuất hiện sau khi tiêm từ 3 tháng đến 3 năm, với các triệu chứng xơ hóa tuyến vú, nhiễm trùng, u cục và biến dạng vú. Có hơn 183 báo cáo về biến chứng sử dụng PAH trong đó có 161 báo cáo liên quan đến tiêm PAH ở vú có biến chứng. Tại Trung Quốc, có hơn 200.000 phụ nữ được tiêm PAH vào vú.

Năm 2005 chế phẩm này bị cấm sử dụng hoàn toàn tại Trung Quốc và những người có liên quan tới việc phân phối hay sử dụng sẽ bị truy cứu về hình sự. Một lần nữa bài học về Paraffine và Silicone lỏng lại tái diễn với những biến chứng được ghi nhận với PAH.

Theo PGS. TS Trần Thiết Sơn (Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ , BV Xanh Pôn)

Mời quý vị đón đọc chuyên đề Các biến chứng do tiêm silicone lỏng vùng vú vào 15h ngày 13/2.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan