Bác sĩ khuyến cáo đưa bé đi viện ngay khi có những dấu hiệu này

Ngày 29/06/2019 18:55 PM (GMT+7)

Bé ốm, đi ngoài, sốt... có thể khắc phục được ngay. Nhưng bố mẹ xử lý sai cách, ngại đi bệnh viện khám, dẫn tới bệnh trầm trọng sẽ chữa trị tốn kém thời gian, tiền bạc. Bác sĩ khuyên hãy đưa bé đi viện ngay khi có những dấu hiệu này.

Khi nào cần cho trẻ đi viện?

Rất nhiều bà mẹ bỉm sữa bối rối khi bé có vấn đề về đường tiêu hóa, hoặc bị tiêu chảy, sổ - nghẹt mũi mà không biết phải làm sao.

Con trai chị Nguyễn Lan Anh (Hà Nội) hơn 1 tháng tuổi đã 3 hôm nay bị xì hơi và đi tiêu lỏng có bọt ngày 3 lần. Bé không sốt, không quấy, nhưng ăn ít nên chị không biết như thế có gọi là bị tiêu chảy không, phải cho bé uống thuốc gì để bé không xì xoẹt nữa.

Từ khi sinh ra tới giờ bé rất hay bị trớ sữa, còn hay bị nghẹt mũi và nghẹt nặng hơn vào buổi tối dù đã được mẹ xịt mũi bằng nước muối sinh lý.

Chị Lê Thị Nhị (Đông Anh, Hà Nội) cũng lo lắng vì bé Bin vốn không bú mẹ mà uống sữa ngoài. Nhưng 2 ngày nay bé đi phân lỏng nhiều lần, đã có chất nhầy và máu... Hôm trước thấy con đi phân lỏng, chị nghĩ bị lạnh nên để con ở nhà lăn quả trứng gà (nhét đồng bạc và tóc rối) qua bụng, qua lưng cho bé. Tới khi con đi ngoài nhiều thì chị hoảng vì không biết phải làm gì cho bé. Cuối cùng chị phải gọi điện hỏi mẹ đẻ, và được mẹ bảo phải đưa bé đi viện ngay.

Còn chị Ngô Thị Hải (Hải Dương) thì lại lo lắng là bé mới 4 tháng tuổi, nhưng từ lúc 2 tháng tuổi bé đi ngoài ít, 3 ngày mới đi 1 lần, sau đó lên 5 ngày, rồi 10 ngày. Chị đã mua thuốc về bơm hậu môn thì bé đi cầu được, phân bé không vón cục, không tanh hôi màu vàng.

Đưa bé đi khám bác sĩ tư nói bé bị ruột dài, cho lời khuyên: 1 là mẹ uống thuốc, 2 là mua thuốc về bơm hậu môn 2 ngày bơm một lần, bơm đúng giờ và ngày không bơm cũng đúng giờ đó cho bé ngồi bô rồi xi cho bé ị, khi bé lớn bé sẽ tự đi ị được. Chị băn khoản không biết có nên đưa bé tới bệnh viện khám không, hay làm theo lời bác sĩ tư.

Rất nhiều câu hỏi tương tự như thế và phần lớn các mẹ bỉm sữa không biết lúc nào cho con đi viện, lúc nào thì có thể điều trị tại nhà.

Bác sĩ khuyến cáo đưa bé đi viện ngay khi có những dấu hiệu này - 1

Ảnh minh họa.

Dấu hiệu nguy hiểm

Chia sẻ những vấn đề về đường tiêu hóa của trẻ, Ths. BS Châu Tố Uyên – Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, bệnh đường tiêu hóa là những bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp lên những cơ quan của đường tiêu hóa. Trẻ ốm, mắc bệnh về đường tiêu hóa chủ yếu do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh, hoặc dùng kháng sinh kéo dài, thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thành phần thức ăn không phù hợp với lứa tuổi...

Một số bệnh đường tiêu hóa chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và có thể được khắc phục ngay, nhưng do tâm lý bố mẹ trẻ sợ và ngại đi bệnh viện hoặc không có thời gian đưa con đi khám bệnh khiến diễn biến bệnh trầm trọng thêm.

Tiêu chảy được định nghĩa là đi ngoài phân lỏng, hoặc toé nước trên 2 lần trong 24 giờ. Mẹ nên cho bé đi khám ngay khi bé có 1 trong các triệu chứng sau: ăn uống kém, sốt cao, nôn ói nhiều, tiêu chảy nhiều, phân có máu, khát nước nhiều, trẻ không khá hơn sau 3 ngày.

Bác sĩ khuyến cáo đưa bé đi viện ngay khi có những dấu hiệu này - 2

Ảnh minh họa.

Với bé 2-6 tháng có thể bị tình trạng chậm đi tiêu sinh lý, tức là nhiều ngày mới đi tiêu một lần, tuy nhiên phân vẫn mềm, không cứng. Nếu bé đi 5-7 ngày một lần mà phân vẫn mềm thì không sao cả.

Nếu bé chậm tăng cân thì tình trạng chậm đi tiêu có thể do bú chưa đủ, cần cho bú sữa mẹ nhiều lần hơn trong ngày.

Nếu bé vẫn tăng cân tốt, bạn nên bổ sung thêm trong chế độ ăn của bạn nhiều rau, trái cây giàu xơ có thể massage bụng theo chiều kim đồng hồ cho bé để kích thích nhu động ruột.

Bác sĩ khuyến cáo đưa bé đi viện ngay khi có những dấu hiệu này - 3

Ảnh minh họa.

Mẹ nên đưa bé đến khám bệnh khi có các biểu hiện bụng trướng nhiều, ói nhiều, tiêu phân cứng khô, hay phân có máu, chậm tăng cân, quấy khóc nhiều hay bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng để được các bác sĩ khám và tư vấn.

Với bé có triệu chứng tiêu lỏng và nhầy máu có thể là biểu hiện của bệnh viêm ruột. Mẹ nên đưa bé đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị sớm.

Nếu bé thường xuyên nôn ói cần đưa đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn.

Với triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ nhỏ, bác sĩ Châu Tố Uyên khuyên:

Trẻ nhỏ bị nghẹt mũi khá phổ biến, bởi ống mũi của trẻ sơ sinh rất nhỏ và hẹp. Do đó, khi niêm mạc mũi bên trong sản xuất chất nhầy nhiều nhưng không được tống ra ngoài mũi sẽ khiến cho trẻ bị nghẹt mũi thở khò khè.

Khuyến khích các mẹ nhỏ mũi, hoặc xịt nước muối sinh lý vào mũi bé vài lần một ngày, sau đó sử dụng tăm bông hoặc bóng hút mũi hoặc máy hút mũi để rút nước mũi và chất nhầy ra ngoài. Sau đó sử dụng bóng hút mũi hoặc máy hút mũi để rút nước mũi và chất nhầy ra ngoài. Việc hút mũi cần được làm cẩn thận vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.

Ngoài ra mẹ có thể mát xa hai bên cánh mũi để làm loãng dịch nhầy trong mũi, luôn làm sạch bầu không khí xung quanh bé.

Trẻ ốm, đi ngoài, sốt... có thể khắc phục được ngay, nhưng bố mẹ xử lý sai cách, hoặc ngại đi bệnh viện khám, dẫn tới bệnh diễn tiến trầm trọng, chữa trị tốn kém thời gian, tiền bạc. Vì vậy khi trẻ tiêu chảy nhiều lần, ốm sốt... các bố mẹ nên đưa con tới bác sĩ sớm để được khám chữa kịp thời, tránh bệnh trở nặng phải điều trị lâu dài, tổn hại sức khỏe của bé.

Mẹ cho những người này hôn con, bé mắc bệnh nguy hiểm không ngờ
Các virus, vi khuẩn gây bệnh sẽ tấn công trẻ sơ sinh qua nụ hôn và khiến trẻ nguy kịch.
Theo Ngọc Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em