Nguyên Phó hiệu trưởng trường Thực Nghiệm chia sẻ tips hay cho cha mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1.
Khi tiếng ve kêu râm ran báo mùa hè, là lúc các học sinh, sinh viên bước vào mùa thi căng thẳng trước khi được xả hơi sau những tháng học tập vất vả. Với các bé 6 tuổi (hoặc sắp tròn 6 tuổi) thì sao nhỉ? Các bé sắp tạm biệt trường Mầm non thân yêu để bước vào “Đại học chữ to”, để thành học sinh Tiểu học.
Đây cũng là lúc các bậc cha mẹ đau đầu với câu hỏi: Chọn trường nào cho con? Bởi đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng với bé, là bước khởi đầu liệu “vạn sự có gian nan”?
Hiểu được tâm lý ấy của các bậc cha mẹ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thú vị với cô Trương Thị Cẩm Tú – nguyên Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thực Nghiệm, Hà Nội về những điều cha mẹ có con sắp vào lớp 1 quan tâm.
- Theo cô, khó khăn nhất của trẻ chuyển tiếp từ lứa tuổi Mầm non sang Tiểu học là gì ạ?
Điều khó khăn nhất của trẻ từ Mầm non lên Tiểu học là trẻ đang ở trong môi trường học tập mà các hoạt động chơi là chủ yếu, khi bước vào bậc học Tiểu học bé bắt đầu làm quen với cách học, tư duy và các hoạt động khác, bé làm quen với sách vở, đồ dùng học tập và các nội quy của nhà trường.
Ngoài ra, còn phải thực hiện các quy định đi học đúng giờ, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập, tính chuyên cần, cố gắng trong học tập, có tính độc lập trong cuộc sống, sinh hoạt trường.
Trước khi trẻ vào lớp 1, cha mẹ cần chuẩn bị trước tâm lý cho trẻ (Ảnh minh họa).
- Cha mẹ và thầy cô phải làm gì để giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Trước hết, chúng ta cần tạo cho con một tâm lí tốt bằng những lời tâm sự gần gũi: “Chà, con trai (con gái) của mẹ đã lớn rồi, sắp trở thành học sinh lớp Một rồi đấy!”. “Con à, là học sinh lớp Một đấy nhé, chứ không phải là bé của trường Mầm non nữa đâu!”. Bé của bạn chắc sẽ vui và tự thấy mình đã lớn.
Tôi được phụ huynh kể lại: Ngày chuẩn bị đi học lớp Một, bé nhà em rất hồi hộp và hỏi nhiều chuyện lắm. Thế là ông bà, bố mẹ, dì chuẩn bị bữa cơm thật tươm tất cùng liên hoan vui mừng ngày đầu tiên bé đến trường. Trước bữa ăn tự nhiên cháu đứng dậy và nói thỏ thẻ: “Cháu cảm ơn ông bà, bố mẹ và dì!”.
Cả nhà vỗ tay động viên bé: “Đi học vui thật đấy, bé con nhỉ?”. Và cũng sau hôm đó bé nhà em tỏ ra tự tin, hoạt bát hẳn lên. Thế mới biết động viên con trẻ là quan trọng lắm.
Bố mẹ nên đưa con đi sắm đồ dùng học tập, cặp sách, vở, bút… nhưng đừng quên hãy để con lựa chọn. Tuy nhiên, bố mẹ chú ý giúp con chọn những chiếc cặp nhẹ nhàng, dễ mở, tiện sử dụng, hợp với tuổi nhỏ của bé.
Cả nhà cùng bé chuẩn bị góc học tập sáng sủa, gọn gàng, đẹp mắt. Mẹ hoặc bố hướng dẫn cho con một vài sinh hoạt cá nhân: Đi vệ sinh, lau chùi, kéo quần có khóa… Tốt nhất, nên tập cho con đi ngủ đúng giờ, điều chỉnh dần giờ giấc sao cho khi đi học bé có thể dễ dàng dậy đúng giờ vào buổi sáng mà không lè nhè.
- Theo cô, cha mẹ nên đặt ra những tiêu chí gì khi chọn trường Tiểu học cho con?
Tôi nghĩ rằng khi chuẩn bị cho con vào lớp Một chắc hẳn các bậc cha mẹ cũng có những tiêu chí riêng của mình. Theo ý kiến cá nhân tôi, đối với học sinh Tiểu học, có lẽ điều quan tâm đầu tiên của bố mẹ khi chọn trường cho con là phương pháp giáo dục và đội ngũ giáo viên, rồi đến cơ sở vật chất của nhà trường, tiếp đó cần quan tâm đến việc lớp không nên quá đông học sinh.
- Có người cho rằng, dạy trẻ nhỏ (Mầm non và Tiểu học) là chuyện nhỏ không cần giáo viên giỏi và bằng cấp cao, ý kiến của cô về vấn đề này thế nào?
Tôi cho rằng ở bất cứ bậc học nào cũng cần có các giáo viên giỏi, giỏi chuyên môn, có tâm huyết, yêu nghề, năng lực tổ chức quản lý học sinh. Đặc biệt, ở Tiểu học giáo viên lại càng cần phải có sự chuẩn mực sư phạm trong ứng xử, tác phong, hướng dẫn học tập, và các hoạt động khác.
Đối với học sinh Tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp Một, cô giáo trong mắt trẻ là “Thần tượng”. Tôi chia sẻ một kỉ niệm thế này: “Chuẩn bị cho ngày khai giảng, tôi tả cảnh lễ Khai giảng cho học sinh nghe, tạo ấn tượng ngày Khai trường. Tôi nói: Ngày mai Khai giảng năm học mới, cô trò mình sẽ mặc thật đẹp, ví dụ cô mặc áo trắng, bạn Minh Anh mặc váy hoa, bạn Vân Anh mặc máy xanh.
Thế là khi về Vân Anh nhất định đòi bố mẹ mua váy xanh. Bố mẹ Vân Anh chiều con đưa đi mua nhưng chọn mãi chưa được cái ưng ý. Họ gọi điện hỏi tôi. Tôi bật cười: “Cô chỉ tả lấy ví dụ thế”. Nhưng trẻ lắng nghe và hiểu “ví dụ” của cô một cách chân thật, hồn nhiên và coi đó là chân lý, là chuẩn mực.
Đó cũng là câu chuyện để tôi tự điều chỉnh trong cuộc đời của một người dạy học. Giáo viên giỏi và bằng cấp cao là rất tuyệt, nhưng điều không thể thiếu được với mỗi giáo viên là say nghề, có tâm huyết và yêu trẻ”.
- Cô có lời khuyên nào cho các bậc cha mẹ có con chuẩn bị vào lớp Một?
Hãy dành thời gian làm bạn với con, trò chuyện với con về ngôi trường mà cả gia đình và bé đã dự định. Tránh những câu chuyện đã được nghe kể chưa hay về cô giáo, lớp học trước mặt trẻ để trẻ nghe thấy. Tai hại lắm đấy, trẻ có vẻ như không nghe nhưng lại rất hay “hóng” chuyện của người lớn đấy.
- Năm ngoái, khi còn giữ trọng trách là hiệu phó trường Tiểu học Thực Nghiệm, cô cũng đã chứng kiến cảnh phụ huynh học sinh đạp đổ cổng trường để vào mua đơn xin vào lớp Một cho con. Theo cô, đâu là sức hút của trường Thực Nghiệm nói riêng và trường học theo mô hình Công nghệ Giáo dục của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại nói chung?
Sức thu hút của nhà trường theo mô hình Công nghệ Giáo dục của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại đối với cha mẹ học sinh chính ở chỗ nhà trường hoạt động thông qua các hoạt động trải nghiệm, học tập bằng việc làm. Mỗi ngày học thêm những điều mới mẻ, học sinh cảm nhận được hạnh phúc của việc học.
Nhà trường Công nghệ Giáo dục tạo môi trường có quan hệ thầy trò cởi mở, thân thiện, học sinh được tôn trọng. Thầy cô hướng dẫn trò ở mỗi việc làm tỉ mỉ, cẩn thận. Hướng dẫn trẻ làm đúng, chưa đúng sẽ được làm lại cho đúng. Khuyến khích, động viên, ghi nhận sự tiến bộ ở từng học sinh. Không so sánh, không tạo áp lực, không chê bai để việc học trở nên thích thú và hấp dẫn.
- Một câu hỏi cuối cùng, bí quyết nào khiến cô Tú, hay “mẹ Tú” như các bạn học sinh vẫn âu yếm gọi, trẻ đẹp mãi vậy ạ?
Bạn hỏi bí quyết ư? Chẳng có gì, chỉ có lòng say mê nghề nghiệp, thực sự quý mến trẻ, hết lòng vì công việc. Gần gũi trẻ và làm được bạn với trẻ thì cuộc sống luôn tươi mới và nhiều điều thú vị, làm ta trẻ lại đấy thôi.
Trân trọng cảm ơn cô và kính chúc cô luôn mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc!
Tư vấn bởi Cô Trương Thị Cẩm Tú (Nguyên phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực Nghiệm, Hà Nội)