Đọc xong bài văn con viết, người mẹ có lẽ cũng giật mình không kém cô giáo.
Dạo gần đây, có nhiều bài văn của học sinh được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, có bài được thầy cô chấm điểm 10 tuyệt đối vì hay nhưng cũng có không ít bài khiến giáo viên phải “lắc đầu” đặt bút cho 0 hoặc 1 điểm. Thậm chí, sau khi đọc bài văn của học sinh, thầy cô liền mời phụ huynh đến trường gặp để trao đổi. Chẳng hạn như bài văn của cậu bé tiểu học tả công việc của bố mẹ dưới đây.
Cụ thể, khi được cô giáo giao cho chủ đề này, nhóc tỳ đã ngay lập tức liên tưởng đến bố mẹ của mình và chọn mẹ làm nhân vật chính cho tác phẩm. Bằng sự thẳng tính, chân thực qua những gì quan sát được khi cậu bé ở nhà với bố mẹ mỗi ngày, bài văn viết về công việc của bố mẹ đã ra đời với nội dung như sau:
“Công việc của mẹ em là mẹ em làm nội trợ. Hằng ngày, đồng hồ kim ngắn chỉ vào số 6, kim dài chỉ vào số 3 là cả nhà phải giữ im lặng cho mẹ em làm việc. Có lần em và em trai em đùa nghịch rõ to, đã bị mẹ tát cho mỗi đứa một cái và bảo: "Bọn con có im ngay đi không, nhầm hết cả của mẹ bây giờ?".
Trong lúc làm việc mẹ em rất tập trung, thỉnh thoảng lại nói một nhân bảy mươi bạch thủ dàn tổng chia hết cho ba. Mẹ bảo, phải học Toán thật giỏi mới làm được.
Hôm em xem trên vô tuyến có chú chim bồ câu đưa thư, em liền nhớ đến mẹ cứ hay quát bố: Chuyển giấy cho nhà Dung Phượng chưa, có mỗi việc đấy quên suốt thế, nó nổ cho một cái thì bán nhà ra đê mà ở. Em sợ bố hay quên lại phải bán nhà ra đê ở nên đã nảy ra suy nghĩ bảo với mẹ em: "Mẹ ơi mẹ nuôi chim bồ câu đi mẹ buộc giấy vào chân chim bồ câu để nó chuyển đến nhà bác Phượng đi, nó nổ một cái thì phải bán nhà, con sợ ra đê ở lắm!
Mẹ định giơ tay tát, em đã phải chạy kịp. Mẹ bảo ai có hỏi thì phải bảo mẹ tao làm nội trợ, còn công việc của bố em là nấu cơm cho cả nhà".
Đọc xong bài làm của học sinh, giáo viên dạy Văn cho cậu nhóc này đã chấm 1 điểm, kèm với đó là lời nhận xét mời phụ huynh lên gặp cô vào ngày hôm sau khiến ai xem qua cũng dở khóc dở cười.
Từng chi tiết cậu bé nêu ra đều có đầy đủ dẫn chứng sinh động, không bỏ sót bất kỳ sự kiện nào mỗi ngày của bố mẹ. Điều này chứng tỏ nhóc tỳ ở nhà đã quan sát bố mẹ rất kỹ. Với độ tuổi tiểu học nghĩ gì nói nấy, cậu bé không chút do dự khai mọi chuyện. Không chỉ giáo viên, mà hẳn bố mẹ nhóc tỳ sau khi đọc được tác phẩm của con trai cũng sẽ “giật mình”, họ có lẽ chưa bao giờ nghĩ đến việc trong nhà lại có cái camera chạy bằng cơm thế này.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu trước việc cô giáo cho bài văn của học sinh 1 điểm, trong khi đó rõ ràng đứa trẻ không bịa đặt, nói dối mà tả rất đúng chuyện trong nhà. Dù công việc của bố mẹ nhóc tỳ có phần “nhạy cảm”, nhưng đó cũng là vấn đề xuất phát từ chính bố mẹ cậu bé chứ không phải bản thân cậu. Lỗi duy nhất của bài làm mà giáo viên có thể trừ bớt điểm của học sinh là đứa trẻ còn sai chính tả khá nhiều.
Bài văn này được một tài khoản có tên Trần Thanh My đăng tải trước đây, hiện tại khi được đào lại vẫn gây nhiều sự quan tâm và chú ý đối với các bậc phụ huynh.
Ảnh minh hoạ
3 phương pháp giúp học sinh học tốt văn miêu tả:
- Tập trung vào các yếu tố cốt lõi của văn miêu tả
Việc hướng dẫn học sinh quan sát kỹ lưỡng đối tượng là cơ sở quan trọng để trẻ có thể miêu tả chân thực và sinh động. Học sinh cần chú ý đến các chi tiết nhỏ nhặt như màu sắc, âm thanh, mùi vị, cảm xúc của đối tượng. Điều này giúp trẻ tích lũy vốn từ vựng phong phú và biết cách sử dụng ngôn từ sáng tạo, hình ảnh ẩn dụ để tái hiện đối tượng. Bên cạnh đó, việc tổ chức ý tưởng một cách logic, có trọng tâm cũng là yếu tố then chốt, giúp bài viết miêu tả mạch lạc, dễ hiểu.
- Đa dạng các chủ đề và góc nhìn miêu tả
Việc mở rộng phạm vi miêu tả, không chỉ giới hạn ở con người mà còn có thể bao gồm thiên nhiên, cảnh vật, không gian, thời gian sẽ giúp học sinh tiếp cận với nhiều đối tượng và chủ đề khác nhau. Điều này không chỉ rèn luyện kỹ năng quan sát mà còn giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, linh hoạt. Ngoài ra, khuyến khích học sinh thử miêu tả từ các góc nhìn khác nhau, như của người quan sát hay nhân vật chính, sẽ giúp trẻ tiếp cận đối tượng miêu tả dưới nhiều khía cạnh khác nhau, làm phong phú thêm bài viết.
- Sử dụng các phương pháp dạy học tích cực
Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, quan sát thực tế giúp cung cấp nguồn cảm hứng và những hiểu biết sâu sắc về đối tượng miêu tả cho học sinh. Điều này góp phần nâng cao chất lượng bài viết của trẻ. Ngoài ra, áp dụng phương pháp học tập hợp tác, cho học sinh thực hành viết và chia sẻ, nhận phản hồi cũng rất hiệu quả. Việc này không chỉ giúp học sinh học hỏi lẫn nhau mà còn giúp bé tự tin hơn trong quá trình sáng tạo.