Theo bác sĩ Lê Quang Hào, trường hợp trẻ bị táo bón do sữa bột rất hay xảy ra, vì thế nên có những biện pháp khắc phục phù hợp.
Thông thường, bố mẹ chỉ chọn sữa công thức theo kinh nghiệm, lời mách bảo của bạn bè mà ít khi quan tâm đến vị giác, thể trạng của trẻ. Chính vì vậy, nhiều bé bị táo bón do uống sữa không hợp với thể trạng. Chọn sữa công thức nào mát để trẻ không bị táo bón cũng vì thế mà trở thành niềm trăn trở của các bậc làm cha làm mẹ.
Dưới đây, bác sĩ Lê Quang Hào – Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia sẽ chỉ cho các bậc phụ huynh biết nguyên nhân và các biện pháp xử trí khi trẻ bị táo bón do uống sữa công thức hay còn gọi là sữa bột.
Bác sĩ Lê Quang Hào. |
Tại sao trẻ uống sữa bột bị táo bón?
Sữa bột là sữa đã được chế biến từ sữa tươi. Sau đó, sữa tươi được làm khô rồi cho thêm một số vitamin, muối khoáng, dầu thực vật để tạo ra sữa bột hay gọi là sữa công thức.
Tùy theo sữa của từng hãng mà trẻ bị táo bón khi ăn. Chẳng hạn trẻ ăn sữa của Mỹ dễ bị táo bón hơn sữa của các nước Bắc Âu bởi tùy theo từng hãng sữa mà người ta cho các chất ở trong sữa bớt hay thêm.
Ví dụ, những sữa cho giàu đạm hơn có thể gây táo bón nhiều hơn hay những sữa cho bớt đạm đi nhưng bổ sung thêm sắt và bổ sung canxi cũng có thể làm cho các bé dễ bị táo bón.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị táo bón?
Trong trường hợp trẻ uống sữa bột bị táo bón, điều đầu tiên, các bà mẹ có thể đổi sang sữa khác mà người ta gọi là sữa mát hơn. Sữa bột nói riêng và các sản phẩm làm từ sữa bò nói chung có thể gây nóng cho cơ thể của trẻ. Một số trẻ uống sữa bột không hợp cũng có thể bị táo bón.
Thứ 2, nếu trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, các bà mẹ nên bắt đầu ăn bổ sung thêm bột trong khẩu phần ăn của trẻ, trong thức ăn bổ sung tập cho trẻ ăn nước quả tươi, rồi trong bột có thêm rau để trẻ đỡ táo bón.
Cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn có nhiều chất, các loại rau xanh, đặc biệt là các loại rau có tính chất nhuận tràng. (Ảnh minh họa)
Cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn có nhiều chất, các loại rau xanh, đặc biệt là các loại rau có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, rau mồng tơi, rau dền,… thái, băm hoặc say nhỏ cho vào bát bột, bát cháo; trẻ lớn hơn có thể luộc, nấu rồi cho ăn riêng. Ngoài ra nên cho trẻ ăn thêm khoai lang, khoai sọ, khoai tây, ăn nhiều các loại quả chín như đu đủ, bưởi, chuối.
Trước khi ăn nên xoa bụng cho trẻ kích thích. Cho trẻ dùng đủ lượng nước hàng ngày, mùa hè nên cho uống lượng nước bù lại lượng mồ hôi toát ra. Bữa ăn đủ lượng là ăn có tăng cường chất xơ từ rau xanh và củ quả tươi. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho bé ăn sữa chua hàng ngày.
Nếu trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa đến tuổi ăn hoa quả, ăn bổ sung mà trong trường hợp đặc biệt bà mẹ bị mất sữa hay bà mẹ đi vắng thì có thể cho trẻ ăn sữa công thức hoàn toàn. Trong những trường hợp như vậy thông thường đổi sang sữa khác là trẻ có thể hết táo bón.
Còn đổi sữa rồi mà trẻ vẫn táo bón kéo dài, các bà mẹ cần phải đến gặp các bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc bác sĩ dinh dưỡng được nhận hỗ trợ khám và bổ sung chất xơ bằng đường uống hoặc bổ sung men tiêu hóa.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi không có điều kiện bú sữa mẹ mà phải dùng sữa ngoài, bố mẹ nên chọn loại sữa có bổ sung thêm chất xơ hòa tan cho con. (Ảnh minh họa)
Có nên thụt hậu môn cho trẻ khi bị táo bón?
Trong trường hợp trẻ bị táo bón kéo dài 3-4 ngày trở lên mà không chịu đi vệ sinh, phân quá cứng, bố mẹ cũng có thể thụt hậu môn cho trẻ tuy nhiên thông thường nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Cách thụt hậu môn cho trẻ đơn giản, hiệu quả tại nhà mà không phải lo lắng là pha vài giọt mật ong vào một chút nước ấm rồi bơm vào hậu môn của trẻ là trẻ có thể đi được.
Ngoài thị trường cũng có thuốc để thụt cho trẻ, các bậc phụ huynh cũng có thể dùng cho con. Trong trường hợp trẻ không đi được nữa nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Xem thêm: Video những sai lầm khiến trẻ bị táo bón