Là ca tay chân miệng bị nặng nhất từ đầu mùa ở viện Việt Pháp, nhập viện với tình trạng sốt cao 40,5 độ xuất hiện các nốt mẩn đỏ, hiện giờ bé Panda nhà chị Giang đã có những tiến triển tích cực.
Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) hiện đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, khiến cho người dân vô cùng lo ngại. Bệnh lây lan nhanh, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, chính vì vậy nhiều mẹ bỉm sữa đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm chăm con bị tay chân miệng của mình để giúp cho các bé vượt qua bệnh, phục hồi nhanh.
Tuyệt đối không kiêng tắm, lau người thường xuyên cho con rồi bôi thuốc
Hiện nay, bé Panda (20 tháng) - con chị Nguyễn Trà Giang (Thanh Xuân) đang nằm điều trị bệnh TCM tại bệnh viện Việt Pháp. Theo như bác sĩ nói với chị Giang, bé Panda nhà chị là ca TCM nặng nhất từ đầu mùa tới giờ nhập viện vì xuất hiện nhiều nốt hơn các bé khác. Và sau khi bé được xét nghiệm, nguyên nhân khiến tình hình con nặng hơn các bạn còn do cơ địa.
Bé Panda xuất hiện nốt đỏ chi chít ở chân tay. (Ảnh: Trà Giang)
Từ lúc đưa con vào đến bây giờ, chị Giang vẫn luôn cố gắng lạc quan nhất để có sức khoẻ chăm con. Nhớ lại những ngày đầu con quấy cả ngày lẫn đêm, phải bế, dỗ liên tục chị chưa hết lo lắng.
“Virut TCM đã ủ mầm bệnh trong cơ thể con từ 7-10 ngày trước lúc phát sốt và các nốt đỏ. Bé Panda vẫn chơi và ăn uống bình thường cho đến dấu hiệu đầu tiên là viêm họng, ho có đờm. Trưa ngày thứ nhất, con bắt đầu sốt nhẹ 38-38,5 độ C, đến tối sốt cao và ho nhiều.
Mình cho uống Paracetamol (Doliprane loại siro, liều lượng uống chia theo kg nặng) bình thường uống xong là bé sẽ hạ sốt 4-6 tiếng nhưng lần này thì có vẻ bé không đáp ứng thuốc như mọi khi.
Sáng ngày thứ 2 con tiếp tục sốt rất cao 40-40,5 độ, mình cho uống paracetamol không hạ hoặc hạ 1-2 độ nhưng trong 1-2 tiếng lại sốt cao. Trưa ngày thứ 2, người con bắt đầu lên các nốt mẩn nhỏ gần như phát ban hoặc sốt xuất huyết nhưng không có bọng nước. Vì vậy, đến chiều thấy con không hạ sốt nên mình bắt đầu cho bé vào viện”, chị Giang chia sẻ.
Chị Giang đang chăm bé Panda ở viện.
Hiện nay, bé đã đỡ hơn, có thể ăn khoảng 70% so với lúc chưa bị bệnh. (Ảnh: Trà Giang)
Chị Giang cho biết, bé được nhập viện trong tình trạng sốt không hạ, đau họng, không được tỉnh táo, mất nước, nốt đỏ bắt đầu nhiều hơn trong vòm họng, tay chân nhưng chưa có bọng và ít, quấy khóc liên tục, không ngủ được vì đau và ngứa. Tuy nhiên sau một đêm truyền nước và khóc nhiều (cách 4-6 tiếng bác sỹ lại phải đút giảm đau), bé đã ngủ được một chút.
Lúc này các nốt đỏ bắt đầu to hơn và có bọng nước chủ yếu ở chân tay, mặt và trong họng. Ngày hôm sau, bé nhà chị đã bớt quấy khóc, hạ sốt hoàn toàn, ăn được chút đồ ăn mềm vì được bôi thuốc làm dịu, các nốt bắt đầu se lại.
Ngày thứ 5 kể từ khi bắt đầu bị bệnh, bé đã được đi tắm để tránh nhiễm khuẩn da và được thay ga giường thường xuyên vì nhưng nốt bọng nước vỡ ra. “Bé đã đỡ ngứa và đau họng 50-60%, được tháo ống truyền dịch. Và đây là đêm đầu tiền bé ngủ được 1 mạch từ ngày đầu phát bệnh. Để tránh diễn biến nghiêm trọng, có thể biến chứng chạy vào tim, phổi, não nên con được nghe tim, phổi, soi tai mũi học, nhịp thở và oxy 2 lần/ ngày”, chị Giang chia sẻ.
Trẻ bị tay chân miêng nên nhớ lau người thường xuyên cho con rồi bôi thuốc. Đồ chơi và quần áo của con nên mang đi luộc hoặc cho vào máy tiệt trùng. (Ảnh: Trà Giang)
Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con bị TCM của mình, chị Giang cho biết, bố mẹ nên lưu ý khi con xuất hiện các chấm nhỏ như phát ban trên người vì nhiều bệnh có triệu chứng giống nhau nên nhiều mẹ sẽ nghĩ chấm đỏ là con bị phát ban thông thường.
Bố mẹ nên nhớ lau người thường xuyên cho con rồi bôi thuốc. Ngày thứ 2, 3 nếu con hạ sốt nên tắm cho con để tránh nhiễm khuẩn từ nước và mủ của các nốt đã vỡ, tuyệt đối không kiêng tắm. Ngoài ra, đồ chơi và quần áo của con nên mang đi luộc hoặc cho vào máy tiệt trùng. Đồng thời, kể từ ngày sốt đầu tiên đến ngày thứ 7-10 mới cho con được tiếp xúc với các bé khác để tránh lây bệnh.
Rửa bằng lá chè xanh, tăng cường vitamin cho con
Cũng giống như chị Giang, chị Vũ Trà My (Hà Nội) đã từng “lo sốt vó” khi con trai 2 tuổi – bé Zon bị TCM cách đây gần 1 tháng. Nhớ lại những ngày tháng 9 đó, chị kể, bé Zon sốt cao gần 40 độ gối 2 loại thuốc hạ sốt cũng không đỡ, chị nhanh chóng cho con đến viện.
Tuy nhiên, với kết quả con có khuẩn trong họng sau khi xét nghiệm máu chị không hề nghĩ con bị TCM cho đến sáng hôm sau, khi con mọc nốt ở trong miệng. Bên cạnh việc uống đủ liều thuốc kháng sinh để kháng khuẩn và hạ sốt bác sĩ kê, chị còn hàng ngày kết hợp cho con uống sữa non và hoa quả để tăng sức đề kháng.
Bé Zon nhà chị My bị tay chân miệng cách đây gần 1 tháng.
“Một ngày, mình đều cho con uống 2-3 viên sữa non Pháp pha với sữa công thức. Bên cạnh đó, mình cho con dùng thuốc bôi miệng Bonjela của Úc có tác dụng làm tê bì chỗ vết bị đau của trẻ, khoảng 5 phút sau, con có thể uống sữa được. Làm như vậy con sẽ không bị đói và cáu gắt. Thuốc này mình tham khảo công dụng của nó để sử dụng.
Thuốc bôi ngoài da mình dùng xanh Methylen. Hàng ngày mình vẫn tắm cho con dù sốt nhưng tắm thật nhanh để tránh vi khuẩn sinh sôi cũng như hạ sốt khá tốt cho con.
Mình cũng cho con uống thêm vitamin và nước cam chanh tăng sức đề kháng cho con. Sau khoảng 5-6 ngày thì con đã đỡ khá nhiều.
Khi con khỏi, mình hạn chế không cho con ra chỗ đông người, khu vui chơi để tránh hẳn cho con và tránh lây hoặc lây cho các bạn khác. Mình chỉ cho con ra công viên thoáng mát để con chạy thư giãn và cho con phơi nắng sớm”, chị My chia sẻ tuyệt chiêu chăm con bị TCM ở nhà.
Chị My cho con uống sữa non Pháp pha với sữa công thức. Bên cạnh đó, dùng thuốc bôi miệng Bonjela cho con.
Còn chị Hồng Nhung (Hưng Yên), với kinh nghiệm chăm bé lớn 5 tuổi bị TCM khi được 16 tháng, chị cũng áp dụng chăm bé thứ 2 (2 tuổi) bị TCM cách đây 1 tuần để giúp con khỏi bệnh.
Chị Nhung cho biết, bé thứ 2 nhà chị bị TCM ở thể nhẹ, chỉ sốt 39 độ nên chị tự chăm sóc con ở nhà. Đồng thời, chị tìm các tài liệu về bệnh đọc, tự tìm hiểu và theo dõi con. Sau 5 ngày con đã khỏi bệnh, các nốt bắt đầu bong vảy.
“Khi phần bên trong môi con xuất hiện 2-3 nốt màu đỏ rập như nốt muỗi đốt và ở đầu gối tay, gối chân bắt đầu xuất hiện một vài nốt nhỏ li ti như nốt rôm xảy, rồi lên nhiều và to phồng, mình nghĩ ngay đến bệnh TCM vì đang có dịch”, chị Nhung kể.
Với kinh nghiệm chăm bé đầu cùng với những kiến thức đọc tham khảo về bệnh, chị Nhung bổ sung cho con vitamin chứa C, Zn, D. Bên cạnh đó, chị cho con uống sữa, ăn cháo chia làm nhiều bữa.
Ngoài ra, chị rửa lá chè xanh cho con, rồi dùng tyrosur bôi lên nốt phồng sau khi rửa sạch sẽ. Sau 3 ngày, nốt phồng trên người con chị đã xẹp và 5 ngày bong vảy.
Vì bệnh khiến sức đề kháng của con bị suy giảm nên chị Nhung cũng tư vấn mọi người cần tăng sức đề kháng cho con, vệ sinh chỗ ở, giặt giũ chăn màn, chiếu nằm, đồ chơi, phơi nắng khô sạch sẽ tránh mầm bệnh tái phát.