Chọn trường "rởm" lại phó mặc con cho giáo viên thì cũng khó trách họ không cứu được con mình.
Ngày hôm qua, khi đoạn clip về những đứa trẻ ngây ngô bị hai bảo mẫu ác quỉ ở trường tư thục Phương Anh đánh đập được đăng tải, đó đã trở thành vấn đề sôi nổi số 1 ở cơ quan tôi. Thực ra, tôi không dám xem clip mà chỉ đọc báo và những hình ảnh mô tả. Tôi sợ phải nhìn thấy những cảnh đấy, và sợ con tim mình sẽ chùng xuống và sẽ buồn, sẽ khóc vì thương các con. Tôi thấy cả một cộng đồng nổi giận, đòi đánh chửi và bỏ tù hai “cô giáo” đó. Vậy nhưng tôi chưa thấy ai lên tiếng về trách nhiệm của gia đình và của chính những người mẹ gần kề với con trong vụ việc này. Tại sao là một người mẹ mà ta lại không thể phát hiện ra con bị bạo hành trong một thời gian dài như vậy? Giận hai bảo mẫu “ác quỷ” kia bao nhiêu thì tôi càng thấy người mẹ của những bé này đáng trách bấy nhiêu. Có lẽ nhiều người đã quá đau đớn, đã quá xót xa mà quên đi việc đề cập đến trách nhiệm của gia đình. Tôi muốn nói rằng, mẹ chọn trường “rởm” cho con và lại phó mặc con cho những “giáo viên” rởm đấy, thì trách sao các bé lại bị đánh.
Chọn trường mầm non cho trẻ chưa bao giờ là đơn giản, chí ít là đối với tôi. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm được trường tốt cho con trai mình. Tại sao tôi phải nhọc công? Bởi vì trường mầm non sẽ là ngôi nhà thứ hai của con trai tôi khi bé lần đầu tiên rời xa mái ấm gia đình, xa cha mẹ, xa ông bà. Tôi muốn con mình dành thời gian trong ngày ở một môi trường mà bé cảm thấy thích thú, được chăm sóc, yêu thương. Chính vì vậy, tôi không bao giờ chọn trường “rởm” cho con.
Tôi nói vậy có thể nhiều chị em tự ái. Nhưng những trường mầm non như thế này, theo tôi, là “RỞM”
Hơn 2 người nói “trường đó tồi”
Chọn trường mầm non cho con mà không biết lên mạng tìm hiểu thông tin, không biết hỏi ý kiến các chị em từng hoặc đang cho con theo học ở đó, không biết hỏi những người dân xung quanh trường, cô bán cháo ngay đầu cổng trường…thì “vứt”.
Tôi không ngại tìm hiểu và hỏi ý kiến của những người xung quanh. Nếu có tin đồn không hay về trường, tôi sẽ nâng cao cảnh giác. Tất nhiên, nếu chỉ nói chuyện với 1 hoặc 2 phụ huynh thì phán đoán đôi khi dễ nhầm lẫn, phiến diện. Vì, có thể mấy vị phụ huynh đó có xung khắc, bất bình với một giáo viên trong ngôi trường. Nhưng nếu nghe ngóng thấy hơn 2 người tỏ ý dè chừng thì chị em cần cân nhắc và gạt tên ngôi trường đó ra ngoài danh sách chọn lựa cho con.
Giáo viên hay mất kiên nhẫn
Không phải cứ trường quốc tế, trường học phí cao, cơ sở vật chất đẹp thì là trường tốt. Khi đến thăm quan trường của trẻ, đừng mải chú ý vào chuyện lớp học có camera không, phòng học có điều hòa không, đồ chơi có xịn không…mà hãy chú ý vào cách cư xử của giáo viên đối với những đứa trẻ và thái độ của chúng đối với cô giáo. Nếu những đứa trẻ ở đó hòa đồng, thân thiện, yêu cô, quấn cô…thì đó là nơi tôi muốn gửi gắm con mình. Nếu chúng tỏ ra ngoan ngoãn trong sợ sệt và khép nép, tôi sẽ cần phải suy nghĩ thêm về cô giáo và trường mầm non này.
Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian quan sát cách giáo viên tương tác với trẻ, chị em sẽ hiểu đôi chút về tính cách của người đó. Đức tính quan trọng nhất mà giáo viên mầm non cần có là sự trách nhiệm, nhiệt tình và yêu trẻ. Nếu thấy giáo viên có biểu hiện mất tập trung, thiếu kiên nhẫn thì tốt nhất, chị em cũng nên tìm một ngôi trường khác cho con.
Giáo viên mầm non thiếu kiên nhẫn thì khó có thể là giáo viên tốt (ảnh minh họa)
Cơ sở vật chất có vấn đề
Tôi không yêu cầu trường mầm non hay nhà trẻ của bé phải thật long lanh. Tuy nhiên, với những địa điểm quá sơ sài, chỉ là môt, hai căn phòng trong một ngôi nhà dân sinh được tu sửa tạm bợ để trông giữ trẻ thì khó ai có thể an tâm.
Thêm vào đó, chị em cũng nên lưu ý đến những vấn đề như: khu vực nấu ăn của trường có quá gần nhà vệ sinh, sàn nhà, tường và nhà bếp không sạch, lớp học không thông thoáng, ánh sáng kém, mặt sàn trơn láng, dễ ngã, không gian xung quanh thường xuyên ồn ào, có cống rãnh bẩn…?
Chọn được trường tốt cho con rồi nhưng ta vẫn không thể phó mặc bé hoàn toàn cho giáo viên mà không hề có một sự quan tâm đến chính con mình. Tôi không hiểu vì sao những bà mẹ của các bé trong clip có thể không phát hiện ra con mình bị bạo hành trong khi các bé hoàn toàn biết nói và tôi (cho rằng) chắc chắn trên cơ thể có những vết bầm bím, xước xát. Tôi xin chia sẻ với chị em những lưu ý và kinh nghiệm này:
1.
Luôn quan sát cơ thể con sau mỗi ngày ở trường về, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân và đầu các khớp tay con xem có dấu hiệu gì bất thường hay không.
2.
Mỗi khi đến trường giao con cho cô, đều phải trao đổi nhanh từ 2-4 phút về chuyện sinh hoạt tối hôm qua của con, sáng nay con dậy mấy giờ, đã ăn sáng chưa, món gì, thay bỉm chưa, tình trạng sức khỏe và tâm lý thế nào. Đang vui hay buồn hay đang dỗi mẹ….
3.
Ngày nào đón con về cũng tâm sự với con về chuyện trường lớp, tỏ ra là người bạn thân bé có thể tin tưởng. Tôi thường hỏi con những câu hỏi đơn giản như “Hôm nay đi học có gì vui không con?”, “Con có thích đi học không?”, “Con kể một ngày của con xem nào?”…
4.
Khi thấy những vết bầm tím cũng không được nổi nóng, de dọa người khác (như cô giáo hay bạn bè) trước mặt con mà chỉ hỏi rất nhẹ nhàng, thoái mái. Như vậy, trẻ sẽ dễ nói chuyện hơn và không cố ý giấu mẹ
5.
Không trầm trọng hóa vấn đề nhưng là mẹ, ta luôn phải giữ mối quan hệ mật thiết với giáo viên và luôn tỏ ra quan tâm tới bất kỳ vấn đề nào của con mình. Ngay cả khi bé bị thâm tím vì ngã, tôi vẫn đến lớp bé, đề cập đến chuyện này và bàn với cô cách để khắc phục. VD như: Sửa lại bậc thềm trước cửa lớp, bọc lại góc bàn…Như vậy, tôi cũng ngầm truyền thông điệp tới cô giáo rằng tôi không lơ là với những vấn đề nhỏ nhặt nhất của con mình.
6.
Luôn để ý hỏi dò con những câu như “Con mang bánh đến lớp lát ăn nhé. À mẹ có cần để cho cô một phần không? Cô có bao giờ ăn bánh của con không” hoặc “Cô giáo làm thế với con hay những bạn khác đều vậy”, “Con có thích ở nhà mẹ cho con ăn giống cô cho ở lớp không?”….
7.
Tỏ ra thoái mái với cô giáo về vấn đề ăn uống của con. Không bao giờ hỏi cô những câu như hôm nay cháu ăn được mấy bát, mấy miếng thịt, mấy miếng rau mà chỉ hỏi “Trưa nay hai cô cháu ăn cơm có vui không?”. “Con ăn có ngoan không?”.
Không nên ép gánh nặng ăn uống theo chỉ tiêu lên vai giáo viên và cả con mình (ảnh minh họa)
8.
Không bao giờ được bỏ qua những dấu hiệu giống trầm cảm hoặc bị trầm cảm của trẻ như: hay lo âu, sợ hãi và căng thẳng, đêm ngủ không ngon, dễ giật mình, có ác mộng, nghiến răng, cắn móng tay, lười ăn, dễ khóc, khi ăn dễ nôn trớ, thở nhanh, hồi hộp, toát mồ hôi, sợ hãi mỗi khi bố mẹ nhắc tới vấn đề đi học.
9.
Quan trọng nhất, đó là cần tin vào bản năng làm mẹ của mình. Bất kể khi nào chúng ta thấy trẻ có vấn đề hoặc cảm thấy dù trường này có nhiều sách và đồ chơi mới, có sân chơi mềm hiện đại, có môi trường bền vững nhưng không cho con mình cảm giác muốn đến lớp, không cho mình cảm giác an toàn. Thì hãy xem xét chuyển trường cho bé.