Xa gia đình, người thân và bạn bè, cô gái nhỏ nhắn Thùy Dương quyết tâm theo chân chồng sang Mỹ định cư và bắt đầu những tháng ngày chăm con với nhiều sự khác biệt.
Quyết định lấy chồng ngoại quốc và sang một đất nước xa xôi để sinh sống quả một điều khó khăn đối với nhiều cô gái Việt. Khó khăn hơn khi tại quê nhà cô gái đó có gia đình luôn ở bên và một công việc ổn định, mức lương hấp dẫn đủ khả năng sinh sống.
Đó là những gì đã xảy đến với chị Thùy Dương (37 tuổi) cách đây 6 năm. Hiện tại chị Dương đã có 2 cô con gái nhỏ sau 6 năm "theo chồng về dinh" tại Mỹ và chị luôn cảm thấy những quyết định ngày đó của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Nên duyên sau 1 lần gặp gỡ, bỏ việc nghìn đô theo chồng sang Mỹ
Chị Thùy Dương chầm chậm nhớ lại cơ duyên gặp gỡ giữa mình và chồng ngày đó. Chị kể, vợ chồng quen nhau do một người bạn chơi chung giới thiệu. Ban đầu cả hai người chỉ nói chuyện với nhau qua mạng. Thấy thương mến và có cảm tình với cô gái Việt, chàng kỹ sư điện tử hàng không Mỹ - David, đã quyết định đặt vé máy bay và vượt hàng nghìn cây số xa xôi sang đất nước Việt Nam để gặp được người con gái tên Dương.
Và cũng sau chuyến sang thăm đó, cả chị Thùy Dương cùng chồng cảm nhận được đối phương chính là một nửa còn khuyết của mình. Họ đi đến quyết định chung sống lâu dài bằng một đám cưới đầy hạnh phúc tại Việt Nam với sự chứng kiến của gia đình bên ngoại. Bố mẹ David cũng không ngần ngại đáp chuyến máy bay sớm nhất để chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc của hai con.
1 năm sau khi kết hôn, cả hai đã thảo luận kĩ càng nên quyết định, Thùy Dương sẽ gác công việc, theo chồng sang Mỹ định cư và làm việc. "Chồng mình nghĩ anh khó có thể tìm được công việc tương tự và đúng với chuyên ngành của anh ở Việt Nam, hơn nữa công việc của chồng mình ở Mỹ đang rất tốt nên 2 vợ chồng cùng thống nhất mình sẽ sang Mỹ sống.
Thời điểm đó mình đang làm ở vị trí trưởng phòng nhân sự của công ty chứng khoán tại TP.HCM với mức lương và thưởng khoảng hơn 1.000USD/tháng" - Chị Thùy Dương tâm sự.
Chị Thùy Dương đặt niềm tin vào anh David, quyết định theo chồng sang Mỹ sinh sống.
Những ngày đầu sang đất nước xa xôi, ba mẹ Thùy Dương cũng sang cùng con gái và ở đó khoảng 2 tháng thăm thú, từng bước cùng cô hòa nhập cuộc sống, con người nơi đó mới yên tâm quay trở lại Việt Nam.
Còn về ba mẹ chồng, chị Thùy Dương xúc động nhớ lại: “Ba mẹ chồng mình ở riêng nhưng khi ba mẹ ruột về, ông bà sợ mình buồn và nhớ nhà nhiều nên quyết định đến ở với vợ chồng mình 1 tháng để giúp mình vui hơn và cũng là giúp mình hòa nhập với cuộc sống mới.
Mình rất biết ơn ba mẹ chồng vì điều đó. Khi ở chung ông bà cũng không để mình làm hết việc nhà mà chia nhau làm để phụ giúp mình. Mẹ chồng thì rất chịu khó đưa mình đi chợ, đi shopping và tâm sự với mình vào mỗi tối trước khi đi ngủ. Điều làm mình cảm động nhất là ông bà luôn nói “Ba mẹ luôn xem con là con ruột chứ không phải con dâu”.
Bất ngờ với quan niệm chăm cháu của mẹ chồng
Được ông bà hỗ trợ và ủng hộ, vợ chồng chị Thùy Dương lên kế hoạch sinh con liền nhau để tiện bề chăm sóc. "Sinh liền 2 bé rất vất vả, chưa kể cả 2 lần mình đều sinh mổ, tuy nhiên có vài lý do khiến vợ chồng mình quyết định như vậy. Thứ nhất, vợ chồng mình tuổi cũng không còn trẻ nữa nên không muốn sinh con quá trễ vì không tốt cho sự phát triển của con.
Thứ hai, khi mình mới sang chưa đi làm chỉ ở nhà chăm con nên tốt nhất là sinh liền 2 đứa rồi chăm 1 lượt, sau này các bé lớn hết mình đi làm cũng chưa muộn. Thứ ba, vợ chồng mình nghĩ sinh con liền nhau các con sẽ gần gũi nhau hơn vì không có khoảng cách lớn về tuổi tác nên các con sẽ gần như phát triển cùng nhau và sẽ là những người bạn tốt nhất của nhau.
Thứ tư, sinh con liền nhau, mình có thể tận dụng xài lại những vật dụng sơ sinh mà không cần phải sắm mới nhiều. May mắn là, bé sau của mình cũng là con gái, nên gần như bé có thể sử dụng được hết những đồ dùng mình đã dùng trước đó cho bé đầu, vợ chồng mình tiết kiệm được khá nhiều ở khoản này".
Vì sinh con liền nhau nên sau khi sinh bé thứ 2, mẹ ruột chị Dương từ Việt Nam sang để phụ chăm cháu đến khi bé được 6 tháng, bà mới về. Vì ông bà nội ở riêng nên cũng chỉ thỉnh thoảng đến chơi, giúp chăm cháu những việc mà chị Dương nhờ.
Theo cô dâu Việt, ông bà không nề hà bất cứ việc gì từ thay tã, cho bé bú, cho bé ăn, tắm cho bé, dỗ bé khóc, cho bé đi ngủ. “Trong bất cứ việc gì ông bà giúp, trước đó đều quan sát xem mình làm như thế nào thì ông bà sẽ làm y chang như vậy, việc gì ông bà không rõ sẽ lập tức nhờ mình hướng dẫn.
Có một lần mình nói đùa “Mẹ sinh đến 3 người con lận mà, mấy việc chăm con nít như thế này chắc mẹ phải rành hơn con chứ”, mẹ chồng mình nói “Tuy là mẹ có đến 3 người con nhưng cách chăm con của mỗi người là khác nhau, đây là con của con nên con có cách chăm riêng và mẹ phải theo cách của con chứ không thể theo cách của mẹ được”.
Câu nói ấy của mẹ chồng khiến chị Dương cảm thấy hạnh phúc vì bản thân được tôn trọng, khác nhiều so với quan điểm xưa cũ của một số người Việt.
Cũng chính vì điều đó mà chị Dương chưa hề bất đồng quan điểm chăm cháu với bố mẹ chồng. Ông bà hoàn toàn tôn trọng cách dạy con của vợ chồng chị Dương, không can thiệp mỗi khi vợ chồng chị dạy dỗ hai bạn nhỏ. “Thỉnh thoảng khi nào mình hỏi ý kiến từ ông bà thì ông bà sẽ nêu quan điểm của mình hoặc nếu ông bà thấy cách dạy con của vợ chồng mình có vấn đề ông bà sẽ lựa lúc vui vẻ góp ý với vợ chồng mình nhưng sau cùng ông bà vẫn nói con là con của vợ chồng mình nên vợ chồng mình mới là người quyết định xem cách dạy con nào là tốt nhất”.
Còn giữa Thùy Dương và chồng David, vì hai người ở hai nền văn hóa khác nhau, phương Đông và phương Tây nên không thể tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm nuôi dạy con. Thế nhưng khi bất đồng, anh David sẽ góp ý hoặc dùng các dẫn chứng từ các bài báo về tác hại của hành động nuôi dạy con không đúng để thuyết phục vợ.
Anh cũng đồng ý văn hóa nuôi dạy con của người châu Á có nhiều điểm tốt nhưng không phải lúc nào cũng hợp với văn hóa và luật pháp ở Mỹ. Ví dụ như ở Mỹ không cho phép cha mẹ la mắng hoặc dùng bạo lực với con, nên cách dạy con của người Việt “thương cho roi cho vọt” hoàn toàn không phù hợp và không thể áp dụng.
“Đôi khi mình vợ chồng mình không thống nhất được cách dạy nào là đúng thì vợ chồng mình quyết định thử cả 2 phương pháp và theo dõi xem con tốt hơn nhờ phương pháp nào thì sẽ áp dụng phương pháp đó về sau”.
5 năm chuẩn bỉm sữa tạo nên hai cô con gái tuyệt vời
Chia sẻ thêm về hai con, chị Dương cho biết, bé lớn 5 tuổi và đến tháng 9 tới bé bắt đầu đi mẫu giáo vì bên Mỹ 5 tuổi mới bắt đầu đi mẫu giáo và 6 tuổi là vào lớp 1.
Hai cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn của vợ chồng chị Dương và anh David.
Mặc dù chưa đến tuổi đi học và chưa đến trường ngày nào nhưng bé đã đọc thông thạo. Trước đó ở nhà, chị dạy bé chữ cái và mỗi ngày một vài từ đơn giản và đọc sách cho bé nghe, dần dà bé hứng thú với con chữ và mê đọc sách. Bé cũng có hứng thú trong việc học tiếng Việt, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại con gái chị Dương chỉ mới nói được những câu đơn giản nhưng bé hiểu tiếng Việt khá nhiều.
Tuy chỉ lớn hơn em 1 tuổi, nhưng bé lớn rất ra dáng chị hai, biết nhường em, quan tâm đến em và biết trông chừng em mỗi khi ra ngoài đường.
Bé nhỏ mới bước sang tuổi thứ 4, biết nói khá sớm nên từ khi mới hơn 1 tuổi bé đã có thể giao tiếp với chị. Cô bé đến giờ cũng đã thuộc bảng chữ cái và một vài từ đơn giản. Bé nói tiếng Việt được ít hơn chị nhưng hiểu khá nhiều mỗi khi mẹ nói tiếng Việt.
Cả 2 bé đều hát được khá nhiều bài hát tiếng Việt và hay hát mỗi khi có ai yêu cầu. 2 bé có cùng sở thích là chơi xếp hình và đã có thể xếp được bộ trên 100 miếng mà không cần sự trợ giúp từ người lớn.
“Xếp hình là trò chơi giúp trẻ phát triển tư duy logic rất tốt nên vợ chồng mình khuyến khích con chơi từ khi còn nhỏ để con làm quen dần. Cả 2 bé đều rất năng động, ra ngoài chơi rất hòa đồng với bạn bè, thích chạy nhảy, thích vẽ tranh, tô màu và thích phân vai đóng kịch trong những câu chuyện do chính bản thân các bé xây dựng nên.
Cũng như các bé sống trong thời buổi hiện đại bây giờ, 2 bé nhà mình cũng rất mê xem tivi, iphone và ipad, tuy nhiên mình cũng cố gắng giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của con và hướng dẫn con chỉ nên tập trung vào các chương trình mang tính giáo dục (vợ chồng mình có mua các ứng dụng giáo dục tải về máy để khuyến khích việc tự học của các con) và luôn kiểm soát các hoạt động của con trên các thiết bị này”.
Hai cô bé rất thích mặc áo dài Việt Nam.
Là những cô bé lai Việt – Mỹ, việc chị Dương có thiên hướng dạy cho các con nhớ về cội nguồn là điều đương nhiên. Ngoài thúc đẩy con học tiếng Việt, chị thường đặt 1 cành mai vàng và một vài vật trang trí liên quan đến Việt Nam ở một góc nhà. “Ngoài ra, mỗi dịp Tết đến vợ chồng mình chở các con đến khu chợ Tết của cộng đồng người Việt xem các chương trình Tết, tham gia các hoạt động vui chơi ở hội chợ và thưởng thức các món ăn đặc trưng của Việt Nam nhằm giúp các con nhớ đến quê hương nguồn cội” - Chị Dương cho biết thêm.
Dịp Tết 2019 vừa rồi là lần đầu tiên vợ chồng chị Dương cho con về Việt Nam chơi 1,5 tháng. Ngày đầu tiên, cả nhà đi chơi ở đường hoa Nguyễn Huệ, các bé rất thích thú khi được xúng xính mặc áo dài Việt Nam dạo chơi cùng mọi người. Các bé còn rất hào hứng và phấn khích khi được ba mẹ cho đi chơi từ Nam ra Bắc, được đi thăm họ hàng đây đó. Đi đến đâu thấy gì lạ các bé cũng thắc mắc và muốn ba mẹ giải thích. Các bé rất ngạc nhiên khi thấy Việt Nam có rất nhiều xe máy và nhà cửa san sát nhau. Tuy không nói được nhiều tiếng Việt nhưng các bé rất thích ra ngoài chơi đùa cùng với bạn bè đồng trang lứa khi ở đó.
Tính đến thời điểm hiện tại, chị Dương cũng đã dành ra 5 năm để ở nhà chăm sóc 2 con. Bởi chị nghĩ khoảng thời gian đầu đời của trẻ rất quan trọng cho sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ sau này, nên nếu không phải gia đình quá khó khăn về tài chính, thì người mẹ nên ở nhà chăm con ít nhất đến khi con 4, 5 tuổi để gần gũi con hơn và chăm sóc cho con tốt hơn.
Dành 5 năm ở nhà toàn tâm toàn ý chăm con, chị Thùy Dương không hề hối hận.
“Ngoài việc chăm con thì việc chính của mình là nội trợ, chăm sóc vườn tược, dạy con học ở nhà, thỉnh thoảng chở con đi chơi công viên, đi đến thư viện và các lớp học khác. Hai bé nhà mình mỗi ngày một lớn nên nhu cầu học hỏi của các bé cũng nhiều hơn, trước mắt các bé đang tham gia các lớp học bơi, và tiếp theo vợ chồng mình sẽ đăng ký thêm cho các bé các lớp bổ trợ khác như ba-lê, võ, thể dục dụng cụ,.. để giúp các bé phát triển về mặt thể chất”.
Chị Thùy Dương cũng dành lời khuyên cho các cô gái Việt muốn định cư hay nuôi con tại nước ngoài, điều cần chuẩn bị nhất chính là vốn ngoại ngữ, khi bạn có thể nói tốt ngôn ngữ của người bản địa điều đó sẽ giúp bạn hòa nhập nhanh hơn với cuộc sống mới. Tìm hiểu văn hóa của nơi mà mình sắp sinh sống sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thích nghi với môi trường sống mới và bạn sẽ không bị sốc về văn hóa.
Nếu bạn quyết định sinh con ở nước ngoài mà không có sự trợ giúp từ người thân như ba mẹ hay anh chị em thân thuộc thì bạn cần chuẩn bị tốt kỹ năng làm mẹ bằng cách thu thập thêm nhiều kiến thức từ các nguồn khác nhau, quan trọng nhất là học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước trong cùng hoàn cảnh.
Khi các bạn ra nước ngoài sống thì người gần gũi với các bạn nhất chính là người chồng của mình, vì vậy hãy đi khi tình yêu của bạn dành cho người ấy đủ lớn và bạn tin rằng người ấy có đủ trách nhiệm và khả năng lo cho cuộc sống của mẹ con bạn.