Được xác định là một trong nhiều ca mắc tay chân miệng đang phải điều trị ở buồng đặc biệt tại BV đa khoa Đắk Lắk, bé Jerry nhà chị Quỳnh Như sau 9 ngày điều trị vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan.
Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) hiện đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Tây Nguyên, số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng cũng khiến người dân lo ngại về nguy cơ lây lan, bùng phát các chùm dịch trong khu vực. Đáng quan ngại hơn lại là dịch bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, điều này đã khiến nhiều mẹ có con bị tay chân miệng đứng ngồi không yên.
Những ngày qua, câu chuyện về con trai 20 tháng tuổi của chị Nguyễn Trà Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) mắc TCM được xác định là ca bệnh nặng nhất từ đầu mùa khi nhập viện Việt Pháp được nhiều mẹ quan tâm. Rất nhiều bà mẹ bỉm sữa khác cũng lên tiếng chia sẻ những kinh nghiệm của mình khi chăm con mắc dịch TCM.
Bé 14 tháng dừng tập đi, sụt cân vì mắc TCM
Cách đây 3 tháng, con chị Minh Vy (Hà Nội) - bé Mon, bị mắc TCM cấp 2b lúc 10 tháng tuổi, tuy đã hết bệnh song để lại ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến hiện giờ bé rất yếu.
"Lúc 10 tháng tuổi con biết đứng và tập đi được mấy bước rồi, nhưng đúng lúc đó thì bị TCM cấp 2b. Sau khi hết bệnh, nay con 14 tháng tuổi chỉ đứng thôi, không tập đi như trước nữa hơn. Đặc biệt, từ một em bé bụ bẫm, sau dịch TCM con giảm 2kg giờ đến nay vẫn chưa thể lấy lại cân nặng", chị Minh Vy cho hay.
Ngày 10 tháng tuổi - bé Mon của mẹ Minh Vy bị TCM cấp 2b (Ảnh: Minh Vy)
Chia sẻ về hành trình chiến đấu chống lại dịch bệnh TCM cùng con gái bé nhỏ, chị Vy cho hay: “Cách đây mấy tháng cũng đúng đang vào tâm điểm dịch như bây giờ, con gái mình lúc đó 10 tháng tuổi, lúc đầu con chỉ bị sốt kèm theo một bài nốt mẩn đỏ dưới da, nghĩ có thể xử lý ở nhà nên mãi sau mới đưa ra BV Nhi Trung ương nhưng hết giường nên nhà mình đã chuyển bé đến viện Xanh Pôn".
Bé nhập viện trong tình trạng đang bị biến chứng của TCM, mạch đập nhanh, hôn mê sâu, lúc đó BS đã truyền an thần cho con hôn mê tránh tính trạng hệ thần kinh của con hoạt động như khóc nhiều gây căng thẳng bệnh tình nặng hơn. Các bác sĩ cũng dựa vào tình hình sức khỏe của con để đưa ra hướng can thiệp.
Vì con bị khá nặng phải ăn bằng ống xông nên bác sĩ chỉ định dùng thuốc đắt tiền (khoảng 10 triệu đồng/3 ống truyền đặc hiệu), ngay sau đó không ngừng theo dõi mạch đập của con và cặp nhiệt độ thường xuyên cho con đến khi hết sốt.
Sở dĩ bé Mon nhà chị Vy mắc bệnh, lý do có lẽ khá phổ biến và chính sự chủ quan của các mẹ làm ảnh hưởng đến con, bé bị lây TCM từ trẻ khác do cùng đi tiêm phòng ở trạm xá. Do sức đề kháng của con yếu nên khi bị nhiễm virut nên bị nhiễm luôn.
“Con mình không có biểu hiện rõ ràng đến lúc thấy sốt nhẹ 38,5 độ mẩn đỏ ít chán ăn, người mệt mỏi, ít chơi mình nghĩ đi tiêm phòng sởi về bị tác dụng phụ. Đến khi thấy con lả đi cho đến BS mới biết con bị TCM, chỉ mất khoảng 30 – 60 phút là bé đã diễn biến xấu đi rồi”. – Mẹ của bé Mon tâm sự.
Hiện nay bé Mon đã khỏe mạnh và hết bệnh nhưng đang phải chịu ảnh hưởng từ đợt bé bị TCM (Ảnh: Minh Vy)
Chị Minh Vy cũng nhấn mạnh: “Bệnh TCM chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh, nên rất dễ lây chéo, bệnh thường bộc phát chân tay và lở loét ở miệng. Nếu virus phát tán lên não hoặc hệ thống tim mạch rất có thể ảnh hưởng đến tính mạng của con, với nhiều trẻ có biểu hiện không rõ ràng, bố mẹ rất khó để phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời”.
Đối với các mẹ đang có con bị TCM, chị cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm, các mẹ hãy vệ sinh cho con bằng nước muối tinh, trong quá trình nằm viện, con phải được nằm phòng cách ly, các mẹ hạn chế mượn đồ dùng chung của bé khác tránh con bị lây bệnh truyền nhiễm khác, không nên hỏi con quá nhiều, để con càng ngủ nhiều càng tốt để tránh biến chứng hệ thần kinh cho con, bố mẹ chăm con phải thường xuyên rửa các vật dụng của con dùng bằng nước nóng đun sôi.
Ngoài ra, bố mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…
Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch
Bé Jerry (11 tháng) là con của chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (Đắk Lắk) đang nằm điều trị tại BV Đa khoa Đắk Lắk. Theo chia sẻ của chị Như, bé nhà chị bị TCM tính từ ngày phát bệnh đến nay là 9 ngày, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực. “Bé nhà mình yếu nên vi khuẩn xâm nhập nhanh, sức đề kháng thấp nên điều trị hơn một tuần vẫn chưa hết” – chị Như nói.
Bé Jerry (11 tháng) là con của chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (Đắk Lắk) đang nằm điều trị tại BV đa khoa Đắk Lắk (Ảnh: Quỳnh Như)
Được biết, bé nhập viện trong tình trạng sốt, thường xuyên nôn ói, giật mình và nổi mẩn đỏ như rôm ở phần mông và chân. Những ngày đầu khi thấy con xuất hiện triệu chứng bất thường, mẹ Quỳnh Như đã đưa con đến bác sĩ để được thăm khám, sau đó uống thuốc, bôi xát trùng, tuy nhiên, theo dõi 2 ngày không có tiến triển nên chị đã cho con nhập viện.
Chị Như cho hay: Sau khi đưa con đi khám ở tuyến cơ sở, mình cho con uống kẽm và thuốc bác sĩ kê đơn, kèm theo bôi thuốc xát trùng để các nốt se lại. Sau 2 ngày dùng thuốc, thấy con vẫn quấy khóc, vết mẩn càng lúc càng trở nên rõ hơn, qua ngày thứ 3 là gia đình đưa bé nhập viện. Đến trưa cùng ngày vào viện, bé lại liên tục sốt và nôn mửa, mất nước, nốt đỏ bắt đầu nhiều hơn, đôi lúc co giật.
Bà mẹ bỉm sữa ở Đắk Lắk tiết lộ: “Do mình có tìm hiểu về bệnh nên biết được kiến thức vệ sinh cho con, để tránh nhiễm khuẩn da mình tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch, vật dụng cá nhân ăn uống của con như bình sữa, ly uống nước đến đồ chơi và quần áo luôn được vệ sinh sạch sẽ”.
Bé Jerry khá bụ bẫm nhưng vẫn không thể chống cự lại được virus chân tay miệng (Ảnh: Quỳnh Như)
Chị cũng không quên lưu ý với các ông bố bà mẹ có con bị TCM, khi trông con bị TCM ở bệnh viện cũng như ở nhà, phụ huynh cần để mắt đến con 24/24h, thấy con sốt phải lấy khăn lau người bằng nước ấm liên tục, nếu con sốt li bì không có dấu hiệu hạ cần phải uống thuốc hạ sốt theo liều lượng phù hợp với cân nặng của con.
Nếu con sốt trên 39 độ phải tham khảo ý kiến bác sĩ và sử dụng thuốc nhét hậu môn. Tránh tình trạng bố mẹ ngủ quên vì con có thể bị tím tái người và sốt co giật bất cứ lúc nào. Trong khi con giật mình, mẹ phải nhớ bao nhiêu lần/bao nhiêu phút để thông báo với bác sĩ, từ đó để họ nắm được tình tình và hướng xử lý thích hợp.