Trẻ sơ sinh sau khi tiêm phòng thường hay quấy khóc hoặc sốt nhẹ. Đa số các bé sẽ hạ sốt sau khoảng 1 đến 2 ngày.
Tiêm phòng là một cách hiệu quả, an toàn giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, một số bé sau khi tiêm một vài giờ hoặc vài ngày có thể có dấu hiệu sốt nhẹ kèm theo quấy khóc, biếng ăn.
Thông thường, bé sẽ hạ sốt sau tiêm 1 đến 2 ngày. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bé sốt cao vì vậy mẹ cần biết các kiến thức xử lý các biến chứng sau khi tiêm để đảm bảo sức khỏe cho bé.
1. Nguyên nhân vì sao trẻ hay bị sốt khi tiêm phòng?
Vắc-xin (vaccine) là phương thuốc đơn giản và an toàn nhất giúp bảo vệ bé khỏi nhiều loại bệnh khác nhau. Cơ chế hoạt động của vắc–xin là kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại các loại virus, vi trùng gây bệnh.
Sốt là phản ứng tự vệ tự nhiên của cơ thể bé. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, vắc–xin là một loại thuốc nên có thể gây ra các tác dụng phụ cho bé như mệt mỏi, sưng tấy chỗ chích, biếng ăn, sốt. Hầu hết các tác dụng phụ này thường xảy ra trong khoảng 24 giờ đến 48 giờ sau khi tiêm. Các triệu chứng này thường không nguy hiểm và sẽ khỏi sau 1 đến 2 ngày.
2. Tổng hợp các cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh khi tiêm phòng
Sau khi tiêm phòng cho bé mẹ cần theo dõi tình trạng của con thường xuyên. Mẹ nên để bé ở trong phòng thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi. Nếu bé có dấu hiệu sốt thì mẹ nên đo nhiệt độ thường xuyên để tránh bé sốt cao.
Các loại thuốc hạ sốt không tốt với sức khỏe của trẻ sơ sinh, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm chết người nên mẹ tuyệt đối không cho bé uống thuốc hạ sốt nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.
Mẹ có thể thực hiện các cách sau đây để giúp bé hạ sốt nhanh chóng:
- Cho bé bú sữa mẹ nhiều hơn vì trong sữa mẹ có nhiều khoáng chất và vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời cho bé uống thêm nước để phòng chống việc mất nước do sốt.
Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh khi tiêm phòng tốt nhất là nên cho bé bú thường xuyên. (Ảnh minh họa)
- Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm rồi lau người cho bé, đặc biệt là phần bàn chân, bàn tay nách và bẹn.
- Cho bé nghỉ ngơi và ngủ đầy đủ để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
- Tránh cho bé tiếp xúc với khách đến chơi nhà và cũng không cho bé ra ngoài chơi lâu.
3. Trường hợp cần đưa trẻ đi khám bác sĩ
Sốt sau khi tiêm phòng là hiện tượng bình thường, mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé có các biểu hiện sau thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để kiểm tra:
- Bé sốt cao trên 38 độ.
- Bé bị đau bụng, tai hoặc chân tay.
- Bé gặp khó khi uống nước, bú mẹ.
- Bé nôn mửa, hoặc tiêu chảy kèm sốt cao.
- Bé sốt hơn 3 ngày không khỏi.
- Bé mệt mỏi, bỏ ăn.
Theo Bác sĩ Hoàng Ánh Quyết, Phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng Hà Nội, những trường hợp vắc xin được nhà sản xuất khuyến cáo đau nhiều, sưng nhiều tại chỗ tiêm hoặc sốt, bố mẹ cần phải chườm mát cho con. Nếu trẻ đau sưng nhiều, bố mẹ có thể chườm mát bằng cách lấy chai nước bọc vào khăn chườm cho con. Nghiêm cấm không được chườm lạnh hoặc can thiệp vào chỗ tiêm như bôi, xoa thuốc bởi khi tiêm phòng vắc xin sẽ kích thích miễn dịch nguyên thủy (tức là tại chỗ tiêm bạch cầu và các tế bào bị giãn mạch ra để miễn dịch) và miễn dịch thích nghi (tức là sau khi đưa kháng nguyên vào cơ thể, bạch cầu sẽ bắt giữ kháng nguyên thành lập kháng thể giúp bé phòng được bệnh). |