Lương y đa khoa quốc gia Bùi Đắc Sáng cho biết, bên cạnh những liệu pháp khoa học hiện đại, trong dân gian có một số bài thuốc chữa dứt điểm cảm, ho, sổ mũi, ngạt mũi ở trẻ nhỏ an toàn, hiệu quả mà không hề tốn kém.
Cảm, ho, sổ mũi, ngạt mũi ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Cảm, ho, sổ mũi, ngạt mũi, khó thở ở trẻ nhỏ là căn bệnh mặc dù không nguy hiểm nhưng lại rất phổ biến, có tỉ lệ trẻ mắc cao. Nhất là khi thời tiết giao mùa, thay đổi thất thường, bệnh càng bùng phát mạnh mẽ. Khiến cuộc sống sinh hoạt của trẻ nhỏ nên khó khăn và luôn trong trạng thái mệt mỏi.
Phần lớn trẻ nhỏ đều ngại uống thuốc, nhiều trẻ đã nhận thức được đều sợ tác dụng phụ của thuốc, nếu uống nhiều, lâu dần sẽ bị nhờn thuốc. Bởi vậy, khi trẻ nhỏ nhà bạn có dấu hiệu cảm, ho, sổ mũi, ngạt mũi hãy nghĩ đến giải pháp đơn giản trước, trong trường hợp đã can thiệp nhưng bệnh không có tiến triển tích cực hãy tìm đến bác sỹ sau đó.
Chỉ một củ hành tây có thể chữa dứt điểm cảm, ho, sổ mũi ở trẻ nhỏ?
Nói về bài thuốc chữa cảm, ho, sổ mũi, ngạt mũi này, Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay: “Hành tây không chỉ là một món ăn ngon mà nó còn là vị thuốc chữa bệnh rất công hiệu, tốt cho nhóm người mắc bệnh về đường hô hấp, bệnh hen suyễn, chữa chứng mất ngủ và làm giảm cholesterol, được sử dụng phổ biến, vừa hiệu quả, lại rất lành tính”.
Hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E. coli và Salmonella.
Ở nước Mỹ, người ta đã dùng hành tây để điều trị cảm cúm và cảm lạnh trong nhiều thế kỷ. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã công nhận hành tây giúp giảm ho, tắc nghẽn, viêm phế quản và viêm đường hô hấp.
Theo Y học cổ truyền: Hành tây có đặc tính nóng, khi dùng trong có tính chất kích thích chung sát khuẩn và chống nhiễm khuẩn, gây tiết, trị ho, làm dễ tiêu hoá, trị giun. Được dùng ngoài để làm dịu và tan sưng, sát khuẩn, chống đau, xua muỗi”.
Lương y Sáng cho biết thêm, hành tây được coi là một vị thuốc trong Đông y từ lâu đời, ăn hành tây giúp giảm béo, ổn định cholesterol, chữa được viêm tai, giảm các cơn đau ở ngực, chữa ho, cảm…
Bởi vậy, nếu trẻ nhỏ bị cảm, ho, sổ mũi, ngạt mũi, các mẹ hoàn toàn có thể dùng nguyên liệu này để giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả.
Dưới đây là các bài thuốc trị ho, cảm, sổ mũi từ hành tây:
Cách 1: Kết hợp hành tây và mật ong
+ Nguyên liệu: Hành tây 1/2 củ, mật ong nguyên chất 4 thìa.
+ Thực hiện:
Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng cho vào chén đem hấp cơm hoặc hấp cách thủy trong thời gian 30 phút.
Khi hành nguội bớt thì cho mật ong vào trộn đều và chắt lấy nước uống. Nếu dùng cả bã thì hiệu quả hơn.
Cách 2: Kết hợp hành tây và đường phèn
+ Nguyên liệu: Hành tây 1/2 củ, đường phèn 20g.
+ Thực hiện:
Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng cho vào chén rồi cho đường phèn đã đập dập vào trộn lẫn. Hấp cách thủy khoảng 30 phút là được.
Khi thuốc trị ho này còn ấm, chắt lấy nước uống 2-3 lần trong ngày.
Không ít người cảm thấy khó chịu với mùi khá nồng của hành tây. Thế nhưng theo các nhà khoa học, hành tây có thể đẩy lùi chứng ngạt mũi nhanh chóng mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
Hành tây kết hợp với mật ong có thể đẩy lùi chứng ngạt mũi nhanh chóng
Trong trường hợp người lớn bị cảm, ho, sổ mũi, ngạt mũi cũng dùng hành tây với công dụng tương tự. Tuy nhiên, cách sử dụng có phần đơn giản hơn.
Ví dụ, hành tây trị ngạt mũi cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần cắt nhỏ hành, cho vào khăn mỏng, dùng để ngửi nhiều lần trong ngày cho tới khi hết ngạt mũi. Nếu dùng hành tây để hạ sốt, người bệnh chỉ cần bỏ một lát hành tây vào tất chân và mang đi ngủ sẽ giúp hạ sốt do nhiễm lạnh, dầm mưa.
Còn nếu bạn đang bị cảm lạnh, cách đơn giản là cắt vài lát hành tây rồi bỏ vào trà uống lúc nóng sẽ đỡ viêm họng, sổ mũi, từ đó dứt cảm lạnh.
Lương y Sáng cũng khuyến cáo, “Nhằm hạn chế trẻ nhỏ bị viêm đường hô hấp, cha mẹ cần có giải pháp phòng ngừa như cho trẻ mặc đủ ấm, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng trong những ngày trời chuyển lạnh. Chú ý vệ sinh, ăn chín uống sôi để đề phòng bệnh tiêu hóa và bệnh ngoài da.
Bên cạnh đó cần phải tiêm phòng đầy đủ và nếu có biểu hiện của bệnh nên khám bác sĩ nhi khoa sớm để tránh bị biến chứng nặng lên không đáng có”.