Rụng tóc vành khăn là căn bệnh hay gặp ở trẻ em bị mắc chứng còi xương do thiếu vitamin D. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu mắc bệnh trong bài viết ngay sau đây.
Hiện tượng rụng tóc ở trẻ luôn là một nỗi lo lắng lớn đối với hầu hết bậc làm cha mẹ đang nuôi con nhỏ, đặc biệt khi trẻ bị rụng nhiều tóc ở phần sau gáy tạo thành hình vành mũ xung quanh đầu hay còn gọi là rụng tóc vành khăn. Lúc này bố mẹ cần phải lưu ý bởi đây là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe mà bé đang gặp phải.
Hình ảnh rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)
Rụng tóc vành khăn là gì?
Đây là hiện tượng tóc của bé rụng nhiều ở phần sau gáy tạo thành hình vành mũ xung quanh đầu.
Rụng tóc vành khăn hay gặp ở bệnh nhi bị mắc bệnh còi xương do thiếu vitamin D, bởi các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, vitamin D cũng chịu trách nhiệm trong việc phát triển lông, tóc, móng.
Nếu trẻ bị thiếu vitamin D, chân tóc sẽ bị yếu và dễ rụng, bởi vậy khi trẻ nằm, phần đầu cọ xát xuống chiếu sẽ bị rụng thành vành gọi là rụng tóc vành khăn. Hiện nay, tỷ lệ trẻ bị mắc căn bệnh này đến Viện dinh dưỡng Quốc gia điều trị tương đối phổ biến, với khoảng 10 trẻ đến khám thì có 3-4 trẻ bị mắc bệnh.
Dấu hiệu của bệnh rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh
Rụng tóc vành khăn do còi xương khác tình trạng rụng tóc của các bệnh khác hay rụng tóc sinh lý. Căn bệnh này xảy ra khiến trẻ bị mất cả chân tóc và rụng từng đám. Ngoài ra, trẻ bị mắc bệnh còn có biểu hiện kèm theo như khó ngủ, quấy khóc vào ban đêm, ra nhiều mồ hôi, chậm vận động.
Thông thường trẻ “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” nhưng với trẻ bị bệnh còi xương và có biểu hiện rụng tóc vành khăn thường chậm lẫy, chậm bò, ngồi, đi và chậm mọc răng.
Nguyên nhân chính của bệnh rụng tóc vành khăn ở trẻ là do thiếu các vi chất dinh dưỡng, trong đó thiếu vitamin D là chủ yếu (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân chính của bệnh rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh đó là do thiếu các vi chất dinh dưỡng, trong đó thiếu vitamin D là chủ yếu. Bên cạnh đó, thiếu kẽm, sắt, vitamin C, canxi đều có thể dẫn đến mắc bệnh.
Rụng tóc do thiếu vi chất dinh dưỡng thông thường ở trẻ dưới 12 tháng, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, rụng tóc do thiếu vitamin D và thiếu các vi chất dinh dưỡng thường gặp ở nhiều lứa tuổi, thậm chí ở độ tuổi 11-12 hay lứa tuổi lớn hơn như các bà mẹ sau sinh, người ốm dậy thiếu các vi chất dinh dưỡng này cũng có thể gây rụng tóc.
Bên cạnh đó, khi trẻ mới ốm dậy, do việc sử dụng một số loại thuốc tân dược để chữa trị cũng có thể khiến cơ thể của trẻ bị ảnh hưởng. Từ đó tóc của trẻ sẽ bị rụng dần mỗi khi nằm nhiều.
Ngoài ra, cha mẹ cho bé nằm quá nhiều, chèn thêm nhiều gối để cố định vị trí khi ngủ của con. Điều này sẽ khiến vùng tóc tiếp xúc với gối khó có cơ hội phát triển và mọc tốt hơn. Cộng thêm việc mồ hôi tiết ra khi trẻ bị nóng sẽ khiến tóc dễ bị rụng hơn.
Cách điều trị rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh
Tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ là một dấu hiệu không đáng lo, phát hiện sớm và bổ sung vitamin cũng như muối khoáng như: Kẽm, sắt, vitamin C, canxi kịp thời, tóc sẽ mọc trở lại, trẻ tăng trưởng tốt hơn.
Nếu có điều kiện, trẻ sẽ được khám lâm sàng để tìm ra nguyên nhân. Từ đó, bác sĩ sẽ bổ sung các vi chất dinh dưỡng mà các bé bị thiếu, như vậy tình trạng rụng tóc ở trẻ không còn nữa và tóc trẻ sẽ mọc lại tốt hơn.
Bổ sung vitamin cũng như muối khoáng: Kẽm, sắt, vitamin C, canxi kịp thời, tóc sẽ mọc trở lại (Ảnh minh họa)
Trẻ bị rụng tóc vành khăn nên bổ sung gì?
Đối với những trẻ hiện đang gặp phải tình trạng rụng tóc, bố mẹ cần bổ sung đầy đủ Vitamin D cho trẻ để giúp phát triển tối ưu. Để bổ sung vitamin D cho trẻ có 2 cách:
- Thứ nhất cho trẻ uống liều cao: Liều 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng. Khi vitamin D vào cơ thể sẽ bị giữ lại cho gan và được điều tiết để cơ thể phát triển bình thường.
- Thứ hai cho trẻ uống vitamin D hàng ngày: Tùy theo từng lứa tuổi mà cho trẻ uống các đơn vị khác nhau (từ 400 – 800 đơn vị/ ngày). Vitamin D cần uống suốt cuộc đời.
Mặt khác, trẻ bị rụng tóc vành khăn có thể bổ sung vitamin D khi được tắm nắng. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải tắm nắng đúng cách cho con. Bố mẹ chỉ nên cho trẻ tắm nắng từ 9-10h sáng và tắm 5-7 phút mỗi ngày. Với trẻ em dưới 12 tháng tuổi, theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không nên tắm nắng.
Bố mẹ không nên cho trẻ tắm trước 9h hoặc sau 15h bởi việc tắm nắng trước và sau 2 thời điểm này đều là vô ích, cơ thể không nhận được tia UV B (tia UV B chiếu vào da tạo vitamin D). Trong khi đó, cơ thể lại phơi mình vào sự nguy hiểm dưới tia UV A (không tạo vitamin D mà còn hủy vitamin D).