Cắt bao quy đầu, khi nào nên?

Ngày 31/03/2013 09:56 AM (GMT+7)

Để làm rõ tranh cãi 'có nên cắt bao quy đầu cho bé?', Eva đã phỏng vấn bác sĩ giỏi.

Sau khi đăng tải tâm sự của bạn đọc ở địa chỉ email: huong_vu_mai91...@... là 'có nên cắt bao quy đầu cho bé?', Eva đã nhận được rất nhiều phản hồi. Rất nhiều độc giả khuyên bạn huong_vu_mai91...@... rằng, hiểu biết nên cắt bao quy đầu cho bé càng sớm càng tốt vì việc làm này giúp bé đỡ đau, tránh nhiễm trùng đường tiết niệu và lây lan bệnh tình dục khi trưởng thành. Một số lại có ý kiến trái chiều, như bạn ngockt...@... quan niệm rằng 'Dại' mới cắt bao quy đầu cho con...

Trước rất nhiều tranh cãi, Eva đã phỏng vấn bác sĩ Vũ Hữu Thời, Khoa Nhi, BV Bạch Mai để làm rõ vấn đề này.

Bác sĩ Thời cho biết, bao quy đầu là phần da và niêm mạc che phủ quy đầu (phần da ở ngoài và phần niêm mạc ở trong). Giữa phần niêm mạc và quy đầu có một lớp dịch mỏng giúp cho quy đầu tự lộn ra ngoài. Bao quy đầu có nhiệm vụ bảo vệ quy đầu và miệng sáo (lỗ tiểu).

Khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý do chưa có phân cách giữa bao quy đầu và quy đầu. Theo thời gian, sẽ có sự tách dần giữa quy đầu và bao quy đầu.   Khoảng 96% trẻ nam bị hẹp bao quy đầu, nhưng lúc 1 tuổi còn 50%, lúc 4 tuổi còn 10%, và sau 17 tuổi chỉ còn 1% bị hẹp bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp thực sự khi có sự hiện diện của sẹo xơ được hình thành do viêm nhiễm hoặc cũng có thể do những cố gắng nong bao quy đầu quá mạnh trước đó.

Cắt bao quy đầu, khi nào nên? - 1
Bé có thể sẽ bị đau khi làm nong bao quy đầu (Ảnh minh họa).

Hiện nay, phần lớn các thầy thuốc cho rằng không cần thiết phải phải cắt bao quy đầu nhất loạt cho trẻ ngay từ bé. Ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi hẹp bao quy đầu nếu không có triệu chứng gì khác, nên chờ đợi theo dõi, không nên cố gắng tuột bao quy đầu quá sớm vì dễ dẫn đến dính và sẹo xơ gây ra hẹp bao quy đầu thứ phát.

“Nhiều trường hợp trẻ còn nhỏ nhưng đã có biểu hiện viêm nhiễm bao quy đầu. Thủ phạm của tình trạng viêm nhiễm bao quy đầu là do lớp dịch giữa phần niêm mạc cùng với lớp tế bào của niêm mạc bao quy đầu tróc ra đọng lại thành một đốm trắng”, bác sĩ Thời nói.

Biến chứng nhiễm trùng bao quy đầu có thể điều trị dễ dàng bằng cách lộn bao quy đầu và bôi thuốc kháng sinh tại chỗ. Riêng biến chứng viêm tắt quy đầu phải điều trị bằng phẫu thuật cắt quy đầu vì phần đỉnh của bao quy đầu trở nên xơ chai, mất độ đàn hồi của da quy đầu. Bao quy đầu tuột lên được sẽ giúp giữ vệ sinh tốt cho bộ phận sinh dục vì những chất bẩn không đọng lại được bên trong.

Tuột bao quy đầu có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi nếu da ở phần đỉnh bao quy đầu mềm mại, mỏng. Tuột bao quy đầu có thể thực hiện một phần (ló một phần quy đầu ra khỏi bao quy đầu) hoặc hoàn toàn (quy đầu lộ ra trọn vẹn khi da quy đầu được kéo hẳn ra sau) tùy theo tuổi của em bé hoặc theo đánh giá của bác sĩ. Thí dụ như một em bé 3 tháng tuổi thì không cần thiết phải tuột hẳn bao quy đầu mà chỉ cần tuột cho ló lỗ tiểu ra nhìn thấy được rồi sau đó phụ huynh tuột dần hàng ngày. Tuy nhiên đối với một bé 5 tuổi thì nên tuột hẳn ra ngay lần đầu nếu có thể.

Động tác tuột bao quy đầu nên thực hiện trước khi bé được 3 tuổi. Sau khi bác sĩ tuột bao quy đầu cho trẻ thì hàng ngày phụ huynh phải tuột khi tắm cho cháu. Nếu không tuột liên tục bao quy đầu sẽ hẹp lại.

Bác sĩ Thời cho biết: “Cắt bao quy đầu chỉ nên thực hiện khi không thể tuột được. Việc tuột bao quy đầu có khi không thể thực hiện thành công do cấu trúc bao quy đầu có dạng hình ống hoặc em bé lớn tuổi không hợp tác”.

Phẫu thuật cắt bao quy đầu là một thủ thuật đơn giản nhưng lại rất gây đau. Do đó, trước khi tiến hành bé phải được dùng thuốc giảm đau.Sau khi phẫu thuật phải thay băng nhiều lần trong ngày cho bé để tránh nhiễm trùng. Cũng như bất kỳ một phẫu thuật nào khác trong y học, phẫu thuật cắt bao quy đầu cũng có những biến chứng như chảy máu sau khi cắt, sưng phù bao quy đầu, cắt ít da, dương vật thụt vào trong sau cắt (thường chỉ xảy ra ở bệnh nhân béo phì), thủng niệu đạo, tổn thương quy đầu.

Bác sĩ lưu ý, cắt bao quy đầu cho trẻ nên hay không nên không phải do cha mẹ quyết định mà người quyết định là bác sĩ. Do đó, các bà mẹ nên cho bé đi khám tại cơ sở y tế. Tại đó, ngoài thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định cho bé làm một số xét nghiệm, trong đó có thử nước tiểu. Nếu bé có hẹp bao quy đầu và có kèm theo các triệu chứng của tiểu khó hay viêm nhiễm bác sĩ sẽ lựa trọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bé là dùng thuốc hay phẫu thuật. Trong trường hợp dù còn nhỏ nhưng nếu xuất hiện có xuất hiện các triệu chứng của tiểu khó hay viêm nhiễm như khi tiểu phải rặn và làm phồng bao quy đầu, trẻ quấy khóc và đỏ mặt mỗi khi đi tiểu, da quy đầu tấy đỏ …cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế.
Mai Hương
 

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Cắt bao quy đầu