Không chỉ Mio bị tình trạng như vậy mà bà xã Lý Hải cũng đang rất khó chịu.
Mùa mưa ẩm thấp kết hợp với cây cối nhiều là điều kiện lý tưởng để nhiều loại côn trùng ẩn nấp. Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị côn trùng tấn công, để lại hậu quả khôn lường.
Mới đây, bà xã Lý Hải đã lên mạng cầu cứu sau nhiều tháng liền sống ở nông trại Đà Lạt, con trai út của cô đã gặp nạn côn trùng đốt. Cụ thể, bé Mio thường xuyên gặp cảnh bị côn trùng đốt nặng đến mức tay chân hay bất kì chỗ nào bị đốt đều sưng phù, rất ngứa và lâu lành.
Bé Mio bị phù mặt, phù tay vì con dĩn đốt.
Chính bản thân Minh Hà cũng bị đốt và gặp nguy như con trai. Cả hai mẹ con đã dùng nhiều cách điều trị, nhiều lần mỗi ngày trong suốt vài tháng qua. Thậm chí còn phải đi y tế để dùng thuốc uống nhưng tình trạng bị đốt ngày càng nhiều trong những tháng ngày mưa này. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa ổn định nên cả gia đình có ý định ở tại nơi này dài ngày nên bà mẹ buộc lòng phải lên tiếng cầu cứu mọi người, những ai có kinh nghiệm.
"Có ai biết cách trị con dĩn không? Chia sẻ dùm mình làm sao tiêu diệt nó và khi bị nó cắn thì trị thế nào với ạ?
Con dĩn xuất hiện rất nhiều ở nơi gia đình Minh Hà sinh sống.
Ở khu mình cứ đến mùa mưa là xuất hiện con vật này rất nhiều. Người bản địa đều gọi là ruồi vàng nhưng sau khi nghiên cứu và nhiều lần bắt quả tang được nó chích thì mới biết được tên đúng của nó là con dĩn cả nhà ạ.
Nó bé xíu xiu nếu không tinh ý thì sẽ không nhìn thấy cho đến khi phát hiện ngứa mới biết bị chích. Vết cắn của nó phải nói là siêu ngứa và với ai thịt độc như Hà và Mio thì nó chích có thể gây sưng phù làm mủ luôn. Thời gian đầu, khi Hà bị chích thì tay chân chỗ nào bị chích thì sưng như chân voi luôn phải đi y tế cho thuốc kháng viêm uống. Giờ nó chích riết quen bớt sưng nhưng vẫn vừa nhức vừa ngứa kinh hoàng 3-5 ngày đầu và để lại sẹo thâm mấy tháng mới hết.
Đặc thù vết cắn có dấu chấm đỏ ở giữa hoặc bọng nước ở giữa hoặc 1 lỗ nhỏ ở giữa.
Minh Hà chỉ biết sát trùng cho hai mẹ con.
Hiện tại thì Hà tự tìm ra cách trị như sau khi bị chích:
B1: dùng dầu/ thuốc trị côn trùng xức/ massage cho đỡ ngứa
B2: sau đó dùng thuốc sát trùng xức nguyên vùng bị cắn (đường kính 5-10cm từ nốt cắn).
Một ngày làm 3-4 lần và quan trọng nhất cố gắng là không gãi khi ngứa (rất khó luôn ạ vì quá ngứa nhưng càng gãi càng sưng càng lâu hết)
Khi làm như vậy Hà thấy bớt sưng, bớt ngứa và mau hết khoảng 2-5 ngày tuỳ tình trạng bị cắn. Nhưng xui xui gặp con độc cắn thì vẫn sưng cỡ 4-5 ngày mới đỡ ạ.
Còn tiêu diệt thì chưa biết cách, chỉ dùng mấy chai xịt côn trùng xịt mà không thấy giảm. Tháng này là mùa sinh sản của nó hay sao mà lỡ mở cửa nó bay vô phòng là hôm sau trên cửa kính bắt mấy chục con con lí nhí luôn rồi lúc ngủ nó cắn tơi bời.
Rất mong sẽ nhận được kinh nghiệm và chia sẻ của cả nhà chứ nó cắn cả nhà hết chịu nổi".
Được biết nơi gia đình Lý Hải Minh Hà đang sinh sống là nông trại rộng hàng nghìn mét vuông ở Đà Lạt. Nơi đây gia đình trồng nhiều loại cây, rau củ...nên mỗi khi mưa xuống lại là điều kiện lý tưởng cho các loại côn trùng xuất hiện nhiều hơn.
Nhiều người chỉ cách trị con dĩn và nốt ngứa cho hai mẹ con.
Không chỉ bé Mio và Minh Hà gặp tình cảnh bị côn trùng đốt mà trước đó, gia đình Hồ Ngọc Hà hay Mạc Văn Khoa dù không sinh sống ở nơi đồi núi mà ở trong chính thành phố, các bé Leon và Minnie cũng gặp tình cảnh bị côn trùng đốt làm ai nấy đều xuýt xoa.
Thông thường tình trạng côn trùng đốt chỉ gây sưng đỏ và ngứa cho trẻ. Tuy nhiên trong những tình trạng nguy hiểm còn có thể gây viêm da do nọc độc bị tràn lên da tay.
Các bác sĩ cho biết, khi bị các loại côn trùng cắn như kiến, nhện, ve, bọ chét, rệp, mò… phản ứng tự nhiên của cơ thể là tình trạng ngứa ngáy dữ dội ở nơi bị cắn, nổi hồng ban và sưng phù, nổi mụn nước, các nốt dạng hạch lympho...
Ảnh minh họa
Thông thường các vị trí tổn thương trên sẽ giảm dần và khỏi sau một ngày. Tuy nhiên một số côn trùng có nọc độc nguy hiểm như ong, kiến, nhện... sẽ gây ra sốc phản vệ cho người bị cắn và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt, có những loại côn trùng mang virus Rickettsia (chủ yếu là mò) khi đốt sẽ rất nguy hiểm, gây nên tình trạng nhiễm trùng máu.
Khi nhiễm virus này người bệnh thường có các triệu chứng sốt cao kéo dài, có vết cắn côn trùng (thường ở những vùng da mềm nhạy cảm) bị phồng rộp, loét, viêm hạch…thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Để đề phòng các biến chứng khi bị côn trùng đốt, các bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ sốt cao đột ngột không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt lạ, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sỹ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.