Theo Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng viêm phổi ở trẻ sơ sinh hầu hết là xuất phát từ sự chủ quan của người lớn và nhận thức sai lầm bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. |
Hiện nay, bệnh viêm phổi vẫn là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Bác sỹ sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh, để giúp bố mẹ có thể phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời cho trẻ.
1. Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ sơ sinh
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng |
Nguyên nhân thường do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm. Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau khi sinh, liên quan tới thời gian vỡ ối trước khi đẻ.
Trẻ có thể bị bệnh ngay trong khi sinh do hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ.
Trong khi đỡ đẻ, hồi sức sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh nếu không thực hiện vô trùng thì trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ và môi trường, người chăm sóc.
Ngoài ra, ở những trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân do các phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn nên thường xuyên bị trào ngược thực quản dạ dày, dễ dẫn đến tình trạng viêm phổi.
Khi trẻ bú mẹ thường hay bị nôn, trớ, nếu sữa bị hít nhầm vào phổi, sẽ gây ra các triệu chứng như thở gấp, hụt hơi, tím tái mặt, lượng sữa hít vào càng nhiều càng có khả năng gây viêm phổi. Một số bệnh như viêm khoang miệng, viêm da, viêm dây rốn… đều có thể dẫn tới viêm phổi ở trẻ sơ sinh.
So với trẻ lớn, viêm phổi sơ sinh thường nặng hơn, không có những biểu hiện điển hình như là: sốt cao, ho nhiều, nghe lưng có thể thấy tiếng “rít”. Do đường hô hấp của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ nên triệu chứng lâm sàng thường không rõ ràng, dễ bị bỏ qua.
Nhiều trẻ sơ sinh bị viêm phổi do viêm khuẩn từ nước ối. (Ảnh minh họa)
2. Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh khi bị viêm phổi thường xuất hiện cùng lúc một vài triệu chứng đưới đây:
Sốt cao
Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng khoang phổi, vì thế hầu hết các trường hợp viêm phổi đều gây ra sốt cao. (thường ~39 độ C ).
Trong nhiều trường hợp, trẻ sơ sinh trên 3 tháng tuổi bị sốt 39 độ C vẫn được coi là điều bình thường và có thể do nhiều nguyên nhân khác mà không phải viêm phổi.
Sốt cao chỉ là một dấu hiệu ban đầu căn cứ vào đó để theo dõi chứ không dùng để chuẩn đoán viêm phổi. Kết hợp nó với các triệu chứng tiếp theo trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Các cơn sốt có thể đi kèm với việc cơ bắp nhức mỏi. Em bé của các mẹ có thể thường xuyên co chân duỗi tay bất bình thường.
Trường hợp này cần lưu ý: Nếu em bé của các mẹ dưới 3 tháng tuổi và xuất hiện sốt trên 38 độ C, cần đưa bé đi cấp cứu ngay lập tức.
Mệt mỏi
Viêm phổi khiến hoạt động của phổi gặp khó khăn. Trẻ dành nhiều năng lượng hơn để tăng cường hoạt động hít thở, với mục đích là cung cấp oxy cần thiết cho có thể. Vì thế, con của các mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Trẻ thường nằm li bì, lười hoạt động và buồn ngủ liên tục.
Khó thở
Phổi hoạt động với hiệu suất thấp dẫn đến tần suất hoạt động cần được tăng cao để đảm bảo duy trì mức oxy cần thiết.
Lúc này bé sơ sinh sẽ thở nhanh, thở gấp hơn mức bình thường. Thay vì phần ngực phập phồng, giờ đây bé dùng cả vùng bụng để co bóp và cố gắng lấy nhiều oxy từ bên ngoài hơn.
Ho
Viêm phổi sẽ gây ra dịch nhầy trong khoang phổi. Lúc này bé ho được coi như một phản xạ tự nhiên để loại bỏ chất dịch này ra bên ngoài.
Ho khan và cả ho có đờm là triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)
Trẻ có thể ho khan vào thời gian đầu, sau đó là ho có đờm. Đờm ban đầu có thể màu trắng rồi dần chuyển màu xanh hoặc vàng. Dịch nhầy cũng có thể được đào thải qua xoang khiến trẻ sơ sinh bị số mũi.
Môi và da xanh xao nhợt nhạt
Đây là triệu chứng nghiêm trọng. Nó cho thấy mức độ hít thở của em bé không cung cấp đủ oxy cần thiết cho cơ thể. Lúc này trẻ tái nhợt da toàn thân, nhất là da môi và da mặt.
Lúc này, các mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức nếu phát hiện triệu chứng này.
Tức ngực hoặc đau bụng
Phổi phải hoạt động nhiều hơn, vùng bụng cũng cần co bóp để hít thở sâu hơn khiến chúng chịu áp lực lớn hơn mức bình thường.
Nôn trớ hoặc tiêu chảy
Viêm phổi cũng ảnh hưởng đến cả dạ dày. Trẻ có thể bị nôn trớ hoặc tiêu chảy nhẹ.
3. Hướng xử trí viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng đều được xem là nặng và đều cần phải nhập viện. Điều trị bệnh viêm phổi trẻ sơ sinh tương tự như điều trị các nhiễm khuẩn nặng khác ở trẻ sơ sinh. Kháng sinh ban đầu phải nhằm vào cả vi khuẩn Gram dương (đặc biệt là Streptococcus group B) và cả trực khuẩn Gram âm đường ruột.
4. Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Trong nhiều trường hợp, chính vì cha mẹ chủ quan, không theo dõi các triệu chứng ban đầu bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh khiến tình trạng bệnh của chúng trở nên trầm trọng. Để phòng ngừa nguy cơ gây bệnh, các bậc cha mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Trong quá trình mang thai các mẹ nên đi kiểm tra thai định kỳ để phát hiện và can thiệp kịp thời khi xảy ra những bất thường của thai nhi.
- Sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh.
- Cần chăm sóc tốt cho bà mẹ và trẻ sau khi sinh.
Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn là một cách ngăn ngừa viêm phổi ở trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)
- Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn, đúng cách để tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Giữ vệ sinh cho trẻ, người chăm sóc phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ để trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn.
- Dụng cụ chăm sóc trẻ như cốc, thìa, chăn, áo, tã... phải sạch, khô, vô trùng, tránh không cho tiếp xúc với các nguồn lây bệnh.
Triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường không rõ ràng. Nếu nghi ngờ, bố mẹ hãy đưa trẻ đến trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả.