Với nhiều bà mẹ, cho con ăn dặm là việc khá căng thẳng, mệt mỏi nhưng chị Võ Thị Thanh Huyền (28 tuổi, trú tại quận Tân Bình, TP.HCM) lại cảm nhận "ngày nào cho con ăn cũng là khoảng thời gian vui vẻ và thư giãn".
Là một bà mẹ trẻ lần đầu nuôi con nhưng chị Thanh Huyền lại gây bất ngờ bởi những kiến thức ăn dặm vô cùng phong phú và khoa học được đúc kết ra từ tìm hiểu và chính kinh nghiệm thực tế của bản thân.
Giữa vô vàn phương pháp ăn dặm đông, tây, truyền thống,... chị Huyền đã lựa chọn cho cô con gái Duri ăn dặm theo BLW (ăn dặm tự chỉ huy) với những quy tắc rất riêng. Ngoài ra chị cũng rất cầu kì chuẩn bị những dĩa thức ăn đầy màu sắc, hình thù tạo hứng thú cho con khi ăn.
Gia đình bé Duri.
Chị cho bé ăn dặm từ lúc mấy tháng tuổi? Giữa vô vàn phương pháp, tại sao chị lại chọn cho Duri ăn dặm theo BLW?
Bé Duri nhà mình được ti sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và bắt đầu kết hợp ăn dặm từ ngày thứ 180. Sau khi nghiên cứu sách báo và thực tế các nhà khác, mình quyết định cho bé ăn dặm theo phương pháp BLW (Baby Led Weaning) – ăn dặm bé tự chỉ huy, vì thấy phù hợp với tính cách của bé và môi trường gia đình mình. Phương pháp này rất khoa học và tiên tiến, bé sẽ tập xử lý thức ăn thô ngay từ ngày đầu tiên, bỏ qua cháo bột và các thức ăn xay nhuyễn như kiểu ăn dặm truyền thống trước kia.
Theo chị, phương pháp BLW có những ưu điểm, nhược điểm gì?
Ngay từ khi mang bầu, mình cũng đã tìm hiểu qua sách báo và nhận ra phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội nên mới chọn áp dụng cho con. Một vài điểm có thể kể ngắn gọn như: Thay vì ăn đút thụ động thì bé sẽ được ngồi vào ghế ăn riêng của bé và chủ động khám phá các loại thức ăn đa dạng, riêng biệt không trộn lẫn, được tự do xử lý thức ăn (cắn, nhai, xé, nghiền, nuốt, hoặc nhè, hoặc vất những món không thích).
Do bé tự ăn nên các kĩ năng vận động về tay được cải thiện rõ rệt, sự phối hợp khéo léo giữa tay và mắt cũng giúp hoàn thiện các liên kết thần kinh, kích thích trí não bé phát triển tốt hơn. Bé biết nhai sớm, kích thích nước bọt và dịch vị tiết ra trộn lẫn thức ăn cũng tốt cho hệ tiêu hóa của bé hơn so với kiểu ăn nhuyễn lâu ngày, ko biết cách nhai chỉ quen nuốt trọng.
Đặc biệt nếu mẹ áp dụng theo đúng lịch trình “tập luyện” thì cơ tay bé uyển chuyển linh hoạt và sẽ tự xúc thìa được sớm hơn so với kiểu ăn đút truyền thống. Trộm vía, bé Duri nhà mình 11 tháng tuổi đã có thể ngồi yên ngoan ngoãn tự xúc ăn những món lỏng sệt khá gọn gàng, và khẩu vị ăn cũng đa dạng, hầu như không kén ăn món nào.
Bé Duri ngộ nghĩnh trong sinh nhật tròn 1 tuổi.
Còn nhược điểm của BLW, có thể kể đến là sự bừa bộn. Thời gian đầu bé dành để khám phá thức ăn là chủ yếu, lắm lúc chỉ nghịch phá, quăng ném thức ăn chứ chưa nhai nuốt nghiêm chỉnh đâu. Nhưng không sao cả, chỉ cần mẹ tin tưởng bé và tiếp tục cho bé cơ hội tập luyện thì bé sẽ nhanh chóng ăn giỏi thôi.
.
Bữa ăn với bài học về con gà khiến Duri trở nên thích thú hơn.
Theo chị, cho con ăn dặm theo phương pháp BLW thì các mẹ cần lưu ý những gì?
Một vài lưu ý cơ bản là: Bé nên được ngồi gọn gàng vào ghế ăn của bé, ăn theo đúng giờ giấc mỗi ngày, không xem tivi hay chơi đồ chơi trong lúc ăn. Người lớn tránh nói chuyện, chỉ trỏ, làm trò… khiến bé mất tập trung. Mẹ chỉ nên ngồi gần quan sát bé ăn chứ không được đút cho bé.
Tóm lại, nhiệm vụ của mẹ là chuẩn bị bữa ăn ngon, phù hợp với từng giai đoạn cho bé rồi dọn dẹp “bãi chiến trường” sau khi bé ăn, còn chọn ăn gì, ăn bao nhiêu thì do “bé chỉ huy”.
Bé nhà chị có hợp tác cùng mẹ trong suốt quá trình ăn dặm hay không?
May mắn là Duri nhà mình có niềm vui thích với việc ăn uống, đã nhai và nuốt được ngay từ bữa đầu tiên. Mỗi lúc thấy mẹ bày ghế ăn ra là bé hớn hở, mừng rỡ vỗ tay vì biết sắp được ăn. Để bé có thái độ ăn hợp tác vui vẻ như vậy, mình cũng có áp dụng một số “quy tắc” riêng dành cho bé. Mỗi bữa ăn mình chỉ giới hạn trong vòng 30 phút, không kéo dài quá lâu để giữ cho bé niềm vui và sự mong đợi tới bữa ăn sau. Nhưng không phải lúc nào bé cũng hợp tác.
Những lúc bé không hợp tác, biếng ăn chị có ép để bé ăn hết khẩu phần ăn của mình hay không?
Mình không bao giờ ép bé ăn cả. Có nhiều bữa bé biếng ăn, ăn rất ít hoặc chỉ nghịch phá hất hết thức ăn nhưng mình không vội nản, cũng ko ép bé ăn, vì ép ăn sẽ làm bé sợ, lâu ngày dẫn đến biếng ăn. Nếu bé tỏ ý hoàn toàn không muốn ăn thì mình kết thúc bữa ăn sớm. Lúc đó mình ko lo lắng mà chỉ nghĩ, có thể hôm đó bé không khỏe, bé đang mọc răng, bé rơi vào kì khủng hoảng hoặc đơn giản là mẹ làm thức ăn không hợp khẩu vị.
11 tháng tuổi Duri đã có thể ngồi ăn ngoan ngoãn cùng với cả gia đình.
Có nhiều mẹ khi áp dụng BLW sợ con ăn uống sẽ không đủ chất, vậy chị đã áp dụng như thế nào để vẫn đủ dinh dưỡng cho bé trong các bữa ăn?
Thực ra đối với trẻ dưới 1 tuổi, ăn chỉ để tập dượt kĩ năng và thái độ ăn uống tốt về lâu về dài, còn lúc này sữa vẫn là ưu tiên hàng đầu vì dinh dưỡng từ sữa là toàn diện và dễ hấp thu nhất đối với trẻ, chiếm đến 80% dinh dưỡng mà trẻ cần. Ăn nhiều mà bỏ sữa thì còn không tốt, dinh dưỡng ko tiếp nhận đủ mà lại gây thêm gánh nặng cho hệ tiêu hoá còn non nớt của bé. Mỗi ngày mình đều chuẩn bị bữa ăn đủ các nhóm chất cho bé. Còn ăn gì, ăn bao nhiêu thì mình tôn trọng và để bé quyết định. Có bữa bé ăn ít nhưng có bữa ăn ngon miệng và ăn nhiều, mình thấy rất bình thường, kể cả người lớn chúng ta cũng vậy nên mình không lăn tăn gì hết. Bữa nào bé ăn ít thì bé lại ti sữa nhiều hơn chứ bé không biết tự bỏ đói bản thân đâu.
Ăn dặm theo BLW, chị chuẩn bị bữa ăn cho bé theo tiêu chí nào?
Tiêu chí của mình là nấu nướng đơn giản nhanh gọn, từ đầu đã tập cho bé ăn các món hấp luộc là chủ yếu, hạn chế chiên xào để giữ được tối đa dưỡng chất trong thức ăn và tốt hơn cho sức khỏe về lâu về dài của bé.
Thỉnh thoảng mới áp chảo hoặc chiên nhanh cá thịt sau khi hấp luộc. Khi bé dưới 1 tuổi, mình cho bé ăn lạt, hoàn toàn ko nêm gia vị mặn như mắm muối đường mà chỉ dùng các gia vị tự nhiên như hành, tỏi, sả, gừng, tiêu… Mỗi bữa ăn mình cố gắng đa dạng thành phần và cân đối về tỉ lệ dinh dưỡng, với Rau-củ-quả (50%), Tinh bột (25%), Đạm (25%).
Trong quá trình cho con ăn dặm, chị còn tỉ mỉ chuẩn bi rất nhiều khay thức ăn với hình thù đáng yêu, ngộ nghĩnh cho bé, xuất phát từ đâu chị lại có ý tưởng đó?
Lúc bé 6 tháng mới tập ăn, mình chỉ đặt từng món trực tiếp lên bàn ăn của bé để bé tập bốc. Đến khi bé gần 9 tháng thì mình đặt nguyên đĩa ăn lên bàn để bé kết hợp tập thìa nĩa. Thời gian đầu bé rất tò mò về những món “đồ chơi” mới xuất hiện và thường lật đĩa lên gặm hoặc hất hết xuống. Nhưng ko lâu sau, khi bé Duri gần 10 tháng tuổi thì “phong độ” ăn uống trở nên ổn định hơn, bé không hất đĩa nữa mà có thể nghiêm túc ăn được nhiều món cùng lúc trên đĩa như người lớn.
Lúc này mình bắt đầu tìm hiểu thêm về “Food Art” để tạo cho con hứng thú khi ăn và cũng là cách dạy con nhận biết về thế giới xung quanh. Cũng với những thành phần món ăn như vậy nhưng mẹ chịu khó sắp xếp bố cục, tạo nhiều hình dạng và sử dụng các loại rau củ quả sặc sỡ để tạo thành những hình ảnh đẹp mắt, giúp bé vừa ăn vừa quan sát, cảm nhận, học hỏi.
Cùng xem thực đơn mỗi bữa ăn dặm theo phương pháp BLW của chị Huyền dành cho bé Duri:
Bữa ăn với súp lơ xanh, thịt bò, cà chua, nấm, hạt sen và trứng.
Tôm, dưa leo baby, hành tây, ớt chuông đỏ-vàng, bông cải xanh được mẹ Duri cho lên hấp.
Bí ngòi vàng, bắp non, cà rốt, hành tây, tôm, lòng đỏ trứng chiên thịt băm và hành lá.
Cà rốt, ngô bao tử, nấm, đậu bắp, thịt heo và cá hồi cùng với món tráng miệng là 1 trái chuối.
Bữa ăn được với bài học về con gà của mẹ Duri.