Cơ thể cần muối và muối lại là chất cơ thể không tự sản sinh. Do đó, mẹ cần cho bé ăn muối.
Chủ đề nên hay không nên nêm muối vào đồ ăn dặm của trẻ luôn là cuộc chiến “không khoan nhượng” của các cô con dâu và mẹ chồng trong gia đình Việt. Rất nhiều ý kiến cho rằng trẻ dưới 1 tuổi không cần muối, không nên nêm muối vào đồ ăn dặm của bé vì sẽ hại thận trẻ. Thực ra, quan niệm này không sai, nhưng chưa đầy đủ.
Chúng ta phải biết, muối đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận hành cơ thể. Muối ăn là bắt buộc cho sự sống, là chất cần thiết cho sự sống của mọi cơ thể sống chứ không riêng gì cơ thể con người. Muối tham gia vào việc cân bằng thể dịch trong cơ thể, đảm bảo cho hoạt động bình thường của các tế bào. Cơ thể cần muối để hoạt động và muối lại là chất cơ thể không tự tái sản xuất. Do đó, việc muối xuất hiện trong đồ ăn dặm là cần thiết. Và dù là bé mới sinh hay đã lớn đều cần muối. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe trẻ em vẫn luôn khuyên các bà mẹ không nên cho con ăn muối. Vì sao?
Trẻ cần muối, nhưng lượng muối trẻ cần khác với chúng ta
Ai cũng cần muối, nhưng lượng muối trẻ sơ sinh cần là vô cùng nhỏ. Cụ thể:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần ít hơn 1g muối/ngày
- Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi nhu cầu muối khoảng 1g.
- Trẻ trên 1 tuổi cần khoảng 2g.
Lượng muối này, hoàn toàn đã được đáp ứng đầy đủ trong các loại thực phẩm trẻ ăn hàng ngày.
Muối có tác dụng tạo vị ngon cho món ăn, bảo quản thức ăn được lâu và một số loại thực phẩm khi chế biến lại không thể thiếu muối. Do đó, khi sản xuất, các hãng thực phẩm cũng đã cho rất nhiều muối vào sản phẩm của mình. Có thể kể đến một số loại thực phẩm chế biến sẵn như: pho mát, thịt nguội, xúc xích, mì ăn liền, ngũ cốc ăn liền, sốt salat, bánh mì, hải sản đông lạnh, bột ca cao, đậu phụ, bơ, snack, bánh qui… Các thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc, hoa quả, thịt gia cầm, cá, trứng, rau tươi cũng đều có 1 lượng muối nhất định.
Các thực phẩm tự nhiên bé ăn hàng ngày cũng đều có 1 lượng muối nhất định. (ảnh minh họa)
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, khi sữa vẫn còn là nguồn dinh dưỡng chính, việc nêm muối lại càng không cần thiết. Đối với những trẻ bú mẹ, trong sữa mẹ đã có thành phần muối phù hợp với bé. Sữa công thức cũng được bổ sung một lượng muối có tỷ lệ y hệt sữa mẹ. Do đó, với trẻ sơ sinh dưới 1 năm tuổi, khi sữa vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu, lượng muối trẻ nhận được mỗi ngày qua sữa là hoàn toàn đủ cho hoạt động của cơ thể.
Không ăn muối liệu có nhạt nhẽo vô vị?
Mẹ nếm thử thức ăn của bé sẽ cảm thấy “vô vị” bởi vị giác của chúng ta đã quen với việc phải có muối. Tuy nhiên với trẻ nhỏ, vị giác của các con chỉ như “tờ giấy trắng” không hề biết rằng thức ăn sẽ “có thể” ngon hơn nếu có muối. Từ đó, khó có khả năng trẻ đòi ăn muối nếu chính người lớn chúng ta không tự tạo thói quen cho trẻ. Trên thực tế, người lớn và các bà mẹ đang cố nêm muối cho con theo khẩu vị của mình thì đúng hơn là theo khẩu vị của trẻ.
Không ăn muối có thiếu iod?
Khoa học đã chứng minh, ngoài DHA, thiếu Iod cũng “góp phần” khiến trẻ kém thông minh. Bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện hay gặp nhất liên quan đến thiếu iod. Đó là nguyên nhân chúng ta hay nghe bọn trẻ trêu chọc những bạn học kém là “Bị thiếu iod à”.
Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi không ăn muối cũng chẳng lo thiếu iod. Lý do đơn giản: Trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần 50 mcg iod mỗi ngày. Các bé vẫn còn uống sữa và sữa mẹ, sữa bò, sữa công thức lại là một trong những hàng đầu về hàm lượng iod. Trong 237ml sữa bò đã có tới 56 mcg iod.
Ngoài ra, trong các món ăn bé ăn hàng ngày cũng đã đủ lượng iod cần thiết cho não trẻ như: Tảo biển: 1.800mcg, Rau chân vịt: 164mcgrau dền: 50mcg, rau cải xoong: 45mcg, cá thu: 45mcg, nấm mỡ: 18mcg, cá trích: 52mcg, khoai tây: 4,5mcg, bầu dục: 36,7mcg, súp lơ: 12mcg...
Đối với bé trên 1 tuổi, nhu cầu iod và muối nhiều hơn, mẹ mới cần cho thêm một chút muối, mắm vào bữa ăn cho bé. Lúc này, nên ưu tiên chọn loại muối đã được bổ sung iod.
Trả lời độc giả trong bài thắc mắc Nản với dâu nấu cháo 'nhạt toẹt' cho con về việc có nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối hay không, Bác sĩ Đỗ Tuẫn Anh (Khoa nhi – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Trẻ ở độ tuổi ăn dặm có thể nêm vài hạt muối vào cháo ăn dặm cho bé nếu mẹ cảm thấy cần thiết. |