Hẹp bao quy đầu là hiện tượng bao quy đầu dương vật không thể kéo xuống được làm cho bao quy đầu không thể tách khỏi quy đầu.
Hẹp bao quy đầu khá phổ biến ở trẻ em và là vấn đề các bậc phụ huynh hoang mang không biết phải làm gì để khắc phục tình trạng này cho con.
Do chưa hiểu biết đúng đắn cộng với những lời “mật ngọt” của các phòng khám ngoài hay những lời chỉ dẫn của bạn bè, nhiều ông bố bà mẹ vội vàng đưa con nhỏ, thậm chí chỉ mới vài tháng tuổi, đi nong bao quy đầu. Sau khi nong, nhiều bé đau đớn, khóc thét mỗi lần đi tiểu dẫn đến tiền mất tật mạng.
Chia sẻ về vấn đề này, Ths.Bs Lương Văn Chương (Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Xanhpon) cho biết hẹp bao quy đầu có thể là hẹp sinh lý hoặc hẹp bệnh lý. Đây là hiện tượng bao quy đầu dương vật không thể kéo xuống được làm cho bao quy đầu không thể tách khỏi quy đầu.
Hẹp bao quy đầu có thể là hẹp sinh lý hoặc hẹp bệnh lý. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Chương cũng nhấn mạnh, nhiều người có suy nghĩ nong hoặc cắt bao quy đầu sớm cho trẻ sẽ làm cho dương vật phát triển tự do, kích thước sau này to hơn là hoàn toàn sai lầm. Hẹp bao quy đầu ở trẻ có thể gây đến viêm nhiễm nhưng chỉ cần điều trị đúng cách mà không cần thiết phải nong, cắt bao quy đầu cho trẻ.
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ em, dưới đây bác sĩ Chương sẽ có những chia sẻ chi tiết hơn.
Hẹp bao quy đầu sinh lý
Hẹp bao quy đầu sinh lý là tình trạng bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên để bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh ra. Đa số bé trai mới sinh (96%) đều có hẹp bao quy đầu sinh lý.
1 tuổi giảm xuống còn 50% và đến 3 tuổi, tỷ lệ này giảm dần xuống còn 10%. Khi trẻ 14 tuổi, tỷ lệ này giảm xuống còn 1% và khi trẻ lớn sẽ tự khỏi.
Cách điều trị:
Sau 1 tuổi nếu bố mẹ vẫn thấy bao quy đầu của con hẹp thì chỉ cần bôi thuốc Betamethason ngày 1 lần. Việc bôi thuốc này thực hiện trong 4 tuần, tình trạng hẹp bao quy đầu của trẻ sẽ khỏi. Lưu ý, bố mẹ nên bôi sau khi tắm buổi chiều cho con để thuốc ngấm được nhiều nhất.
Bố mẹ không nên quá vội vàng đưa con đi nong, cắt bao quy đầu sớm. (Ảnh: internet)
Hẹp bao quy đầu bệnh lý
Khác với hẹp bao quy đầu sinh lý, hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp thực sự vì có sẹo xơ, hình thành do viêm nhiễm hoặc do cố gắng quá mạnh để nong bao quy đầu trước đó.
Hẹp bao quy đầu bệnh lý nguyên nhân có thể do bẩm sinh, do lỗi của bố mẹ hay thầy thuốc.
- Hẹp bao quy đầu bẩm sinh là sinh trẻ có bao quy đầu quá hẹp, da quy đầu quá dài. Hẹp bệnh lý sẽ không thể chữa trị được.
- Còn hẹp bao quy đầu do lỗi của bố mẹ hay thầy thuốc bắt nguồn từ sự hiểu biết chưa đúng của một số bác sĩ. Trong khi trẻ ở độ tuổi hẹp sinh lý, bố mẹ đã vội vã đưa con đến bác sĩ và các bác sĩ đã vội vã nong, tách bao quy đầu từ đó biến hẹp sinh lý thành hẹp bệnh lý.
Khi đó, trẻ sẽ khóc thét, máu me, tổn thương và để lại sẹo. Điều này càng làm trầm trọng hơn vì hẹp bệnh lý sẽ khó điều trị hơn, chỉ có cách duy nhất là mổ. Chính bởi vậy, bố mẹ nên cân nhắc, đừng quá vội vàng đi nong hoặc cắt bao quy đầu cho trẻ.
Khi nào đi bệnh viện?
Trẻ bị hẹp bao da quy đầu thường có những biểu hiện tiểu khó, phải rặn làm phồng bao quy đầu, tia tiểu bắn xa. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường quấy khóc và đỏ mặt vì rặn mỗi khi đi tiểu do phần chít hẹp làm lỗ tiểu của bé nhỏ cản trở bài xuất nước tiểu. Điều này làm bao quy đầu của trẻ thường xuyên tấy đỏ và ngứa ngáy. Thậm chí khi tiểu ra, nước tiểu rất đục và hôi, khiến trẻ có thói quen hay sờ mó và nghịch “cậu nhỏ”.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời sẽ tích tụ các chất bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu, có thể ảnh hưởng và gây nhiều biến chứng không tốt.
Khi trẻ từ 1-3 tuổi, bố mẹ có thể bôi thuốc Betamethason và tham vấn bác sĩ. (Ảnh minh họa)
Lời khuyên của bác sĩ
- Hẹp bao quy đầu nếu không có vấn đề gì sẽ tự khỏi bởi vậy bố mẹ chỉ cần đưa con đi khám khi quy đầu quá dài, quá hẹp, đái phồng, cặn bẩn, viêm nhiễm.
- Bố mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi đi điều trị hẹp bao quy đầu.
- Khi trẻ từ 1-3 tuổi, bố mẹ có thể bôi thuốc Betamethason và tham vấn bác sĩ. Còn đối với trẻ trên 3 tuổi, bố mẹ cần phải cho con đi khám ngay bởi lúc này nguy cơ trẻ bị hẹp bao quy đầu bệnh lý.
* Bài viết được tư vấn từ Ths. Bs Lương Văn Chương (Thuốc cho bé)