Lạm dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh cho con mỗi khi trời trở lạnh là một trong những lỗi sai kinh điển nhất của các bà mẹ Việt.
Thời tiết đang vào thu, những cơn gió mùa kèm theo hơi ẩm cũng nhiều hơn thường. Đó là lý do khiến cho các bé bỗng chốc vướng phải những căn bệnh hết sức thông thường như ho, sổ mũi, đau họng.
Tuy nhiên, chính vì một số thói quen, quan niệm sai lầm truyền miệng của các mẹ Việt khiến cho bệnh của bé không những không khỏi mà còn nặng hơn.
Dưới đây là những thói quen sai lầm đó mẹ cần biết để ngừng ngay:
1. Cứ ốm là cho uống thuốc kháng sinh
Cho con uống thuốc kháng sinh tự mua là điều mà một số mẹ Việt nghĩ tới đầu tiên khi thấy con có biểu hiện ho, sốt. Thế nhưng liệu mẹ có biết, thuốc kháng sinh có thể khiến bé dứt bệnh tại thời điểm hiện tại và khi đã quá lạm dụng, lần ốm nào của con cũng cho bé uống thuốc kháng sinh sẽ khiến bé bị “nhờn” thuốc.
Không nên quá lạm dụng thuốc kháng sinh khi con bị ốm.
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh còn khiến cho hệ miễn dịch của trẻ bị yếu dần đi, lâu dần sẽ mất khả năng đề kháng trước những vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Vì thế, mẹ cần hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh mỗi khi bé bị ốm mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Tốt nhất là đưa bé đi khám ở cơ sở y tế để được kê đúng thuốc.
2. Ủ ấm hơn một chút còn hơn để con lạnh
Mẹ hãy nhớ rằng thân nhiệt của mẹ và thân nhiệt của trẻ hoàn toàn khác nhau, trẻ sẽ nhanh cảm thấy nóng hơn thay vì thấy lạnh. Ngoài ra, việc những đứa trẻ khỏe mạnh, hiếu động thường xuyên chạy nhảy thì những lớp áo bông dày mùa đông chính là tác nhân khiến bé dễ bị ốm. Vì sao ư? Những lớp áo len dày khiến cho mồ hôi trong cơ thể bé khó thoát ra bên ngoài, bị ứ lại trên da dễ tạo vi khuẩn gây các bệnh về da.
3. Đeo bỉm cho con thường xuyên
Ngại giặt đồ bẩn của bé là lý do khiến nhiều mẹ đeo bỉm cho con 24/24 hoặc mỗi khi đi ra ngoài. Thế nhưng, làn da non trẻ của con rất dễ bị lở loét vì chất thải dính trên bỉm không được làm sạch. Hăm da là một trong những bệnh trẻ dễ mắc do mẹ đeo bỉm cho con quá nhiều giờ trong ngày.
4. Không cho con ra ngoài nhiều
Rất nhiều mẹ cho rằng vào mùa lạnh nếu không có việc cần thiết thì sẽ không cho con ra ngoài trời, chỉ chơi loanh quanh trong nhà để tránh bị cảm lạnh. Tuy nhiên, điều đó càng khiến sức đề kháng của trẻ ngày một yếu dần đi sinh ốm yếu.
Đối với những trẻ có sức khỏe yếu thì mẹ cần trang bị thật kĩ cho con trước khi ra ngoài hoặc có chế độ đặc biệt.
5. Không giữ ấm bụng cho con
Lạnh bụng dễ khiến hệ tiêu hóa và việc hấp thụ thức ăn của con bị ảnh hưởng. Nhất là khi ngủ, bé thường có thói quen đạp chăn ra, xoay chuyển người nên phần bụng rất dễ bị hở ra gây nhiễm lạnh.
6. Hạn chế cho con tắm vì sợ cảm lạnh
Theo các bác sĩ nhi khoa, về mùa đông, những đứa trẻ được tắm bằng nước ấm thường xuyên ít mắc một số bệnh thông thường và có cơ thể khỏe mạnh hơn những bé lười tắm.
Tuy nhiên, cần chọn thời điểm thích hợp để tắm cho con (từ 10h-10h30 hoặc từ 13h-16h), tránh tắm cho bé quá khuya. Đối với những bé có sức khỏe yếu, vào những ngày lạnh chỉ cần lau sạch người bằng nước ấm và mặc quần áo sạch sẽ là được.
7. Sử dụng thiết bị sưởi không đúng cách
Rất nhiều người cho rằng mùa lạnh chỉ cần đóng kín cửa, mở máy sưởi 24/24 trong nhà là có thể tránh được dịch bệnh. Tuy nhiên nếu mẹ quan sát kĩ, việc thiếu sự thông thoáng, ngột ngạt cũng là nguyên nhân khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, người uể oải, thiếu sức sống không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà tới cả tinh thần.
8. Lơ là trong việc vệ sinh tai mũi họng
Bệnh tai mũi họng là những bệnh thường xảy ra nhất ở trẻ vào mùa lạnh. Rửa mũi và tai thường xuyên bằng nước muối sinh lý 0,9% đều đặn cho bé là cách phòng chống bệnh hiệu quả.
9. Không đôn thúc trẻ uống nước, ăn rau xanh
Trẻ nhỏ thường rất lười uống nước và ăn rau xanh. Nhưng đây lại là hai loại thực phẩm cần được bổ sung nhiều nhất vào mùa đông. Nạp rau xanh vào cơ thể là cách cung cấp vitamin chống lại bệnh tật, uống nước để chống cảm giác khô hanh, mất nước vào mùa đông.
10. Cho bé ngủ nhiều
Nhiều mẹ cho rằng mùa đông trẻ cần được ngủ nhiều hơn và đây cũng là thói quen bé thích nhất. Thế nhưng, vào mùa đông càng ngủ nhiều càng khiến bé có cảm giác mệt mỏi vào ngày hôm sau. Chính vì thế việc bé quấy khóc về ban đêm có thể do ban ngày mẹ đã để con ngủ quá nhiều.