Khi tôi góp ý, mẹ lại nói "Xưa mẹ vẫn nấu cho chồng con ăn thế, có sao đâu. Mà nhạt nhẽo quá Bi không ăn đâu con”.
Cậu chuyện về mẹ chồng nàng dâu không hợp nhau tôi đã được nghe kể rất nhiều nhưng thực sự chính mình trải qua mới thấy nó khổ tâm tới mức nào.
Mấy hôm nay tôi bị căng thẳng rất nhiều và không biết phải làm thế nào khi một phần thì không muốn mẹ con cãi vã, làm mất lòng mẹ chồng nhưng một phần lại lo lắng cho sức khỏe của cu Bi.
Mọi mâu thuẫn chỉ bắt đầu xảy ra chỉ kể từ khi tôi sinh con trai đầu lòng. Chồng tôi là con một và cũng là cháu “đích-tôn” của cả dòng tộc. Thế nên khi tôi sắp tới ngày sinh con mẹ chồng tôi mừng rỡ lắm. Bà thu xếp công việc ở quê từ sớm để lên chăm con dâu sắp đẻ. Tôi sinh được cu Bi trắng trẻo, kháu khỉnh, mẹ chồng tôi lại càng ưng.
Sức đề kháng cơ thể tôi tốt kết hợp với dễ đẻ nên khá khỏe mạnh sau sinh. Thế nhưng, mọi việc chăm cu Bi mẹ chồng tôi đều giành lấy để làm hết. Mẹ nói: “Mẹ là người có kinh nghiệm, con cứ yên tâm. Việc của con là bồi bổ và nghỉ ngơi nhiều vào. Cu Bi cứ để đấy mẹ lo”. Có câu nói đó tôi cũng thấy an lòng phần nào. Thế nhưng, tôi cảm thấy hơi buồn lòng khi ngoài lúc cho cu Bi bú, rất ít khi tôi được bế con, mẹ tôi đều giành lấy bế hết.
Chuyện trở nên phức tạp hơn khi cu Bi bắt đầu tới tuổi ăn dặm. Lúc đó cũng là thời điểm tôi bắt đầu quay trở lại công ty làm việc.
Bình thường tôi cũng không để ý mấy tới việc mẹ chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé Bi vì tôi tin tưởng mẹ là người sạch sẽ, cẩn thận và bà tìm hiểu rất nhiều các món ăn dành cho bé ăn dặm. Vả lại, nếu có quan tâm quá sâu mẹ chồng tôi lại cáu vì cho rằng tôi không tin tưởng bà.
Thế nhưng sau vài lần vô tình đi làm sớm về, có đứng cạnh nói chuyện và xem mẹ nấu cháo ăn dặm cho cu Bi tôi mới phát hiện ra mẹ nêm muối rất mặn. Bà nêm theo thìa như nấu cho người lớn ăn vậy.
Có được đọc báo mạng nhiều nên tôi biết muối rất cần thiết cho trẻ sơ sinh nhưng cũng có liều lượng vừa phải, mặn quá đương nhiên không tốt và ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Thế nhưng khi tôi góp ý: “Trẻ sơ sinh không cần ăn muối đâu mẹ, chỉ chút xíu thôi. Hình như thế là hơi mặn đó mẹ”. Mẹ tôi lại nói lại rằng “Xưa mẹ vẫn nấu cho chồng con ăn thế, có sao đâu. Mà nhạt nhẽo quá Bi không ăn đâu con”. Bé nhà tôi cũng biếng ăn, thỉnh thoảng bà cho bé mút đầu đũa chấm vào thức ăn mặn, bé tỏ ra thích thú. Mẹ lại bảo “Đấy chưa, cho tí muối vào nó sẽ hết biếng ăn. Bi tỏ ra rất thích ăn muối còn gì”.
Không phải chỉ một lần mà rất nhiều lần như thế rồi. Tôi có nói quá thêm câu nữa thì mẹ lại thành bực bội “Hay từ ngày mai con nấu nhé, mẹ đâu có biết khẩu vị của con”. Lúc đó tôi lại đành phải cười xuề làm hòa vì sợ mất lòng mẹ. Tôi thì bận đi làm, công việc đi về thất thường không thể cho bé ăn đúng bữa được nên cũng chưa biết phải làm thế nào.
Tôi biết mẹ chồng tôi chỉ muốn tốt cho con và cháu nhưng bà hay làm việc theo quan điểm và kinh nghiệm xưa kia, không còn hợp và khoa học đối với trẻ sơ sinh hiện nay. Tôi từng đi tham dự nhiều hội thảo, rất nhiều chuyên gia còn khuyên rằng việc nêm muối vào đồ ăn cho trẻ dưới 1 tuổi là không cần thiết, nếu có chỉ nên với liều lượng cực ít là vừa đủ. Vì việc thừa muối ở thức ăn dặm cho trẻ dưới 1 tuổi còn ảnh hưởng rất nhiều về sau.
Giờ cu Bi mới hơn 7 tháng mà cứ tình hình để mẹ tôi cho ăn mặn quá như thế này tôi lo lắm. Một phần không muốn làm mất lòng mẹ chồng nhưng một phần lại lo cho sức khỏe của con. Những ý nghĩ ấy cứ khiến tôi bị căng thẳng nặng nề. Rồi chồng tôi lại không hiểu chuyện cứ cho rằng tôi khắt khe: “Mẹ nói rồi đó, mẹ cho Bi ăn như nấu cho anh ăn ngày xưa. Anh vẫn khỏe mạnh, có sao đâu”.
Tôi không biết phải làm thế nào, nên bỏ mặc con cho bà nuôi theo cách của bà để gia đình êm ấm hay nên cương quyết để an toàn cho con.
Theo chia sẻ của độc giả Ngọc Thu (Hà Tây, Hà Nội)