Hải sản rất giàu dinh dưỡng trong thời kỳ ăn dặm của trẻ nhưng nhiều chị em lại nghi ngại sợ con...đau bụng
Hải sản là nguồn thức phẩm đa dạng dưỡng chất dành cho trẻ nhỏ, tuy nhiên nhiều mẹ lo ngại trong dám cho trẻ ăn vì sợ con sẽ bị dị ứng hoặc ngộ độc. Thực tế, các mẹ nên biết rằng nếu mẹ cho bé ăn không đúng cách mới là nguyên nhân chủ yếu gây ra các biến chứng như dị ứng, tiêu chảy, ngộ độc…
Để giải đáp các lo lắng của các mẹ, dưới đây là đôi điều các mẹ cần biết khi cho trẻ tiếp xúc với món ăn quý giá này.
Hải sản - món quà từ biển cả dành cho bé
Axit béo omega-3 là một trong những dưỡng chất thiết yếu được tìm thấy nhiều trong hải sản. Theo các chuyên gia, đây là một loại dưỡng chất quan trọng góp phần vào sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh. Không chỉ tốt cho trí não, axit béo omega -3 còn rất nhiều tác dụng cho trẻ:
- Tăng cường miễn dịch: Các axit béo tuyệt vời trong hải sản rất tốt cho hệ miễn dịch của trẻ nhỏ.
- Phòng chống chàm: Omega-3 giúp giảm viêm ở tất cả các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả da. Cho bé làm quen với thịt cá hồi hoặc cá ngừ trắng trước 9 tháng tuổi có thể bảo vệ bé khỏi chứng dị ứng da
- Tốt cho phổi, cải thiện bệnh hen suyễn: Trong nhiều công trình nghiên cứu, cá được chứng minh là một loại thực phẩm giúp bảo vệ phổi
- Tốt cho mắt: Trong các loại tôm, cua, rất giàu vitamin A, có tác dụng cải thiện tầm nhìn
- Duy trì độ chắc khỏe cho xương: Trong hải sản giàu hàm lượng canxi, rất tốt việc đảm bảo sức khỏe của hệ xương.
7 tháng tuổi có thể bắt đầu cho trẻ ăn hải sản
Hải sản là một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ, do đó các mẹ không nên cho bé tiếp xúc với loại đồ ăn này quá sơm. Theo các chuyên gia, trừ các loại hải sản có vỏ, bạn có thể cho bé ăn cá ở dạng bột sệt hoặc nghiền nhuyễn từ 7 tháng tuổi khi bé đã bắt đầu ăn dặm.
Tuy nhiên các mẹ cũng cần lưu ý rằng, khi mới đầu cho trẻ ăn, mẹ chỉ nên dùng một số lượng nhỏ để bé có thể thích nghi. Với những bé cơ địa kém hay dị ứng thì các mẹ càng phải cẩn trọng hơn. Khi cho bé ăn, các mẹ nên chú ý quan sát biểu hiện của bé, nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường thì nên ngừng lại và cho bé đi kiểm tra, tránh dẫn đến tình trạng nặng.
Khi trẻ được 7 tháng tuổi, mẹ có thể bổ sung thêm hải sản vào thức ăn dặm của bé (Ảnh minh họa)
Không phải loại hải sản nào cũng là sự chọn thông minh cho trẻ
Hải sản tốt cho trẻ:
- Cá biển (cá hồi, ca ngừ, cá thu nhỏ…): chứa nhiều omega-3, tốt cho sự phát triển của trẻ.
- Cua: Rất giàu vitamin nhóm B, khoáng chất, folate và đặc biệt là lượng protein trong cua hơn hẳn các loại thịt cá khác. Thế nên cua rất tốt cho sự phát triển của con cả về thể chất lẫn trí não
- Các loại hải sản có vỏ như hàu, ngao, hến, trai… chứa nhiều kẽm, một vi chất quan trọng với trẻ.
- Tôm: Chứa nhiều đạm và canxi nên "siêu" tốt cho sự phát triển của bé
Ngoài các hải sản có lợi trên, các mẹ cần tránh cho trẻ ăn cá mập, cá kình, cá kiếm, cá thu lớn…bởi đây là những loại cá chứa hàm lượng thủy ngân cao, không tốt cho trẻ.
Tùy theo tháng tuổi mà lượng hải sản dành cho bé sẽ khác nhau
Hải sản rất giàu dinh dưỡng, nhiều đạm, vì thế cho trẻ ăn quá nhiều hay quá ít đều không tốt. Nếu ăn quá nhiều có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng và tích trữ kim loại nặng trong cơ thể. Tùy theo độ tuổi mà lượng ăn của bé khác nhau, nhưng chỉ nên ăn 3 – 4 bữa/tuần.
- Trẻ 7-12 tháng: mỗi bữa có thể ăn 20-30g thịt của cá, tôm (đã bỏ xương, vỏ) nấu với bột, cháo, mỗi ngày có thể ăn 1 bữa, tối thiểu ăn 3-4 bữa/tuần.
- Trẻ 1-3 tuổi: mỗi ngày ăn 1 bữa hải sản nấu với cháo hoặc ăn mỳ, bún, súp…, mỗi bữa ăn 30- 40 g thịt hải sản.
- Trẻ từ 4 tuổi trở lên: có thể ăn 1-2 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50 – 60g thịt của hải sản, nếu ăn ghẹ có thể ăn ½ con/bữa, tôm to có thể ăn 1 – 2 con/bữa (100g cả vỏ).
Cách chế biến hải sản cho trẻ ăn dặm
Ở độ tuổi ăn dặm, cách tốt nhât để chế biến hải sản cho trẻ dễ ăn là lọc lấy thịt, xay hoặc nghiền nhỏ, sau đó nấu chung với thức ăn dặm (bột, cháo) của bé. Nếu là cá đồng nhiều xương, mẹ nên luộc chín cá rồi gỡ xương; cá biển nạc có thể xay sống như xay thịt rồi cho vào nấu bột, nấu cháo cho bé; với cua đồng thì giã lọc lấy nước để nấu bột, cháo. Với các loại hải sản có vỏ thì luộc chín lấy nước nấu cháo, bột, thịt xay băm nhỏ cho vào cháo, bột.
Trong quá trình chế biến, các mẹ cần đảm bảo nấu chín, tránh để cho trẻ ăn hải sản chưa được chín. Các mẹ có thể tìm hiểu một số món ăn dặm hải sản dành cho bé như: cháo tôm, cháo ngao mồng tơi, cháo cua bông cải, cháo cá thu, súp ghẹ…
Nên chọn hải sản tươi ngon cho bé
Khi chế biến bất cứ một món ăn nào cho trẻ, mức độ an toàn là điều mà các mẹ nên quan tâm đầu tiên, không nên vì cảm tính cá nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Khi chọn hải sản hay các loại đồ ăn khác, mẹ nên chọn loại tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, tránh các loại ôi, chết…
Để đảm bảo an toàn cho bé, mẹ nên chọn hải sản tươi ngon (Ảnh minh họa)
Để chọn được các loại cua, cá,... tươi, mẹ nên tham khảo cách chọn như sau:
- Các loại cá: mắt cá trong suốt, toàn thân sáng bóng là tươi ngon
- Tôm: vỏ và thịt gắn liền nhau, thân tôm nguyên vẹn, sáng bóng và có tính đàn hồi
- Cua, ngao: có vỏ ngoài sáng, thân chắc
Một vài lưu ý khác khi cho trẻ ăn hải sản
- Không nên cho trẻ ăn hoa quả ngay sau khi ăn hải sản: Những chất dinh dưỡng phong phú như đạm, canxi chứa trong tôm, cá sẽ bị giảm đi rất nhiều nếu kết hợp với các loại quả như hồng, nho, ... Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự hấp thụ protein, canxi trong hải sản của cơ thể mà lượng tannin trong trái cây kết hợp với protein và canxi này tạo thành canxi không hòa tan kích thích đường tiêu hóa, và thậm chí sẽ gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa.
- Nếu trong gia đình có tiền sử bị dị ứng với hải sản, mẹ nên cho bé ăn thực phẩm này muộn hơn một chút. Khi cho con ăn cần hết sức từ từ từng chút một để xem bé có phản ứng dị ứng không.
- Khi cho trẻ ăn hải sản, uyệt đối không cho bé thử những loại hải sản lạ.
- Không nên cho trẻ ăn nhiều những món hải sản chiên bởi khi chiên, dầu mỡ sẽ bão hòa lượng chất béo không no khiến hàm lượng chất dinh dưỡng suy giảm và sản sinh ra peroxit lipid có hại cho sức khỏe.