Có thể mở ngay một đường thở bên dưới đầu khí quản (chỗ bị hóc thạch) thì sẽ dễ dàng cứu bệnh nhân. Hóc thạch khác với hóc các dị vật khác ở chỗ thạch sẽ bịt ngay đầu khí quản.
Ngày 24/6, bác sĩ Nguyễn Hữu Toàn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc Bệnh viện Phổi Nghệ An cho biết, sức khỏe của bé N.H.G.K (21 tháng tuổi, trú tại xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An) đã hoàn toàn ổn định và sinh hoạt bình thường sau khi nhập viện cấp cứu vì hóc thạch.
Trước đó, vào khoảng 10h30 ngày 14/6, bé Kh. được người nhà đưa đến Bệnh viện Phổi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng toàn thân đã tím tái, ngừng tim, ngừng thở.
Bác sĩ Toàn nhớ lại: “Khi đưa đến bệnh viện thì cháu bé đã ngừng tim, ngừng thở. Biết bé bị hóc thạch nên ê-kíp 4 người khẩn trương cấp cứu. Điều quan trọng nhất lúc này là phải thông được đường thở cho bé”.
Bé K. được các y bác sĩ cứu sống.
Để làm điều này, bác sĩ phải ép tim ngoài lồng ngực để giữ trạng thái nhịp đập như ban đầu để máu vẫn lưu thông được lên não. Sau đó, phải nhanh chóng thông được đường thở cho bé. Hóc thạch rất khác với hóc các dị vật khác bởi thạch sẽ bịt chặt đường thở của bệnh nhân. Đặc biệt, thạch rau câu bề mặt rất trơn, bám sát vào thành khí quản nên không thể dùng phương pháp thông thường để ép hoặc gắp ra ngoài. Nếu không có phương pháp hợp lý thạch sẽ càng bám chặt bịt kín đường thở dẫn đến tử vong.
“Thời điểm đó, các y bác sĩ đã dùng một ống hút to (đường kính bằng ngón tay người lớn) và có áp lực mạnh để giữ viên thạch và khéo léo đưa ra ngoài. Việc giữ được viên thạch đưa ra ngoài để thông đường thở là việc làm cốt yếu để cứu được bệnh nhân. Sau gần 7 phút cấp cứu, tim bệnh nhi đã đập trở lại. Lúc này, ê-kíp mới thở phào nhẽ nhõm. Sau đó, các bác sĩ tiếp tục hút tiếp những mẩu thạch nhỏ ra ngoài. Khi thông được đường thở, lấy được nhiều thạch ra khỏi đường thở, bệnh nhi tiếp tục được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp tục điều trị” – bác sĩ Toàn kể.
Bác sĩ Toàn kể lại sự việc.
Bác sĩ Toàn thông tin thêm, các dị vật khác, có hình góc cạnh thì có nhiều cơ hội cứu chữa khi vẫn có oxy lọt qua các khe hở. Riêng hóc thạch là những hình tròn, nhẵn sẽ bịt chặt ngay đầu đường thở nếu không biết cách sẽ đẫn đến ngưng thở và tử vong. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi thì phản xạ đường thở chưa hoàn thiện rất dễ hóc nhất là thạch thường có hình tròn, trơn nên việc cho trẻ ăn thạch cần hạn chế.
“Hóc thạch khác với hóc các dị vật khác ở chỗ thạch sẽ bịt ngay đầu khí quản nếu biết cách thì sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Ta có thể mở ngay một đường thở bên dưới đầu khí quản (chỗ bị hóc thạch) thì sẽ dễ dàng cứu bệnh nhân. Nếu cứ loay hoay lấy bằng được thạch thì nguy cơ bệnh nhân ngừng thở dẫn đến tử vong rất lớn” – bác sĩ Toàn nói.