Với cậu bé 11 tuổi, áp lực dư luận có thể trở thành con dao giết chết tâm hồn.
Sau rất nhiều lùm xùm quanh câu nói 'Truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn' của Đỗ Nhật Nam, Eva đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) – người đã có nhiều năm nguyên cứu và hoạt động trong lĩnh vực tâm lý trẻ nhỏ.
Về 'hiện tượng' Đỗ Nhật Nam, theo bà Linh Nga, bà có theo dõi sự phản hồi của dư luận xung quanh câu nói của cậu bé và thấy rằng không phải mọi ý kiến đều quay lưng với cậu bé. Có rất nhiều người ủng hộ và cổ vũ em, mong em tiếp tục phát triển tài năng. Những ý kiến nhận xét tiêu cực tuy không phải là số đông nhưng với một cậu bé 11 tuổi, áp lực của dư luận có thể trở thành con dao giết chết tâm hồn của một tài năng nhí.
Xin bà cho biết những ảnh hưởng của dư luận đối với sự phát triển tâm lý của cậu bé 11 tuổi Nhật Nam?
Sự ném đá của dư luận vào 'hiện tượng' Đỗ Nhật Nam có thể sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển của cậu bé 11 tuổi. Chính vì thế, dư luận cần phải nhìn nhận khách quan, đúng đắn và bao dung hơn đối với cậu bé.
Một đứa trẻ 11 tuổi dù trí tuệ và tài năng phát triển vượt trội đến đâu thì suy nghĩ và ngôn ngữ vẫn chưa phát triển được hoàn thiện như người trưởng thành. Em không xác định được hậu quả lời nói của mình, bởi đó mới là đứa trẻ. Chính vì thế, em mới hồn nhiên chia sẻ: mẹ em bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn. Ngay câu trả lời này cũng thể hiện tính cách ngây thơ của trẻ con. Nếu là người lớn chắc em sẽ không vạ miệng mà nói ra điều này. Việc độc giả 'ném đá' Nam vì câu nói này vô hình chung đã bắt cậu bé 11 tuổi phải sống như một người lớn
11 tuổi là giai đoạn trẻ bước vào tiền dậy thì, có trẻ phát triển sớm tuổi này đã dậy thì nên cũng rất dễ rơi vào khủng hoảng về mặt tâm lý. Cậu bé Nam đang ở độ tuổi nhạy cảm nên việc bị dư luận chế giễu, nhạo báng... rất dễ tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm lý của em. Trẻ dễ rơi vào tình trạng lo lắng, chán nản, cảm thấy cô đơn, đau khổ khi người lớn không hiểu mình mặc dù có thể bề ngoài vẫn vui vẻ. Trong trường hợp này, có trẻ bị sự tác động không nhiều, nỗi buồn sẽ qua nhanh nhưng cũng có trẻ bị ảnh hưởng nặng, dễ bị thu mình lại, không thích chia sẻ nữa.
Dù chưa được gặp bé Nam nhưng xem và Nam trả lời tôi nghĩ Nam sẽ không bị khủng hoảng quá nặng nề nhưng có lẽ em sẽ buồn và có thể lỳ hơn chút nhưng mọi chuyện sẽ qua nhanh. Ở em có sự thông minh, già dặn trước tuổi nhưng vẫn có những nét hồn nhiên ngây thơ của con trẻ. Nhưng dù sự tác động này không nhiều thì tốt nhất gia đình Nam cũng không nên cho em đọc những thông tin trên mạng về vấn đề này. Và đặc biệt dư luận cần có cái nhìn đồng cảm, đúng đắn và bao dung hơn nữa với cậu bé
Sự ném đá của dư luận vào 'hiện tượng' Đỗ Nhật Nam có thể sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển của cậu bé 11 tuổi.
Bà đánh giá thế nào về những bình luận ác ý của người lớn dành cho cậu bé?
Điều này phản ánh tâm lý đám đông, thích bàn luận về những cái 'lạ đời'. Nam dù chỉ là một cậu bé 11 tuổi nhưng bảng thành tích của em thật đáng nể, đến người lớn cũng khó làm được. Việc Nam chia sẻ em ít đọc truyện tranh mà thích đọc sách chính trị, xã hội... là đang đi ngược lại với số đông trẻ con là thích đọc truyện tranh.
Tuy nhiên, về mặt tâm lý sở thích này của cậu bé có khác thường nhưng cũng bình thường, chứ không phải vô lý như nhiều người đang nghĩ.
Nhiều người cho rằng Nhật Nam đang bị đánh mất tuổi thơ, theo bà nhận định này có đúng?
Tôi cho rằng suy nghĩ này hơi thiển cận và thừa. Việc học tiếng Anh là đam mê của cậu bé nên chắc chắn Nam sẽ tìm thấy niềm vui trong quá trình học. Cậu bé này chia sẻ thích đọc sách, cậu đọc trong cả lúc ăn cơm nhưng bố mẹ em không cho em đọc nhiều, thường khuyến khích em chơi thể thao. Với Nam cậu thích đọc sách, sở thích này nó phát triển bình thường như có trẻ thích chơi bóng đá, có trẻ lại thích bơi … chứ không phải là đánh mất tuổi thơ như mọi người lầm tưởng.
Phần lớn số đông ném đá khi cậu bé chia sẻ quan điểm em ít đọc truyện tranh vì mẹ bảo “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”. Quan điểm này có đúng?
Về quan niệm “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”, đây là quan điểm cá nhân, có thể đúng có thể sai. Chính vì vậy mọi người có quyền bàn luận, đưa ra ý kiến. Tuy nhiên, việc góp ý phải chân thành, ngôn từ phải mang tính xây dựng, nhất là khi vấn đề đó liên quan đến một đứa trẻ. Nếu cộng đồng cứ buông ra những lời bình luận cay nghiệt, độc ác chẳng khác nào con dao giết chết tâm hồn của một nhân tài nhí đang ở tuổi phát triển.
Với những đứa trẻ phát triển trí tuệ vượt trội như bé Nhật Nam, theo chuyên gia việc dạy dỗ của bố mẹ cậu bé đã tốt hay chưa?
Theo tôi với những đứa trẻ thông minh, có trí tuệ vượt trội thì cần phải khuyến khích môi trường để trẻ phát triển mặt mạnh của mình. Ví dụ đứa trẻ có giọng hát hay, cháu lại rất đam mê ca hát cha mẹ hoàn toàn đúng khi cho trẻ được phát triển tài năng này. Với cậu bé Nam, em có năng khiếu học tiếng Anh và cũng rất đam mê học tiếng Anh, đam mê đọc các loại sách chính trị, xã hội.
Tất nhiên đối với trẻ nhỏ, ngoài việc học nên đan xen các hoạt động giải trí và để trẻ có thời gian làm các việc riêng theo sở thích của mình. Nam ngoài việc học em cũng tham gia chơi các môn thể thao yêu thích, cô giáo chủ nhiệm của em cũng nhận xét em hòa đồng, vui vẻ và hồn nhiên như các bạn. Điều đó khẳng định phương pháp dạy dỗ của bố mẹ em đúng, không có gì sai cả.