Bé Mila nhà chị Mai và anh Nam vô cùng xinh xắn, mới 3 tuổi có thể sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng.
Anh Ondra Slowik (tên thường gọi là Nam, 35 tuổi, quốc tịch Séc, đang là giảng viên chính thức của Đại học Quốc tế Hồng Bàng) và chị Trần Thị Hoàng Mai (33 tuổi, thiết kế thời trang) từng khiến cộng đồng mạng phải xôn xao khi lên sóng chương trình Vợ chồng Son. Câu chuyện anh chàng Nam muốn gắn bó với Việt Nam và học tiếng Việt từ năm 7 tuổi vì ấn tượng bởi cô hàng xóm người Việt xinh đẹp, quyết học tiếng Việt để sang Việt Nam lấy vợ khiến mọi người thích thú. Đặc biệt, anh chàng từng bị người yêu cũ ghen tuông đến mức đổ cả chai nước mắm lên đầu và được gắn biệt danh “chàng Tây nước mắm” cũng khiến mọi người phải phì cười.
Cuối cùng, đúng như mong ước năm 7 tuổi, anh Nam đã gặp được định mệnh của cuộc đời mình, một cô gái người Việt xinh đẹp, đó là chị Mai vào năm 2015 trong một lần đi uống sinh tố. Vẻ ngoài giản dị và mộc mạc của Mai khi đi trên một chiếc xe cub đã khiến anh ấn tượng, quyết định làm quen. Sau một tháng sau, cả 2 có cuộc hẹn hò đầu tiên.
Chị Mai và anh Ondra.
Tháng 11/2015, chị Mai đã tới Séc thăm gia đình anh Nam. Và tháng 4/2016, cả hai người chính thức tổ chức đám cưới. Sau 4 năm kết hôn với ông xã người Séc, dù đã trải qua nhiều bước ngoặt, đủ cả vui lẫn buồn, nhưng chị Mai vẫn dành 2 từ hạnh phúc cho cuộc sống hôn nhân của mình bên con gái đầu lòng Mila 3 tuổi và chuẩn bị chào đón thành viên thứ 2 trong gia đình vào tháng 10 tới.
Chị Mai làm thiết kế thời trang, anh Nam làm ngành du lịch, dịch COVID-19 năm nay ảnh hưởng đến cuộc sống của anh chị nhiều, đặc biệt gia đình chị chuẩn bị chào đón thêm thành viên mới?
Về công việc do đã có sẵn hệ thống và có cộng sự cùng nhân viên hỗ trợ nên công việc của mình không quá căng thẳng. Hiện tại, em Mila đã đi học nên bố mẹ cũng có thời gian riêng và Nam cũng chăm em khá giỏi nên việc mang bầu của Mai không gặp khó khăn nhiều.
Hơn nữa, lúc trước Nam làm du lịch để có thời gian bên 2 mẹ con mình nhưng bây giờ Nam nghỉ rồi và đang là giảng viên chính thức của Đại học Quốc tế Hồng Bàng nên khi dịch COVID-19 đến Nam nâng đỡ được cho hai mẹ con khá nhiều về tài chính. Nói chung dịch cũng không ảnh hưởng đến gia đình mình nhiều.
Anh chị thấy cuộc sống từ khi có con của mình khác như thế nào so với độc thân và là vợ chồng son?
Mình cảm thấy vợ chồng mình vui hơn và có trách nhiệm hơn với gia đình. Lúc trước khi còn độc thân, chúng mình làm gì cũng được, chơi đâu cũng được, ngủ bờ bụi cũng được mà bây giờ có thêm Mila nên cả hai dù vẫn giữ phong cách sống đơn giản như hồi độc thân tự do phóng khoáng nhưng vẫn quan tâm hàng đầu đến sự an toàn và giáo dục của con. Tuy nhiên, tụi mình vẫn có thời gian và không gian riêng của mỗi thành viên trong gia đình như Nam đi đánh cầu lông, mình vẽ tranh, Mila thì ... nghịch nước. (Cười)
Có con cả hai vẫn giữ phong cách sống đơn giản như hồi độc thân tự do phóng khoáng nhưng quan tâm hàng đầu đến sự an toàn và giáo dục của con.
Ông xã Séc được gọi là ông bố bỉm sữa chính hiệu, anh giúp đỡ chị công việc nhà và việc chăm con như thế nào từ khi kết hôn?
Từ trước khi có em bé, Nam còn chưa thật sự bồng em bé nào. Khi làm bố rồi rất nhanh thành bố bỉm sữa chuyên nghiệp. Khi con còn sơ sinh Nam hy sinh giấc ngủ sáng sớm phụ mình cho em bú để mình có giờ đi ngủ hồi sức. Khi con lớn lên nặng hơn các bé khác, Nam nấu ăn, ru con ngủ, chơi với con và chủ yếu vẫn đưa con đi để mình có thời gian riêng. Bây giờ, hai bố con dính nhau như sam rồi, bố cho con đi học, dạy con chơi xe đạp, chơi trượt patin... hoặc đưa con đi bơi, đi khu vui chơi. Thậm chí Nam còn cho mình đi đâu đó vài ngày hoặc 1 tuần để hai bố con ở với nhau để con cải thiện ngôn ngữ.
Chị từng chia sẻ ông xã chăm hai mẹ con như "Vua", chăm con siêu giỏi và nấu ăn siêu ngon, chắc hẳn chị cảm thấy nhàn tênh từ hồi lấy chồng?
Đúng rồi, mình thấy rất vui và hạnh phúc vì có người chồng hiểu chuyện và luôn nghĩ cho hai mẹ con. Khi mình bị mệt hoặc con hơi nhõng nhẽo vì chuyện gì đó, Nam không bao giờ trốn đi để được yên thân. Nam giúp mình bồng con hoặc đưa con ra ngoài chơi và nói với con mẹ cần nghỉ ngơi. Mình không bị mệt hay căng thẳng gì. Còn nấu ăn, Nam nấu rất ngon và chuyên nghiệp. Mình nấu các món Á còn Nam sẽ nấu các món Âu phong cách Á xen kẽ nên trong nhà không ai phải một mình làm điều gì cả, trừ các sở thích cá nhân.
Anh Nam chuẩn ông bố bỉm sữa.
Bé Mila đã 3 tuổi, bé giống bố hay giống mẹ, thưa chị?
Về ngoại hình, nếu nói Mila giống bố cũng không hẳn mà giống mẹ cũng chưa vì con ở Tây, các bạn Tây lại kêu con giống mẹ quá nhưng khi về Việt Nam, mọi người lại khen con giống bố. Con sẽ lớn lên là 1 công dân quốc tế.
Về tính cách, Mila là một sự hoà trộn đặc biệt của cả hai và các trải nghiệm của con nữa. Con rất hiếu động và mê thể thao, thích vẽ, hát múa, rất bánh bèo, trang điểm búp bê mà lại cá tính, mê xe. Con mặc đồ Spider man nhưng lại ôm Elsa để ngủ…. Con còn thích khám phá điều mới và thích du lịch. Mình nghĩ bản tính của con sẽ tuỳ vào môi trường mà mình và Nam tạo ra cũng như cả xã hội xung quanh nữa. Nhưng hai cố gắng hướng con thành người tốt, sống đơn giản và tự do thể hiện cá tính.
Ở nhà, chị hay ông xã là người nghiêm khắc với con?
Tụi mình cùng nhau, nhìn nhau rồi làm giống nhau. Cả 2 thường sẽ nói nhỏ với nhau cách xử lý rồi cùng nhau giải quyết. Ví dụ mình nói chuyện nghiêm túc với con về vấn đề gì đó bằng Tiếng Việt thì Nam sẽ nói lại điều đó thêm 1 lần nữa bằng tiếng Séc. Hai lần nói như vậy con rất ít khi tái phạm. Tụi mình không có quan điểm hà khắc với con, chủ yếu giúp con nhận ra đúng sai bởi vì con như tờ giấy trắng vậy. Tụi mình để con trải nghiệm rồi cùng nhau học thêm điều mới. Con biết làm sai thì sẽ bị phạt nên sau không dám luôn hoặc sẽ hỏi, nếu con làm lần thứ 2 con sẽ bị phạt phải không mẹ. (Cười)
Anh nấu ăn siêu ngon, chắc hẳn những bữa ăn của con từ khi con ăn dặm đến giờ đều tự tay anh nấu?
Thực tế, việc cho con ăn là mình, sau khi cùng nhau thảo luận về phương pháp cho con ăn với Nam. Chủ yếu khi con còn nhỏ anh nấu cho hai vợ chồng ăn, khi mình đi vắng, Nam cũng theo phương pháp của tụi mình để chăm con nên con cũng khoẻ.
Tụi mình cho con tập làm quen ăn thô sớm và rất quan trọng về việc ăn uống của con vì thức ăn sẽ có một phần ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và thói quen ăn uống sau này. Tụi mình cho con được tự do dùng tay để ăn và phân biệt được từng loại đồ ăn. Con luôn ăn đồ tươi, nhiều rau củ quả và hạn chế đồ đông lạnh như cá, hải sản và rong biển, thịt hạn chế 1-2 lần/tuần. Con cũng rất thích ăn các loại hạt, mì, pizza, nói chung là đa dạng thức.
Anh Nam thấy cách bố mẹ Việt cho con ăn rất khác với châu Âu, có lẽ vì tại châu Âu gần như không trải qua chiến tranh hay thời gian nghèo khổ. Nam nghĩ trong ý thức của người Việt Nam vẫn còn nỗi sợ rằng không có đủ để ăn, người ta tập trung đến việc cho con ăn quá nhiều. Vì vậy, Nam nhìn những em bé bắt ăn cháo xong bị ói hết hơi tội nghiệp. May mắn Mai đồng ý với Nam về việc dinh dưỡng. Tuy nhiên, đa số mâu thuẫn giữa hai vợ chồng về việc nuôi con vẫn liên quan đến dinh dưỡng… Ví dụ như, cả ngày con chỉ muốn uống nước dừa và ăn cà chua, Nam suy nghĩ bình thường nhưng Mai hơi bị stress và muốn con ăn “đàng hoàng” – cơm, thịt, trứng, cá…
Trong nuôi dạy con từ nhỏ đến giờ, anh chị áp dụng theo kiểu phương Tây hay truyền thống Việt Nam?
Tụi mình kết hợp cả hai phương pháp và thực tế cũng dựa vào cá tính của con để điều chỉnh cho phù hợp. Nam không phải là người bảo thủ và mình cũng vậy nên đôi khi cách giáo dục của tụi mình sẽ một phần đúc kết từ chính cuộc sống thực tế của cả hai. Hồi nhỏ, Nam hay mình không thích bị làm điều gì đó ép buộc hoặc cưỡng chế áp đặt nên tụi mình sẽ không làm như vậy với con.
Tụi mình cho con có khoảng không gian để phát triển nhân cách rồi hướng dẫn con theo hướng tích cực chứ không bắt con theo bất kỳ một quy chuẩn nào. Tuy nhiên, con sẽ luôn cảm thấy được tôn trọng và được lắng nghe, điều này rất quan trọng. Nam với mình nói chuyện và chia sẻ quan điểm với nhau khá nhiều. Cả hai cũng chịu học hỏi từ đối phương nên cũng ít khi có mâu thuẫn trong việc dạy con.
3 tuổi bé nói thạo 3 thứ tiếng.
Ông xã là người Séc nhưng khá thạo tiếng Việt, vậy trong nhà anh chị sẽ ưu tiên dạy con giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Séc hay tiếng Anh khi con biết nói?
Nam nói thành thạo tiếng Việt và sử dụng như ngôn ngữ chính của gia đình nên khi có em bé, tụi mình đã cân nhắc rất nhiều về cách giao tiếp với con bằng ngôn ngữ nào. Trước mặt con, mình hạn chế nói bằng tiếng Việt với Nam vì con rất thông minh nếu biết được bố biết nói tiếng Việt sẽ lười nói, sẽ không học tiếng Séc nên tụi mình sử dụng cả 3 ngôn ngữ với con.
Hiện tại, Mila được 3 tuổi hơn và con có thể nghe nói thành thạo cả 3 loại ngôn ngữ Việt, Anh và Séc. Đó là 1 quá trình dài bắt đầu từ khi con được 3 tháng tuổi. Mình sử dụng song ngữ Việt và Anh để nói với con, Nam luôn luôn phải nói với con bằng tiếng Séc hoặc Anh. Vợ chồng mình kiên định như vậy đến khi con lớn và con cũng quen với việc thường xuyên nói chuyện qua Skype với bà nội để quen hơn về âm điệu của tiếng Séc.
Đến khi con bắt đầu nói được nhiều hơn và bắt đầu đi nhà trẻ, mình sẽ nói với con nhiều hơn bằng tiếng Việt. Lúc này mình sẽ nói chuyện với con nguyên từng câu và lặp lại để con có thể nói được từng câu dài như mẹ cảm ơn Mila vì đã lấy đồ giúp mẹ…. thay vì câu ngắn với con như mẹ cảm ơn con.
Tại trường các cô giáo đã nói với con bằng tiếng Anh rồi, Nam vẫn nói bằng tiếng Séc. Nhờ việc quen với âm điệu Tiếng Anh từ bé nên con bắt nhịp tại trường khá tốt. Bây giờ, Mila sẽ tự linh động sử dụng ngôn ngữ nào con thích và trong các hoàn cảnh con đã biết tự ứng phó cho phù hợp.
Anh chị có bí quyết như thế nào trong dạy ngôn ngữ cho con?
Thỉnh thoảng bọn mình có sơ hở nên con biết bố nói tiếng Việt, nếu con chưa biết từ nào đó trong 3 thứ tiếng, con sẽ dùng 1 câu kết hợp cả 3 thứ tiếng ví dụ : “Tata cho Mila Meveda, Please” (bố cho con kẹo gấu đi mà!). Những lúc này tụi mình thấy con dễ thương lắm và sẽ bổ sung lại kiến thức ngôn ngữ cho con.
Mình nghĩ nên nói với con và dạy con nói tròn câu và câu dài khi con bắt đầu nói được tốt rồi. Khi còn bé dạy con qua hình ảnh, đưa con đi thực tế hoặc qua sách, qua phim hoạt hình,... Quan trọng nhất là không nên lười giao tiếp với con. Dù con chưa biết nói hay nói thành thạo, bố mẹ vẫn không ngừng nói chuyện và giao tiếp có chủ đích giáo dục ngôn ngữ với con.
Còn với anh Nam, bí quyết của anh là bố mẹ phải tạo ra môi trường ngôn ngữ tự nhiên để giao tiếp. Mình không cần nói ngoại ngữ quá giỏi vì điều đó đó con học được trên mạng hay ở trường. Bố mẹ Việt Nam thường hay bắt con nói chuyện với ông Tây hoặc bắt học thuộc từ vựng tiếng Anh nhưng trẻ con vừa thông minh vừa lười, chúng nhận ra rất rõ khi nào việc sử dụng ngoại ngữ là trò chơi và khi nào cần thiết. Mila biết rõ ràng phải sử dụng tiếng Séc với bà nội hay là tiếng Anh với cô giáo để bà và cô hiểu… Mặt khác, Mila nói chuyện với bố pha trộn cả ba ngôn ngữ vì con biết bố sẽ hiểu. (Cười)
Xin cảm ơn chia sẻ của chị!