Nhìn Mai Linh làm bếp, nhiều người ngạc nhiên khi công việc "nguy hiểm" như vậy lại được một bà mẹ Việt "vô tư" giao cho con làm.
Mai Linh là một cô bé lai người Pháp, gốc Việt hiện đang sống tại Ushant, miền Tây nước Pháp. Mới 4 tuổi nhưng Mai Linh có thể tự vào bếp thực hiện các công đoạn để hoàn thành chiếc bánh mời cả nhà. Chị Đan Hà - mẹ của Mai Linh chính là người đã truyền tình yêu nấu nướng cho con ngay từ khi bé chỉ 2,3 tuổi.
Nhìn Mai Linh phụ mẹ làm bếp, nhiều người hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi một công việc đầy "nguy hiểm" như vậy lại được một bà mẹ Việt "vô tư" giao cho con làm.
Nhờ mẹ chỉ dạy, cô bé 4 tuổi đã sớm có tình yêu bếp núc
4 tuổi cô bé đã thành thạo các kỹ năng nấu nướng và có thể tự nấu rất giỏi.
Mai Linh có mẹ là người Việt, bố người Pháp và hiện đang sống ở vùng miền Tây nước Pháp.
Để cô con gái có tình yêu với việc nấu nướng, bà mẹ trẻ cho rằng người lớn cần phải đặt cả trái tim mình vào việc dạy dỗ.
Cho con đi chợ từ khi bé tập nói
Chị Đan Hà là một người mê nấu ăn và dường như niềm đam mê ấy đã giúp chị tìm được rất nhiều niềm vui trong việc bếp núc. Với chị, tình yêu với căn bếp đến tự nhiên từ khi còn là một đứa trẻ quần ống thấp ống cao bám gấu áo theo bà nội .
"Bà nội tôi, một phụ nữ nông thôn chính gốc nhưng lại cực khéo trong việc chế biến các món ăn. Đơn giản chỉ món canh cua hay đĩa ra bí xào tỏi qua cách nêm nếm của bà cũng trở nên đậm đà, đặc biệt. Bà còn có cả một kho công thức chế biến các món ăn từ dân dã đến công phu ở trong đầu mà giờ đây ít nhiều tôi được thừa hưởng lại.", chị tâm sự.
Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, cái bếp thành nơi chị yêu nhất trong bất cứ ngôi nhà nào chị sống. Từ một đứa trẻ, chị trở thành vợ, thành mẹ và có một gian bếp của riêng mình. Với chị không gì tuyệt vời hơn cảm giác được nhìn chồng con, người thân mỗi ngày quây quần bên mâm cơm mình nấu. Và cũng tự bao giờ không biết, chị muốn các con mình cũng coi việc bếp núc hơn cả một thú vui mà đặt cả tình yêu vào trong đó.
Chị Hà và con gái Mai Linh (hơn 4 tuổi)
Chị Hà thường cho bé Mai Linh vào bếp từ khi con còn rất nhỏ. Ngay cả việc cho con cùng đi chợ cũng được chị thực hiện từ rất sớm. Bắt đầu khi Mai Linh tập nói là chị đã dẫn con theo mẹ đi chợ vào cuối tuần.
"Điều này tưởng đơn giản nhưng cũng khiến mẹ mệt, nhất là khi bé đang độ tuổi tập nói. Cái gì con cũng tò mò, cái gì cũng hỏi và những câu hỏi thường chẳng bao giờ có điểm kết thúc. Tôi dặn mình luôn phải kiên nhẫn, giải thích cặn kẽ cho các thắc mắc của bé, dù đó có là lần thắc mắc thứ n+1. ", chị chia sẻ.
Cũng từ những lúc hai mẹ con đi chợ con sẽ đề đạt với mẹ món mà con thích để hai mẹ con cùng mua thực phẩm về cùng chế biến. Khâu này coi vậy chứ nhiều khi cũng hóc búa lắm bởi trí tưởng tượng của con vốn phong phú nên tên món ăn mà con gọi đôi khi xa với thực tế của mẹ một dặm đường dài.
Chị kể: "Nhớ có lần con gái lớn (khi đó 3 tuổi) bảo với tôi: mẹ ơi hôm nay con muốn ăn canh mây. Mẹ nghĩ mãi không biết là canh gì, kêu con tả mà phải mất mấy chặng “vứt thùng rác” thì mẹ mới hiểu đoạn văn tả tô canh trứng cà chua của con chính là canh mây.
Hay như lần Mai Linh thủ thỉ với mẹ: “Mẹ ơi mai con muốn ăn cơm đẹp. Mẹ nghĩ mãi không ra, kêu con diễn tả một hồi mới ra món xôi gấc, con còn kèm thêm câu khuyến mãi: “sao mẹ dốt thế”. (cười)
Linh rất thích làm bánh và đã sớm bộc lộ tính sáng tạo khi bé tự tay thực hành làm các loại bánh mà bé được học.
Phần bánh Mai Linh làm và tưởng tượng theo các con vật để tặng mẹ. Hơn 4 tuổi nhưng Mai Linh rất thông minh và thích vào bếp
Chị luôn là bạn với con trong góc bếp gia đình mình. Mai Linh khéo tay và học làm bánh rất nhanh
Khi Mai Linh lớn hơn một chút là lúc chị Đan Hà bắt đầu tập cho con cầm dao. Ban đầu cô bé hơn 1 tuổi làm quen với dao nhựa dùng để cắt trái cây hoặc các loại rau củ mềm. Khi bé 3 tuổi chị Hà bắt đầu cho con cầm dao thật, nhưng cũng chỉ là những loại dao có răng cưa không quá sắc để hạn chế tối đa tổn thương cho bé, và tất nhiên mỗi khi bé đùng dao đều phải nằm trong tầm mắt quan sát của người lớn, tuyệt đối không được lơ là.
Mẹ và con cùng làm thí sinh thi nấu ăn
Để cho con tình yêu với gian bếp, chị luôn cho con tham gia vào những khâu nhỏ, đơn giản như phụ mẹ nhặt rau, bóc hành, bóc tỏi. Trẻ con thường mau chán, nhất là với những việc đơn điệu như thế chỉ vài phút là con muốn bỏ cuộc. Lúc này mẹ phải dùng mẹo để biến công việc thành trò chơi.
"Nếu rảnh rỗi thì hai mẹ con sẽ thành thí sinh cùng thi, hoặc không con sẽ đánh dấu rau mình nhặt để lát nữa khi ăn sẽ múc riêng cho con. Bởi lẽ khi cùng nhặt rau cũng là lúc mẹ biến thành giờ học thực tế cho con biết tác dụng của từng loại rau, cách chế biến và cả cách ăn. Chính những lúc tham gia cùng mẹ như thế mà bé cũng sẽ thích ăn rau hơn, tập một thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ từ khi còn nhỏ.", chị mách nhỏ
Món bánh nướng bé Mai Linh tự trộn bột và làm các công đoạn (trừ lúc bỏ vào lò nướng nhờ người lớn)
Đừng tiếc lời khen ngợi với con
"Một điều quan trọng khi bé phụ mẹ làm bếp là mẹ phải tuyệt đối tôn trọng thành quả lao động của con. Dù bé làm chưa tốt, không đẹp hay kể cả làm hư thì mẹ cũng không được đổ bỏ thành phẩm của con. Món mẹ nấu phải dùng nguyên liệu do con sơ chế và khi dọn lên bàn ăn mọi người nhớ phải cám ơn con vì đã đóng góp công sức cho bữa cơm gia đình.
Đừng tiếc lời khen ngợi khích lệ con, bởi đó chính là động lực để những lần sau con hứng thú vào bếp cùng mẹ. Việc được mọi người ghi nhận công sức là sự tưởng thưởng đầu tiên mà con nhận và cũng chính là năng lượng nuôi dưỡng tình yêu trong con cho đam mê và nỗ lực sau này."
Mai Linh hơn 4 tuổi nhưng rất khéo tay, thông minh và có thể làm bánh ngọt để tặng cả nhà
Từ những bước đơn giản như thế thôi bé sẽ dần quen với việc cùng mẹ vào bếp, dần dần sẽ thành một lẽ tự nhiên. Từng bước từng bước một chị tập dần cho Mai Linh những việc khác, từ đơn giản đến phức tạp hơn. Đến khi Linh đi học, biết đọc biết viết là lúc chị dạy con nấu cơm bằng nồi cơm điện. Khi ấy con có thể đứng bếp nấu những món đơn giản như rau luộc, trứng chiên... dưới sự giám sát của mẹ.
“Rồi chẳng mấy chốc nhìn lại mẹ đã thấy con mình thành thanh niên, cũng là lúc mẹ có thể tự tin giao cho con cai quản giang sơn của mẹ, để một ngày con tự tin với những kỹ năng mà con đã được trau dồi để tiếp quen cái bếp của riêng con. Với con, học là chơi mà chơi cũng chính là học. Mẹ hãy truyền đam mê cho con bắt đầu từ những cuộc chơi trong gian bếp nhỏ như thế”, chị Đan Hà chia sẻ.
Mai Linh thường theo mẹ đi chợ cuối tuần từ khi còn rất nhỏ.
Cô bé gốc Việt lém lỉnh và khéo tay khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Bài liên quan Sửng sốt mẹ Nhật dạy con dùng… dao Mẹ mất, bé 5 tuổi nấu ăn chăm bố |