Ép con ăn là có 'tội' với con!

Ngày 04/06/2013 11:08 AM (GMT+7)

Tôi từng suy sụp, chán nản và đau dạ dày vì con không chịu ăn.

Đọc chia sẻ “Thà ép ăn hơn để con nhịn đói”, tôi thấy như có hình bóng mình trong đó. Chúng ta cùng là những bà mẹ có con còi, lười ăn. Tôi cũng đã từng giống bạn. Nhưng sau này tôi nhận ra: Ép con ăn là có tội với con và tôi đã sai hoàn toàn trong cách nuôi dạy con.

Bi nhà tôi cũng như con bạn, lười ăn kinh khủng. Mỗi bữa ăn của cháu kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ. Từng thìa cơm đút vào miệng con là từng ấy tiếng quát tháo, la hét của tôi. Nhìn con vừa khóc vừa trệu trạo nhai cơm mà tôi vẫn cứ như một 'hung thần' đứng gác - con không ăn hết, tôi dứt khoát không tha. Vậy là, có bữa con tôi ăn đến 5 giờ chiều mới xong bát cơm. 7 giờ tối lại tiếp tục có phần ăn mới.

Không tiếc tiền cho con bụ bẫm, tôi đặt mua yến sào đến cả mấy chục triệu để bắt con mỗi ngày ăn một chén. Ở đâu có người quen mách cho thuốc đông y hay loại thực phẩm nào quí giá giúp trẻ tăng cân thì dù vất vả đến mấy tôi cũng lùng sục đến mua cho bằng được. Các chị đừng chê tôi nấu chán, bất cứ món gì con thích, dù chỉ một tí thôi tôi cũng nấu cho con ăn, không nấu được thì tôi đi mua, tôi đi học cho nấu bằng được mới thôi. Ngày nào tôi cũng hỏi con “Hôm nay Bi thích ăn gì? Trứng tráng, thịt hầm, gà chiên, phở bò hay là bún tôm....” chỉ với một niềm hi vọng nhỏ nhoi là sẽ tìm ra món con thích. Vậy nhưng Bi nhà tôi chỉ lắc đầu sợ hãi, con chẳng muốn ăn bất cứ thứ gì.

Ép con ăn là có #039;tội#039; với con! - 1
Con chẳng muốn ăn bất cứ món gì (ảnh minh họa)

Tôi thì nghỉ làm, chỉ có mỗi việc ở nhà chăm con thôi. Vậy nên mỗi bữa ăn, mỗi thìa cơm thìa cháo của con đều trực tiếp ảnh hưởng tới tâm trạng của tôi. Mỗi lần ép con ăn mà không được, tôi u sầu, thiểu não vô cùng. Tôi suy sụp, tôi chán nản, tôi đau dạ dày vì con không ăn.

Nhìn con người ta sinh ra nhẹ cân hơn Bi mà giờ đây cao lớn phổng phao, con tôi thì sao càng nuôi càng còi. Tôi hoảng lắm. Tôi thậm chí còn lén giấu bố Bi đưa cháu đến bệnh viện để chụp chiếu kiểm tra đường ruột. Tôi muốn biết tại sao con tôi lại “khác người” vậy. Thế nhưng các bác sĩ cũng chẳng giúp gì được cho tôi. Khi tôi hỏi họ có thuốc nào giúp con thèm ăn không, họ còn quát tôi là  “Không có thuốc nào hết. Con chị hoàn toàn bình thường!”. Thời gian đấy đối với tôi quả thật khủng khiếp.

Thế rồi một chuyện xảy ra. Tôi còn nhớ như in cái ngày đó, ngày tôi quyết định tự giải thoát cho mình, giải thoát cho con. Hôm đấy, cũng sau hàng tiếng đồng hồ nhồi nhồi nhét nhét, bóp mồm bóp miệng con để đút cơm, Bi đột nhiên khó thở, mặt mũi tím tái rồi ộc nôn như vòi rồng. Nhìn con khóc thét lên đau đớn, tôi hoảng hốt vứt vội bát cơm, chỉ biết ôm chầm lấy con mà dỗ dành “Không sao, không sao Bi ơi. Mẹ hư mẹ hư. Đánh chừa mẹ này”. Tôi nhìn đứa con mình dứt ruột sinh ra, thiên thần đáng yêu tôi đã từng hứa sẽ bảo vệ đến suốt cuộc đời. Nay lại chính tôi làm đau con mình, chính tôi vì một vài miếng cơm, một vài lạng cân nặng mà hành hạ nhồi nhét, khiến con phải chịu những nỗi ám ảnh với thức ăn. Là tôi sai rồi.

Tôi quyết định thay đổi. Tôi không còn cố ép con ăn nữa. Thay vì nhồi nhét, tôi khắc phục bằng cách tăng chất lượng bữa ăn. Mỗi bữa tôi cho Bi tự chủ động xới cơm cho mình, để con tự chọn thịt cá và tự ăn. Khi con từ chối không ăn nữa, tôi vui vẻ dọn dẹp. Đồng thời, tôi khuyến khích con vận động, chạy nhảy, hát hò v.v... để nhanh đói và kích thích ăn ngon miệng. Những vi chất thiếu hụt, tôi cho con uống bổ sung vitamin.

Bi bây giờ đã 4 tuổi rồi, tuy con vẫn còi nhưng trộm vía luôn vui vẻ và hoạt bát thông minh lắm. Dù họ hàng nội ngoại hai bên, ai cũng vẫn chê mẹ nuôi con vụng nhưng tôi chẳng quan tâm nữa. Bởi điều quan trọng tôi đạt được bây giờ là một ngôi nhà ấm áp và ngập tràn tiếng cười mỗi giờ cơm sum họp của gia đình.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé