Theo BS Nguyễn Thanh Hà (Nguyên Trưởng khoa Sơ sinh – BV Phụ sản TƯ), không nên cho trẻ tắm nắng quá sớm.
Một độc giả chia sẻ: "Bé Nam, con nhà em mới được hơn 3 tuần. Từ khi mới sinh, em đã được mẹ chồng và rất nhiều cô bác trong gia đình dặn di dặn lại là phải tắm nắng cho con để bé nhanh cứng cáp. Bản thân em từng đọc tài liệu, cũng thấy nói rằng: Nguyên tắc của việc tắm nắng là để trẻ hấp thụ được vitamin D tự nhiên và từ đó giúp hấp thụ canxi. Chính vì vậy nên dù Nam mới 3 ngày tuổi em đã bắt đầu cho con ra cửa sổ tắm nắng ngay.".
Tuy nhiên, độc giả này lo lắng khi một người bạn chia sẻ: "Tắm nắng cho con là không cần thiết. Cô ấy chỉ cho con uống vitamin D dạng giọt bổ sung. Vậy mà trộm vía em bé đúng 3 tháng lấy, 7 tháng bò, 9 tháng đã biết đi và thóp thì rất bé, răng mọc cũng từng đôi một rất nhanh. "Nên suy ra việc tắm nắng cũng không tác dụng mấy. Chủ yếu là do cơ địa" - cô nàng kết luận".
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà (Nguyên Trưởng Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: “Bà mẹ tắm nắng cho con ngay từ 3 ngày sau sinh là quá sớm, như vậy là không nên. Các phụ huynh nên cho trẻ tắm nắng từ khoảng 1 tuần - 10 ngày sau sinh, tùy tình trạng sức khỏe của trẻ. Bởi vì, tuần đầu tiên sau sinh là thời gian để trẻ thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Việc tắm nắng đòi hỏi da của bé cần được tiếp xúc với ánh nắng, trong khi da của trẻ sơ sinh còn non nớt nếu tiếp xúc với ánh nắng có thể gây dị ứng hay bỏng”.
Theo BS Nguyễn Thanh Hà (Nguyên Trưởng khoa Sơ sinh – BV Phụ sản TƯ), không nên cho trẻ tắm nắng quá sớm. (ảnh minh hoạ)
Theo bác sĩ Hà, việc tắm nắng đòi hỏi da của bé phải tiếp xúc được với ánh nắng còn nếu chỉ cho da tiếp xúc với nắng qua cửa kính thì tác dung rất kém. Có thể bế trẻ lại gần cửa sổ để đón lấy ánh nắng. Khi tắm nắng cho trẻ cần tăng dần thời gian tiếp xúc với ánh nắng, ban đầu là vài phút, sau đó dần dần kéo dài 10 phút. Sau tháng đầu tiên có thể kéo dài từ 15-20 phút tùy sức khỏe của trẻ.
Phụ huynh lưu ý, thực hiện tắm nắng cho trẻ trước 9h sáng vào mùa hè. Mùa đông có thể tắm nắng bất cứ lúc nào, vì ánh nắng yếu hơn mùa hè nhưng cần tránh gió lạnh buổi sáng. Tuy nhiên, tuyệt đối không được tắm nắng cho trẻ vào thời điểm sau 9h sáng đến 4h chiều mùa hè, lúc trời nắng to sẽ gây hại cho da.
“Khi cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng cần tránh chỗ gió lùa, không được mặc phong phanh. Ngoài ra, lưu ý không để mắt của trẻ nhìn vào ánh nắng. Có thể vén áo một chút để chân và tay được tiếp xúc với ánh nắng, không được để trẻ mặc quá mỏng manh”, bác sĩ Hà lưu ý.
Với những trẻ bị basedow, trẻ bị eczema, dị ứng da, viêm nhiễm da... không nên cho trẻ tắm nắng. Mặc dù nước ta có nhiều ánh nắng hơn so với xứ lạnh nhưng vẫn có một số trẻ bị còi xương là do phụ huynh kiêng cữ quá mức, không cho trẻ tắm nắng.
Theo bác sĩ Hà, việc tắm nắng ở mức độ thích hợp giúp tạo ra vitamin D nhằm chuyển hóa canxi. Thiếu vitamin D sẽ khiến trẻ khó hấp thụ canxi, dẫn đến nguy cơ còi xương, chậm phát triển, ảnh hưởng đến quá trình đi, đứng, lẫy bò, mọc răng, thậm chí rối loạn thần kinh thực vật. Vào mùa đông ánh nắng yếu, trẻ được bổ sung vitamin D dạng nhỏ giọt. Tuy nhiên, với bất kỳ loại vitamin nào, phụ huynh cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, không nên tự tiện bổ sung cho trẻ.
Mời độc giả đọc thêm những bài viết liên quan Top thực phẩm nhiều vitamin D cho bé ‘Vỏ tôm làm gì có canxi mà ăn”? |