Sau ca đại phẫu huyền thoại tách rời hai anh em dính liền tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chàng trai Nguyễn Đức giờ đây đang có cuộc sống viên mãn bên cặp song sinh Phú Sĩ – Anh Đào, một công việc ổn định, làm trụ cột vững chắc cho gia đình.
Video: Chú lính chì Nguyễn Đức giàu nghị lực
Ngày 25/2/1981 có lẽ là một ngày đặc biệt ở Sa Thầy, Kom Tum khi cặp song sinh anh em Việt - Đức dính liền nhau chào đời. Hai anh em song sinh với thân hình dị biệt, chung nhau phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn, có hai chân và một chân cụt đã khiến cả vùng đất Sa Thầy khi ấy “ngỡ ngàng”, thậm chí, ở vùng quê còn nhiều lạc hậu này thời điểm đó, nhiều người “ác khẩu” đã quan niệm là “yêu quái”.
2 cậu bé sơ sinh nhỏ, non nớt chỉ nặng vỏn vẹn 2,2 kg những tưởng sẽ “chết dần chết mòn” trong sự ghẻ lạnh, quan niệm cổ hủ của người làng. Nhưng không, họ đã vươn lên như những đóa hoa cống hiến cho đời, cho cuộc sống này nhờ ca đại phẫu thuật huyền thoại tách rời diễn ra 7 năm sau – ngày 4/10/1988.
Video: Phản ứng hết sức đáng yêu của cặp song sinh khi bị bế tách nhau ra
Vị GS Trần Đông A – Bác sĩ trưởng kíp mổ tách dính cặp song sinh Việt - Đức vang danh thế giới, đi vào lịch sử y học Việt cùng toàn thể ê kíp gồm 70 giáo sư, bác sĩ đầu ngành của nước ta, Nhật Bản cũng như một số quốc gia khác đã “chiến đấu” hết sức trong 12h đồng hồ để sinh ra Đức – Việt lần thứ 2.
Hình ảnh cặp song sinh dính liền nhau.
Gia đình anh Nguyễn Đức - người còn lại sau ca phẫu thuật lịch sử tách cặp song sinh dính liền.
Mặc dù Việt đã mất sau 19 năm sống thực vật, hy sinh nhiều phần cơ thể cho em trai nhưng Đức với những may mắn mình có được vẫn nghị lực vươn lên, sống như đóa hoa tỏa ngát hương thơm và hiến dâng cho cuộc đời và viết lên câu chuyện chú lính chì kiên cường, hưởng trọn vẹn hạnh phúc sau 30 năm.
Nguyễn Đức 37 tuổi có thân hình nhỏ bé và cơ thể khiếm khuyết nhưng anh luôn khiến mọi người phải ngước nhìn mỗi khi đối diện bởi những năng lượng tích cực tỏa ra cùng với đôi mắt sáng, nụ cười hiền thường trực.
Nói về cuộc đời mình, anh chỉ dành đúng 2 từ “may mắn” bởi để có ngày hôm nay, được sống và có một gia đình nhỏ chính là nhờ người anh đã mất cùng các y bác sĩ đã giúp đỡ và cưu mạng.
Sinh ra là người khuyết tật, khó khăn gấp bội lần người bình thường không chỉ bởi những khiếm khuyết mà còn bởi sự phân biệt, so sánh của xã hội nhưng anh vẫn luôn cố gắng học tập. Đối với anh việc học để thành tài không chỉ cho bản thân mình mà còn vì người anh đã hy sinh cơ thể cho mình.
Video: Anh Đức trong buổi sinh nhật của hai con song sinh
Anh Đức bảo, bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời anh có lẽ là “kỳ tích” cưới được vợ và sinh con bởi GS Trần Đông A đã nói việc anh lấy vợ, sinh con là điều chưa từng có trong lịch sử y khoa thế giới qua những ca song sinh tách dính tương tự đã được công bố.
Nhờ đám cưới của một người bạn, anh đã tìm thấy một nửa của cuộc đời mình khi gặp chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Vì cảm mến anh cũng như nghị lực vượt khó vươn lên, chị đã đồng ý yêu anh mặc sự phản đối của gia đình. Còn anh đã dùng hành động và sự chín chắn của mình để thuyết phục bố mẹ vợ có một đám cưới hạnh phúc vào năm 2006.
Gia đình anh Nguyễn Đức và GS Trần Đông A.
Sinh ra khác biệt, dẫu luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi việc có thể xảy đến, kể cả việc khó có thể làm bố. Thế nhưng, hạnh phúc cũng đã đến với gia đình anh sau 3 năm chờ đợi. Anh chàng lính chì ấy đã nở nụ cười rạng rỡ trên môi khi biết tin mình sắp được làm bố, đặc biệt làm bố cặp song sinh.
“Vợ mang thai đôi mình không bất ngờ vì đó là gen truyền lại, mình cũng không nghĩ nhiều. Cho thế nào đi nữa con cũng là máu mủ của mình nên mình nghĩ một cách thong thả, tự nhiên, cái gì đến nó sẽ đến, cái gì của mình sẽ là của mình.
3 năm chưa có con mình chăm chỉ làm lụng, dành dụm nhưng với người khuyết tật như mình thì hơi khó dù đã cố gắng nhiều bởi sinh đôi cái gì cũng gấp đôi: tiền sữa, tiền tã, tiền đi học. Đến bây giờ tiền đi học là nhiều nhất”, anh Đức chia sẻ.
Vợ mang thai khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt, chính vì vậy anh luôn sắp xếp phù hợp công việc để có thời gian về chăm và phụ vợ. Anh luôn cố gắng hết sức có thể. Đặc biệt là một người khuyết tật, sự cố gắng của anh phải tăng lên gấp bội với tâm trạng háo hức để trở thành người cha có trách nhiệm.
Chú lính chì Nguyễn Đức luôn là trụ cột vững chắc cho gia đình.
Vợ anh Đức sinh non ở tuần thai thứ 36, bé gái nặng 1,2kg còn bé trai nặng 1,6kg. Ngày 2 bé chào đời cũng là ngày những lo lắng tình hình con trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai tan biến. Niềm hạnh phúc được làm bố trong anh khi đứng bên cạnh 2 con lần đầu tiên đến bây giờ cũng không thể có ngôn ngữ nào lột tả hết.
Anh cảm thấy mình bắt đầu là một người cha có trách nhiệm thực sự và lao vào đi làm từ sáng đến tối để lo kinh tế gia đình còn để vợ và bà ngoại chăm sóc con, ấp kangaroo cho con nửa tháng.
Anh Đức bảo, từ khi vợ sinh em bé đến nay đã 10 năm, anh luôn để vợ ở nhà nội trợ, chăm lo con cái, còn một mình anh lo làm kinh tế. Mặc dù là người khuyết tật, sinh đôi, cái gì cũng phải gấp đôi, gánh nặng cơm áo gạo tiền giữa Sài Gòn tấp nập “ghì xuống sát đất” nhưng anh vẫn cố gắng mang đến cho vợ con những gì tốt nhất có thể.
“2 bé là sinh đôi, nếu vợ đi làm nữa, nhiều khi con bệnh ốm đau hay đưa con đi học xin nghỉ rất khó nên giải pháp tốt nhất là để vợ ở nhà còn mình đi làm.
Đối với mình, một người cha, một người chồng phải làm sao cho con cái tốt hơn mình. Bản thân mình không muốn con sau này lặp lại vết xe đổ của cha. Mình may mắn học trình độ 10/12 nhưng có công việc cuộc sống như hiện nay bởi mình có cơ hội tiếp xúc, ngoại giao cũng như làm việc nhiều nên học hỏi nhiều kinh nghiệm và trưởng thành nhanh hơn ngoài mức tưởng tượng”, anh Đức tâm sự.
Mặc dù áp lực kinh tế đang đè nặng trên đôi vài gầy nhỏ bé, đặc biệt đến tuổi các con đi học nhưng anh Đức vẫn luôn dũng cảm, đứng vững để làm trụ cột cho gia đình bởi đối với anh niềm vui và động lực lớn nhất chính là gia đình và các con.
Hai con là niềm vui lớn nhất của gia đình anh.
Anh Đức hiện tại đang làm nhân viên hành chính tại bệnh viện Từ Dũ. Ngoài ra, anh còn đảm nhận chức vụ liên quan đến ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản bên ngoài.
Anh bảo, vì được các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ cưu mang và đất nước Nhật Bản giúp đỡ cho ca mổ lịch sử của mình nên anh luôn dành sức lực để cống hiến cũng như đền đáp cho ngành y và nền văn hóa Việt Nam – Nhật Bản
Hai bé Anh Đào và Phú Sĩ - con anh Đức, chị Thanh Tuyền.
Vì học tập một phần cách sống người Nhật nên trong việc dạy con, anh luôn luôn dạy cách sống tự lập bằng chính đôi chân của mình cho con. Đặc biệt, anh dạy các con về ý thức từ những việc làm nhỏ nhất như không xả rác, nói bậy, tự tắm rửa, ăn uống, học bài ngay từ bé giống như người Nhật. Mặc dù ở môi trường Việt Nam, cách dạy đó sẽ không được hoàn hảo nhưng anh luôn mong muốn các con có thể đạt được đến sự chỉn chu, góp phần giúp xã hội tốt hơn.
“Mình luôn kể cho con về văn hóa người Nhật hay mỗi khi đi Nhật về mua quà cho con nên các con cũng rất thích đất nước mặt trời mọc. Hiện tại, các con đang học ở một trường Nhật và đang trong giai đoạn học tiếng Nhật từ từ.
Trong tương lai mình muốn các con lớn lên đi du học Nhật nhưng mình không đặt nặng thành tích cho con vì mình biết sinh đôi sẽ có một bé lanh và một bé khờ. Mình chỉ luôn cố gắng để các con được hoàn thiện, có ý thức chăm chỉ”, anh Đức cho biết.
Anh luôn đồng hành bên con trong các hoạt động dù công việc bận rộn, bộn bề lo toan.
Khó khăn trong việc đi lại, bận rộn với công việc nhưng anh luôn đồng hành cùng các con trong mọi hoạt động và dành thời gian bên các con nhiều nhất có thể, dù chỉ đơn giản là cùng các con xem đá bóng hay ngồi cổ vũ các con chơi đá bóng, đi chơi, đi ăn, rồi tham gia các hoạt động. Chính vì thế, 2 bé Phú Sĩ, Anh Đào rất thương và quấn ba, cố gắng không phụ công lao vất vả của ba.
"Mặc dù là người khuyết tật, không biết sức khỏe của mình sẽ như thế nào nhưng mình sẽ luôn cố gắng để gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thế này. Ngày Gia đình Việt Nam mình chẳng mong gì hơn, chỉ mong hai bé càng ngày càng học giỏi hơn, lớn hơn, nhanh hơn để thành người công dân có ích cho xã hội trong tươi lai.
Mong các gia đình có cuộc sống hạnh phúc rồi hãy cố gắng giữ hạnh phúc của mình đang có, hãy dành trọn vẹn điều tốt đẹp nhất cho những đứa con để chúng có một cuộc sống tốt, tương lai tốt và trở thành một công dân có ích", anh Đức bày tỏ.