Bé trai đi học 2 tuần thì 3 lần đánh bạn, bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân thì người bố chối ngay vì bí mật này

DIỆU THUẦN - Ngày 10/01/2024 08:57 AM (GMT+7)

Theo Ths.BS Phạm Minh Triết, trẻ không vâng lời, la hét, ăn vạ… thường được xem là bình thường nhưng nếu các biểu hiện này xảy ra liên tục, ảnh hưởng đến học tập, cuộc sống thì có thể là vấn đề đáng lo ngại.

Ba mẹ không tin con đang có rối loạn

Theo Ths.BS Phạm Minh Triết, nguyên trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), những hành vi gây rối như không vâng lời, la hét, ăn vạ, đánh người khác… là biểu hiện thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ 2-3 tuổi. Những hành vi này sẽ giảm dần khi trẻ trưởng thành về kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội và khi trẻ có thể kiểm soát được bản thân.

Bé Phúc thường xuyên chọc ghẹo và đánh bạn. Ảnh minh họa.

Bé Phúc thường xuyên chọc ghẹo và đánh bạn. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nếu các hành vi trên tiếp tục phát triển, xảy ra thường xuyên trong nhiều tình huống và hoàn cảnh, ảnh hưởng rõ đến khả năng học tập, hòa nhập của trẻ thì không được xem là bình thường, mà là biểu hiện của rối loạn hành vi gây rối.

Bác sĩ Triết kể về trường hợp bé trai tên Hoàng Công Phúc là học sinh lớp 4 tại TP.HCM, được bố mẹ đưa đến khám vì thường xuyên đánh bạn ở trường. Mẹ bé trai kể, Phúc thường xuyên chọc ghẹo các bạn trong lớp. Điển hình là chỉ trong 2 tuần nhập học, em đã đánh 3 bạn.

Nhiều lần bị các phụ huynh khác “mắng vốn”, giáo viên nhắc nhở, người mẹ muốn đưa con đi can thiệp nhưng e ngại. Một phần, cha bé cũng thường xuyên đánh mọi người trong gia đình và xem chuyện con trai đánh nhau là bình thường.

Khi đưa con đi khám, nghe bác sĩ kết luận hành vi của Phúc là một rối loạn, cần được can thiệp, người cha không chấp nhận. Bản thân người mẹ vì sợ chồng cũng không tiếp tục khám cho con trai. “Đây là một trường hợp rất khó”, bác sĩ Triết chia sẻ.

Ths.BS Phạm Minh Triết. Ảnh: BSCC.

Ths.BS Phạm Minh Triết. Ảnh: BSCC.

Cứ 100 trẻ sẽ có 7 trẻ có vấn đề về hành vi gây rối

Theo bác sĩ Triết, có 2 rối loạn thường được đề cập đến trong rối loạn hành vi gây rối ở trẻ là rối loạn thách thức chống đối và rối loạn cư xử. Trong đó, biểu hiện của rối loạn thách thức chống đối thường liên quan đến những lúc trẻ tương tác với người khác. Lúc này, trẻ thường có biểu hiện dễ bực bội, dễ bị tức giận hay rất dễ mất bình tĩnh. Điều đặc biệt, trẻ thường tranh cãi với người lớn, hay chọc ghẹo bạn và đổ lỗi cho người khác.

Biểu hiện của rối loạn cư xử thường đa dạng và liên quan đến vi phạm trầm trọng những nguyên tắc xã hội hoặc pháp luật. Đó là trẻ thường nói dối, không giữ lời hứa, hay gây sự đánh nhau, thích sử dụng vũ khí gây hại cho người khác, độc ác với thú vật, phá hoại tài sản, trốn học, bỏ nhà đi. Ở một số trường hợp, trẻ có thể trộm cắp, móc túi, bắt nạt người khác hoặc thậm chí đột nhập vào nhà của người khác.

Theo thống kê tại Mỹ, cứ 100 trẻ thì có khoảng 7 trẻ mắc rối loạn này. Tại Việt Nam, cứ 100 trẻ 6-16 tuổi, có khoảng 7 trẻ có vấn đề hành vi gây rối. Tỷ lệ bé trai mắc cao hơn bé gái.

Khi trẻ mắc rối loạn hành vi gây rối cần được đồng hành điều trị của người lớn. Ảnh minh họa.

Khi trẻ mắc rối loạn hành vi gây rối cần được đồng hành điều trị của người lớn. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Triết cho biết khi trẻ mắc rối loạn hành vi gây rối thường mắc kèm với các rối loạn tâm lý khác, thường gặp nhất là rối loạn tăng động giảm chú ý, trầm cảm và những rối loạn liên quan đến việc sử dụng chất kích thích. Khi trẻ gặp tình trạng này thì trị liệu hành vi là phương pháp can thiệp ban đầu và nền tảng. Lúc này, trẻ cần được phụ huynh và những người xung quanh hướng dẫn, áp dụng những kỹ thuật điều chỉnh hành vi, giúp trẻ làm những điều tích cực, từ đó dần giảm thiểu triệu chứng bệnh.

“Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh phương pháp điều trị này đạt kết quả tốt khi trẻ trong độ tuổi 3-6 tuổi. Việc sử dụng thuốc thường chủ yếu dùng để điều trị những rối loạn đi kèm như rối loạn tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu…”, bác sĩ Triết nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không chỉ trường hợp của bé Phúc, nhiều trẻ mắc phải chứng rối loạn này thường được xem là học sinh hư, cá biệt. Vì vậy, các em thường bị mắng chửi, đánh đòn hơn là được điều trị dựa trên chứng cứ khoa học. Điều đó làm trầm trọng thêm tình trạng của trẻ.

Do đó, bác sĩ Triết khuyến cáo khi trẻ mắc rối loạn trên cần được đi khám, can thiệp khoa học, từ đó giúp trẻ có tuổi thơ lành mạnh, vui tươi hơn. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Loại đồ uống người lớn dùng hàng ngày tăng tuổi thọ nhưng trẻ em uống nhiều dễ mất canxi, hại não bộ
Trà là đồ uống lành mạnh và được nhiều người sử dụng nhưng riêng những người này uống nhiều lại có hại nhiều hơn lợi.

Phát triển chiều cao cho trẻ

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em