Mình nhận ra mình hoàn toàn sai lầm khi luôn dạy con theo kiểu cứ học thì phải ngồi vào bàn với chồng sách vở
Trước đây, tuy là đứa trẻ ngoan ngoãn và rất chăm chỉ học, nhưng ngay cả khi suốt ngày “mài giũa” trên mấy trang sách, Su Su cũng không thể đạt được kết quả khả quan hơn. Đã thế, cái gì con cũng làm một cách máy móc, dập khuôn kiểu “vô hồn” chứ không có sự hào hứng nào cả. Là một người mẹ, thấy con như thế mình cũng buồn lắm, bởi thật lòng mẹ nào chẳng kì vọng con mình thông minh lanh lợi phải không? Nhưng gác lại tất cả, mình “kiểm điểm” lại cả quá trình và thấy rằng, có lẽ mình đã vô tình “kìm hãm” sự sáng tạo của con. Quyết tâm thay đổi, mình dành nhiều thời gian hơn để cùng học, cùng chơi với con một cách “bữa bãi” nhất.
Nhờ áp dụng phương pháp này mà giờ con hoạt bát, nhạy bén hơn rất nhiều, kết quả học tập cũng thuộc hàng “top” ở trường. Vì thế, dù quyết định có phần liều lĩnh một chút nhưng mình vẫn thấy hài lòng, vì bé thực sự hiểu được bản chất của vấn đề, cũng như có thể đưa ra những cách giải quyết vô cùng thông minh. Giờ thì mình muốn chia sẻ một chút với các mẹ về cách thức đào tạo con “không giống ai” của mình nhé!
Nói thì to tát nhưng thực chất chỉ là cách để mình sửa chữa những điều cứng nhắc trước đây đã dạy con, và dành nhiều thời gian để quan sát bé hơn. Mình nhận ra rằng bản thân đã hoàn toàn sai lầm khi luôn dạy con theo một quy tắc bắt buộc: đó là học thì phải ngồi vào bàn với đống sách vở, bút thước còn chơi thì phải “ngoan”, tức là ngồi im một chỗ và không được nghịch phá. Ngoài thời gian đó thì có thể xem TV hay đọc truyện nhưng không được làm phiền bố mẹ và người, nếu không con sẽ bị phạt. Hậu quả là con răm rắp nghe lời nhưng trở nên rụt rè, thiếu mạnh dạn. Thậm chí nhiều khi đang hăng hái với một trò chơi mới, thấy bố mẹ con liền vội vã giấu đi như sợ bị mắng vậy. Đó là tại lúc trước cứ hễ con có ý định “phá phách” thứ gì đó, chẳng hạn đem hộp bút, điều khiển ra chơi trò người máy; hay bất cứ điều gì tương tự là lập tức bị quát nạt ngay.
Hãy để bé "tự do" với trí tưởng tượng của mình. (Ảnh minh họa)
Giờ thì mình để con thoải mái với những ý tưởng riêng của nó, thậm chí còn khuyến khích con nữa. Mình dành nhiều thời gian trò chuyện với con hơn xem bé muốn gì, và cùng học, cùng chơi với con nữa. Những quy tắc thông thường tạm thời bị phá vỡ, chẳng hạn nếu con thích vẽ một bức tranh có dòng sông màu vàng thì mình vẫn hoàn toàn ủng hộ. Và chỉ giải thích với con rằng, thực tế thì dòng sông thường có màu xanh do nước trong suốt và nó phản ánh màu của bầu Trời, cây cối ven bờ thôi. “Thế nếu bầu trời có màu vàng thì nước sẽ đúng là màu vàng phải không mẹ?” “Phải rồi, nhưng nếu bầu Trời vẫn cứ màu xanh và con muốn hồ nước có màu vàng thì phải làm thế nào?...” Mình cứ vừa hỏi vừa gợi ý để con thỏa sức đưa ra những ý kiến của mình, cả những “đáp án” có phần rất ngây ngô nhưng mình không bao giờ chê trách cả. Mình chỉ khéo léo giảng giải cho con những cách nhìn nhận vấn đề đúng nhất, và hướng cho con thời điểm dừng thích hợp khi bé quá “sa đà”.
Tương tự với những trò chơi cũng vậy, con có thể xếp Lego theo nhiều cách để tạo ra những hình thù khác nhau theo trí tưởng tượng của bé mà không cần phải dập khuôn. Và mỗi lần hoàn thành con thường hào hứng khoe với mẹ những “tác phẩm“ đã “dày công nghiên cứu” của mình. Đôi khi kết cực kì khả quan, cũng đôi khi chỉ là một mớ hỗn độn không hơn không kém. Nhưng mình không chê trách mà chỉ khích lệ, đồng thời đánh giá đúng mức về thành quả của con để bé có được những định hướng đúng và không bị sa đà thôi; mình cũng phân tích cho bé những điểm hay, điểm chưa hay để con hiểu nữa. Từ đó con không còn e dè, ngại ngùng khi bộc lộ ý tưởng của mình về bất cứ vấn đề gì.
Mẹ cùng chơi với con để kích thích trí thông minh của bé. (Ảnh minh họa)
Rồi khi học toán hay bất cứ môn nào khác, mình không ép con phải làm theo công thức có sẵn. Thay vào đó là gợi ý, hướng cho con tìm ra nhiều cách giải khác nhau, không nhất thiết phải theo công thức, sau đó thì cùng so sánh hiệu quả và giúp con nhận định được cách làm tối ưu nhất. Cứ thế, càng ngày con càng cảm thấy mọi thứ thú vị hơn, thích tìm tòi, khám phá hơn và luôn đưa ra được những cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất.
Để làm được như vậy, mình phải kiên nhẫn tối đa để giải thích cho con về rất nhiều điều, cả những thứ được cho là “vụn vặt” hàng ngày. Thậm chí phải “nín nhịn” một chút để con có thể trải nghiệm điều gì đó. Giống như đến bữa bé nhất định đòi ăn bằng đĩa lớn thay vì bát thì mình cũng đành “chiều lòng” con. Sau đó thì mới “chất vấn” bằng những câu hỏi gợi sự tư duy của bé như: Ngoài đĩa lớn thì những đồ vật nào trong nhà có thể đựng thức ăn? Con thấy ăn bằng đĩa thích hơn bát ở điểm nào,…và cuối cùng thì cho bé thấy rằng bát nhỏ là thích hợp nhất để ăn cơm…
Sự sáng tạo ở đứa trẻ không chỉ do bẩm sinh, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống, cũng như cách cha mẹ khơi dậy điều đó như thế nào. Vì thế, để con phát huy hết những ưu điểm tiềm tàng của mình, mẹ hãy cùng chơi, cùng học với con để bé thông minh hơn nhé!