Mua ít đồ chơi thôi và cũng đừng chọn cái “hầm hố”, lắm nút, lắm phím làm gì.
Mua đồ chơi cho con là điều mà bất cứ bà mẹ nào cũng háo hức. Với tâm lý muốn thể hiện tình yêu với con, lại nghĩ “thời xưa mình đã thiếu thốn đủ rồi”, rất nhiều chị em lao vào cuộc chiến mua những loại đồ chơi đắt nhất và đẹp nhất dành cho con mình. Trẻ con thì “dễ tính” lắm. Với chúng, đồ chơi càng nhiều…càng ít. Vậy nhưng thế không có nghĩ ta nên mua đồ chơi vô tội vạ cho con.
Theo tôi, đồ chơi là con dao hai lưỡi. Nếu biết cách tận dụng, ta sẽ vừa mang lại niềm vui cho con, vừa kích thích trí não bé phát triển. Vậy nhưng với mẹ vụng, rất có thể đồ chơi sẽ là thứ khiến con ngày càng u mê, xao lãng việc học và cả việc giao tiếp với mọi người.
"Chơi là hoạt động quan trọng trong sự phát triển xã hội, tinh thần, thể chất và tình cảm của trẻ em. Đồ chơi phải được coi như công cụ học tập phát triển" đó là điều tôi luôn tâm niệm. Khi lựa chọn đồ chơi cho con, tôi xin đưa ra các lời khuyên sau đây:
Chọn đồ chơi đơn giản thôi
Đừng chọn cái “hầm hố”, lắm nút, lắm phím làm gì. Đừng ham những con robot biết nhảy, biết hát biết đi. Và cũng đừng mê cái máy điện tử có nhiều chức năng. Chúng vừa tốn tiền, lại vừa làm thui chột khả năng sáng tạo của trẻ. Đồ chơi mà biết làm quá nhiều thứ thì trẻ lại chẳng cần phải làm gì nữa cả. Dăm bữa nửa tháng, con không chán mới là lạ. Tôi chỉ hay mua cho con đồ chơi chỉ có những khối hình vuông tròn, màu sắc đơn giản hay vài hộp đất nặn. Ô tô cũng nên mua, nhưng chỉ mua những cái đơn giản và có hình khối, màu sắc rõ ràng. Tránh những món đồ chơi rườm rà.
Đồ chơi mà biết làm quá nhiều thứ thì trẻ lại chẳng cần phải làm gì nữa cả. Càng đơn giản mới lại càng hay. (ảnh minh họa)
Đừng “phát cuồng” với những món đồ chơi gắn mác: đồ chơi trí tuệ
Nghành kinh doanh đồ chơi giáo dục đang bùng nổ và ngày càng làm ăn khấm khá dựa trên tâm lý sợ con thua thiệt và thiếu thông minh nếu không có đồ chơi trí tuệ. Tai nghe nhạc giao hưởng giúp bé thông minh từ trong bụng mẹ, máy học tiếng anh, rubic thông minh….tất cả nghe đều rất “hào nhoáng”. Tuy nhiên, mẹ cần cân nhắc kỹ và tìm mua loại đồ chơi thực sự có tác dụng cũng như phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Chỉ cho con chơi vài món ở một thời điểm
Tôi thấy có những đứa trẻ có cả thùng đồ chơi. Không sao! Nhưng những đứa trẻ có đến cả một…nhà đồ chơi, thì ta cần phải xem xét lại. Tôi không bao giờ để con có quá 5 món đồ chơi một thời điểm. Khi chúng hỏng, quá tuổi, con tôi đã chơi chán…thì tôi mới bỏ hoặc cho đi để mua cho con thứ khác. Có quá nhiều đồ chơi khiến trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung vào chúng. Mặt khác, nếu có 10 món đồ chơi, con sẽ nhanh chóng chán cả 10. Nếu có 100 món đồ chơi, con cũng sẽ chán cả 100. Do vậy, nếu đã lỡ mua nhiều đồ chơi cho con, tôi gợi ý mẹ hãy chọn ra 5 món con thích nhất để bé chơi. Những thứ khác cất đi và đợi 1,2 tháng sau lại mang ra đổi cho bé chơi lại. Như vậy, con sẽ luôn cảm thấy những món đồ chơi đó là mới mẻ.
Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi
0-6 tháng: Trẻ sơ sinh bị mê hoặc bởi âm thanh và các hình ảnh đen trắng đơn giản. Đồ chơi phù hợp với tuổi cho trẻ sơ sinh bao gồm: lúc lắc, nhạc treo nôi, gặm nướu mềm…
6-8 tháng: Trẻ lớn hơn có thể giữ đồ chơi nhỏ, đang muốn tập đi và rất thích ném đồ. Mẹ nên mua cho bé xe đẩy tập đi hay quả bóng nhựa
8-18 tháng: Đây là độ tuổi khi em bé bắt đầu thấy trước kết quả, quyết định một mục tiêu, và cố ý có hành động để làm cho nó xảy ra. Đồ chơi phù hợp với tuổi bao gồm xe đẩy đồ chơi, sách vải hoặc sách giấy bìa cứng nhiều hình ảnh, trò chơi thả vòng nhựa vào cọc gỗ.
18-24 tháng: Trẻ em bắt đầu thích chơi "giả vờ". Đây là thời gian lúc mẹ mua cho con búp bê, ô tô, đồ chơi nấu bếp, làm vườn, bác sĩ, bộ đội...
2-4 năm: Trẻ thích được phát triển trí thông minh. Đồ chơi cho bé thời kỳ này nên là xếp hình, đất nặn, bút màu và một cái xe đạp 3 bánh.