Nhiều mẹ hay mắc phải các lỗi sai trong việc tắm nắng cho trẻ nên vừa gây hại cho con, vừa khiến việc tắm nắng trở nên vô ích.
Muốn con mình được cứng cáp khỏe mạnh, các mẹ thường dùng phương pháp tắm nắng cho con để con được hấp thụ những loại vitamin D, E... cần thiết cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, đâu phải tắm nắng cho con như thế nào cũng được, các mẹ nên lưu ý để tránh mắc những lỗi này khi tắm nắng cho con nhé.
Tắm nắng cho con quá sớm
Nhiều bà mẹ trẻ vì cứ nghĩ rằng việc tắm nắng cho trẻ là rất hữu ích vì vậy đã cho các bé yêu tắm nắng quá sớm, có khi chỉ mới lọt lòng vài ba ngày đã đưa ra tắm nắng.
Đây là sai lầm hết sức tai hại vì tuần đầu tiên sau sinh là thời gian dành cho trẻ thích nghi với môi trường sống bên ngoài với rất nhiều thay đổi so với môi trường trong bào thai mẹ. Do đó, nếu cho trẻ tắm nắng quá sớm sẽ khiến trẻ khó có thể thích ứng được, ảnh hưởng đến sức đề kháng, hệ miễn dịch tự nhiên.
Bên cạnh đó, lúc này da của trẻ sơ sinh còn rất non nớt nếu tiếp xúc với ánh nắng dễ gây ra dị ứng, viêm da, bỏng da và rất nhiều ảnh hưởng xấu khác đối với sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy mẹ chỉ nên cho trẻ tắm nắng từ khoảng 1 tuần – 10 ngày tuổi sau sinh là hợp lý nhất nhé.
Tắm nắng cho con quá lâu
Mẹ nghĩ rằng, bé tắm nắng càng lâu càng nhanh cứng cáp ư? Đó là một điều sai lầm đấy nhé!. Tắm nắng cho trẻ tuy rất tốt nhưng nó chỉ thật sự tốt và phát huy tác dụng khi được thực hiện đúng cách, đúng thời điểm, đúng liều lượng.
Mỗi tuần bạn chỉ cần tắm nắng cho trẻ khoảng 2 tiếng chia đều cho các ngày, mỗi ngày khoảng 15-20 phút là phù hợp nhất. Tuy nhiên trong thời gian đầu, bạn chỉ cần cho trẻ tắm nắng vài phút rồi tăng dần thời lượng từng chút một để trẻ thích ứng dần và có thể hấp thu, tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời tốt hơn nhé.
Khi trẻ được 3 tháng tuổi trở đi, mẹ có thể tắm nắng cho con tối đa là 30 phút mỗi ngày. Vượt quá thời lượng trên đều không tốt.
Thời gian tắm nắng không phù hợp
Việc xác định đúng thời gian tắm nắng cho trẻ cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng, nếu ánh nắng quá gay gắt sẽ gây tổn thương đến làn da còn rất non nớt và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các bé yêu đấy.
Tốt nhất, vào mùa hè bạn nên tắm nắng cho trẻ trước 7 giờ sáng vì lúc này ánh nắng khá dịu dàng, không khí trong lành rất tốt cho sức khỏe của trẻ; vào mùa đông, bạn có thể cho trẻ tắm nắng vào khoảng thời gian từ 7 giờ – 9 giờ sáng và tuyệt đối không được tắm nắng cho trẻ vào khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 4 gờ chiều. Vào cuối buổi chiều, ánh nắng cũng khá dịu nhưng bạn cũng không nên cho trẻ tắm nắng vào lúc này vì nắng chiều khá “độc” không hề tốt cho con chút nào.
Tắm nắng cho con qua khung cửa kính
Nhiều bà mẹ sợ khi cho trẻ ra ngoài sẽ gặp phải khói bụi, ô nhiễm nên đã thực hiện tắm nắng cho con qua khung cửa kính mà không biết rằng làm như thế da trẻ không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, việc tắm nắng ấy cũng không có tác dụng gì.
Hãy để trẻ được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời ở những vùng da cần tắm nắng với điều kiện địa điểm tắm nắng phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, không khí trong lành và không có gió lùa nhé.
Cởi hết áo quần khi tắm nắng cho con
Để cho toàn bộ cơ thể, làn da con được tiếp xúc với ánh nắng không có nghĩa là bé sẽ được hấp thụ toàn bộ những vitamin cần thiết từ ánh nắng vào cơ thể.
Việc tắm nắng cho trẻ cần thực hiện lần lượt trên từng vùng da nhất định, trước hết nên tắm nắng bàn chân, cổ chân, sau đó đến lưng trước, lưng sau, tiếp đến là bắp chân, đùi, ngực, tay, cổ,…chứ không nên cởi hết áo quần của trẻ.
Chính vì vậy để đảm bảo an toàn, khi tắm nắng, bạn chỉ cần cho trẻ mặc áo quần thông thoáng nhé đồng thời không nên để ánh nắng mặt trời chiếu thắng vào đầu, mắt, mặt của trẻ bởi nó sẽ gây ra những tổn thương nhất định đến những bộ phận nhạy cảm này.
>> Mẹ xem ngay: |
Bé nào cũng có thể tắm nắng
Việc tắm nắng cho trẻ tuy tốt nhưng không phải trẻ nào cũng có thể tắm nắng. Với những trẻ bị eczema, dị ứng da, viêm nhiễm da hay những trẻ đang dùng thuốc kháng sinh nhóm quinolon… thì tuyệt đối không nên cho trẻ tắm nắng bởi nó sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng và giảm hẳn tác dụng điều trị của thuốc.