Vì con trai Ụt sinh non, kém hấp thụ dinh dưỡng nên chị Anna phải tự chuẩn bị cho mình những kĩ năng cho con bước vào thời kì ăn đặm được thuận lợi.
Sinh non ở tuần thứ 35 của thai kỳ, bé Ụt - con trai chị Ngọc Anna (Nha Trang), phải truyền nhiều kháng sinh do nhiễm trùng sơ sinh. Chính vì thế mà suốt khoảng thời gian sau sinh, Ụt hấp thụ dinh dưỡng rất kém. Điều đó khiến cho chị Anna phải chăm sóc con một cách tỉ mỉ, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất để bù đắp lại những thiệt thòi của con.
Ụt sinh non (ảnh trái) và thời điểm hiện tại (ảnh phải) tròn 8 tháng tuổi.
Tìm hiểu thật kĩ cách nấu các món ăn
Bé Ụt được mẹ bắt đầu cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi bằng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật kết hợp BLW - ăn dặm tự chỉ huy.
“Mình hoàn toàn tôn trọng quyền ăn uống của con để bé không bị áp lực về tâm lý dẫn đến kén ăn và sợ ăn. Thành quả là sau 2 tháng bé rất thích ăn. Vì mình đổi món liên tục nên bé hầu như không kén món nào. Biết ăn cả hành lá, gừng, rau thơm, tự chủ cả việc cầm nắm trái cây rau củ bỏ vào miệng không hóc oẹ, biết tự cầm cốc uống ống hút lúc 6 tháng 5 ngày tuổi”, chị Anna chia sẻ.
Theo đó, thực đơn ăn uống của bé Ụt những ngày đầu là nấu cháo loãng với tỉ lệ 1:10 (nghĩa là 1 muỗng cháo 10 muỗng nước) trộn chung cùng với sữa mẹ cho bé ban đầu không bị quá bỡ ngỡ.
Khoảng thời gian sau đó cho bé ăn thêm dần dần rau củ quả nghiền trộn cùng nước dashi, không dùng bất cứ loại gia vị hạt nêm nào.
Những ngày đầu chị Anna nấu cháo trộn sữa cho con dùng.
Các bữa sau tăng dần với rau củ quả để bé tập làm quen.
Bên cạnh đó, khi nấu ăn cho con, chị Anna luôn chú tâm về cách nấu và các loại rau củ quả kỵ nhau để nấu sao cho chuẩn nhất, đơn giản nhất mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng.
“Ví dụ: thịt bò kỵ dưa hấu, củ cải kỵ cà rốt, cà chua kỵ khoai lang, khoai tây và rau dền kỵ lê, cải bó xôi kỵ đậu phụ, cà rốt kỵ hải sản có vỏ, củ cải kỵ nấm mèo… nên mình chú ý không kết hợp các món đó với nhau để khỏi làm mất chất cũng như vô tình gây ngộ độc cho con”, chị Anna cho biết thêm.
Ngoài ra, chị luôn cố gắng nấu đa dạng các nhóm chất, làm mới thực đơn để bé không bị ngán. Chẳng hạn nhóm tinh bột ngoài gạo còn có yến mạch, hạt quinoa, hạt kê, kiều mạch, bánh mỳ, mỳ somen, khoai lang, khoai tây... Nhóm đạm ngoài thịt cá còn có sữa chua, váng sữa, tàu hũ non.... Đặc biệt, bé Ụt rất mê món váng sữa handmade của mẹ, yến mạch cà chua, pho mai rắc.
Không bỏ qua các món ăn sẵn
Một điều may mắn đối với chị Anna đó là vợ chồng chị được toàn quyền quyết định đến các vấn đề ăn uống của con, chồng chị cũng đặc biệt tin tưởng về phương pháp của vợ. Vì thế, đối với bé Ụt tuy bú kém nhưng mỗi bữa ăn dặm là một niềm vui.
Nấu nướng kì công nhưng chị Anna vẫn không bài trừ các món đồ ăn sẵn như sữa chua khô, bánh ăn dặm, trà lúa mạch... ra khỏi thực đơn mà luôn xen kẽ vào mỗi lần đi chơi. Bởi theo chị Anna, những thực phẩm này vừa đem lại sự tiện lợi mà phần nào vẫn cung cấp dưỡng chất cho con, miễn là mình có chế độ ăn phù hợp.
"Một vài kinh nghiệm của mình trong nấu ăn đó là những ngày Ụt bị bệnh mẹ không ép ăn mà tuỳ vào quyết định của con. Mình thường nấu bớt đạm, chỉ có cháo thêm hành lá và rau củ cho con dễ tiêu hoá. Khi con chớm ho sổ nũi, mình thường làm món lê hấp gừng giúp con khỏi bệnh ngay", chị Anna chia sẻ bí quyết.
Giống như một vài bà mẹ khác khi cho con ăn dặm, chị Anna cũng có những nguyên tắc riêng như cho con ngồi vào ghế ăn và ăn chung với cả nhà; không xem tivi hay đùa giỡn; mỗi bữa ăn không kéo dài quá 30 phút; khi con chán thì dừng ngay không ép; sau bữa ăn nửa tiếng thì ăn sữa chua hay trái cây...
Dưới đây là thực đơn một số món ăn mà chị Anna thường nấu cho Ụt trong quá trình ăn dặm, mời các mẹ tham khảo:
Cá hồi hấp gừng, sốt cà chua
- Cá hồi hấp chín nghiền nhỏ.
- Cà chua luộc bỏ vỏ bỏ hạt rồi nghiền nhỏ, rây qua cho mịn rồi nấu cùng chút bột bắp và đường dừa hữu cơ cho sệt lại rồi rưới lên cá.
- Thêm chút hành lá cho thơm.
Salad cải chip, khoai tây
- Cải lấy phần lá cắt nhỏ, giã, rây.
- Khoai tây nghiền mịn rồi trộn chung cùng 2 muỗng sữa chua cho bé 6 tháng ta được món salad lạ miệng cho bé.
Cháo gà đậu Hà Lan kỷ tử
- Gà luộc rồi cắt nhỏ, giã ra rồi mình xào sơ qua dầu hoa cải cho thơm cùng chút hành tím.
- Đậu luộc chín nghiền nghuyễn, kỷ tử bỏ chung vào nước luộc gà.
Tàu hũ đậu gà
- 50 gram đậu gà ngâm qua đêm bóc vỏ lụa bên ngoài, cho 120ml nước vào xay nhuyễn rồi nấu lên cho sệt (lăn tăn mép nồi) rồi bỏ vào khuôn cho vào tủ lạnh.
- Có thể rưới nước sốt chanh dây, kiwi, cam, dâu hay có thể tận dụng tàu hũ non từ đậu gà dằm nhỏ nấu cùng nước súp rau củ.
Mời độc giả gửi những hình ảnh/video ngộ nghĩnh, đáng yêu của các bé trong độ từ 0-10 tuổi kèm thông tin cơ bản về hòm mail: lamme@eva.vn. Ban biên tập sẽ lựa chọn những bức ảnh/clip ngộ nghĩnh nhất để chia sẻ trên chuyên mục Làm mẹ. |