Nghe Hà Thư - bà mẹ có sở thích tìm tòi các tài liệu nuôi dạy trẻ chia sẻ về những kinh nghiệm chăm con cực thú vị.
Là một bà mẹ trẻ nhưng chị Trần Hà Thư (mẹ bé Boon) luôn chỉn chu trong việc chăm con. Không chỉ tìm tòi các tài liệu nuôi con từ nhiều nguồn mà cách nuôi con của chị cũng có những nét khác biệt. Từ việc cho bé ăn bốc, ăn kết hợp nhiều phong cách và cho bé phân biệt ngày, đêm để Boon vào giấc ngủ đúng khuôn khổ... đến rèn cho con sự tự tin bằng vài trò chơi đơn giản hoặc cho con mút tay. Bên cạnh việc cho con những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, chị Thư cũng không quên việc tạo ra sự liên kết tình cảm giữa con với bố mẹ với phương châm nghiêm khắc nhưng vẫn tôn trọng con.
Nghiêm khắc đừng quên tôn trọng con
Trông vào gia đình trẻ hạnh phúc của bạn, nhiều người hẳn phải ghen tỵ lắm. Bí quyết nào để Thư và ông xã tạo nên một tổ ấm đáng yêu như vậy?
Thực ra, khi còn trẻ tôi cũng chưa có khái niệm về gia đình sau này như thế nào. Tuy nhiên, trong lòng luôn mong muốn sẽ có một tổ ấm hạnh phúc, người chồng có trách nhiệm với vợ con và những đứa con đáng yêu. Nhưng từ khi có con, tôi cảm nhận được sợi dây gắn kết giữa mẹ với con, tình yêu thương dành cho người bạn đời của mình. Mọi cảm nhận rõ ràng hơn, biết thế nào là tình cảm với đứa con ruột thịt do mình sinh ra. Tôi nghĩ cũng không có bí quyết gì nhưng quan trọng nhất là cứ hết lòng vì gia đình thì tổ ấm sẽ luộn rộn ràng tiếng cười. Cuộc sống gia đình ai cũng vậy, không thể tránh khỏi những xích mích nhỏ nhặt nhưng phải biết nhường nhịn nhau. Hồi còn yêu nhau, tôi với ông xã cũng hay tranh cãi nhưng từ khi có con luôn xác định rằng không bao giờ tranh cãi trước mặt con.
Gia đình hạnh phúc của Hà Thư khiến nhiều người ngưỡng mộ
Nhiều người vào Facebook hỏi về kinh nghiệm dạy con của Thư, trao đổi về cách chăm con, hẳn là Thư có một kho kinh nghiệm về cách nuôi dạy con?
Tôi không ngờ mình lại thích thú và đam mê với việc chăm con đến như vậy. Ngay từ khi mang bầu, Thư đã tìm đọc các tài liệu, sách báo làm sao để chăm sóc sức khỏe mẹ bầu và con, cách nuôi con khi sơ sinh, làm sao để trẻ phát triển tốt nhất về thể lực và trí tuệ… Quan điểm của tôi là ở giai đoạn nào của con sẽ tìm hiểu các kiên thức có liên quan đến giai đoạn đó. Hiện nay, sách báo rất nhiều, có nhiều quan điểm khác nhau về cách chăm con, cho nên điều quan trọng là sự chọn lọc. Với Thư, không bao giờ chỉ đọc một nguồn tham khảo, cần tìm hiểu nhiều ý kiến để chọn lọc ra phương pháp tối ưu và hợp lý nhất với con.
Được biết, mẹ của Thư rất kỹ tính trong việc chăm con. Phải chăng điều này đã có ảnh hưởng đến việc chăm con của bạn?
Có thể nói mẹ dành tất cả tâm và sức để chăm sóc cho hai chị em Thư. Lúc còn bé, chưa hiểu hết được sự quan tâm của mẹ nên có lúc cảm thấy đó là sự lo lắng thái quá. Tuy nhiên, từ khi có con, Thư đã dần hiểu những gì mẹ dành cho mình. Mẹ lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ, khuyên răn nhiều cũng là vì con mà thôi. Sự dạy dỗ của mẹ cũng giúp tôi có được những bài học quý báu, kinh nghiệm hay để áp dụng vào việc dạy con hiện tại. Mẹ tôi là một người nghiêm khắc khi dạy con, nhưng lại rất tôn trọng con. Chính vì vậy mà Thư cảm thấy mẹ như là người bạn để chia sẻ, tâm sự tất cả mọi chuyện xung quanh cuộc sống.
Lần đầu làm mẹ nhưng Hà Thư đã nổi tiếng rất "mát tay" trong việc chăm con
Thư có nói mẹ của bạn nghiêm khắc nhưng tôn trọng con, vậy theo bạn để có được điều này, phụ huynh cần nằm lòng điều gì?
Để có được sự nghiêm khắc nhưng tôn trọng con thì bố mẹ phải rèn luyện sự kiên nhẫn. Trong việc nuôi dạy con, sự kiên nhẫn là không thể thiếu được. Thư có đọc một số tài liệu nói về sự kiên nhẫn khi nuôi con. Trước đây, những tháng đầu bé ngủ ngày thức đêm, có lúc Thư cảm thấy rất mệt mỏi. Thậm chí, khi không giữ được bình tĩnh đã quát con nhưng khi đọc các tài liệu thì biết được điều đó là không nên. Trẻ con dù chưa hiểu hết thế giới xung quanh nhưng đã cảm nhận được nhiều thứ. Sự quát mắng đó sẽ để lại trong tâm trí trẻ những ấn tượng không hay.
Một điều không khó để nhận ra là ai cũng nói cần kiên nhẫn để dạy con nhưng có được sự kiên nhẫn thế nào mới là quan trọng, theo Thư bằng cách nào để có sự kiên nhẫn?
Tôi rèn cho mình sự kiên nhẫn khi chăm con bằng cách nghĩ về các câu chuyện mà mình từng đọc. Có nhiều bà mẹ bất hạnh hơn mình, cũng có bà mẹ phải chăm con ốm đau trong bệnh viện một thời gian dài… cho nên bản thân mình được chăm con, lo lắng cho con,chứng kiến sự lớn lên của con là niềm hạnh phúc không gì sánh được và sự mệt mỏi mà mình trải qua không là gì hết so với niềm hạnh phúc mà con mang lại.
Trong việc nuôi con, muốn nghiêm khắc nhưng vẫn tôn trọng con có vẻ không dễ, bạn có thể bật mí một chút về cách của bạn để làm được điều này?
Ngay bây giờ, khi nhận thức của con còn non nớt, chưa diễn tả được điều mà bé mong muốn. chưa có nhiều tương tác với bố mẹ, Thư vẫn chú ý từng hành động của cháu để phán đoán. Ví dụ như khi bé khóc có thể là đau bụng, bị đói hoặc tã bẩn, nóng lanh. Nếu kiểm tra các vấn đề trên mà không có thì mẹ nên dỗ dành một lúc trẻ sẽ hết khóc. Bản thân Thư luôn chú ý xem bé đang cần gì, muốn gì ở bố mẹ và gia đình. Quan niệm của tôi là không bế ẵm, không đưa nôi mà để bé tự đi vào giấc ngủ, tuy nhiên nếu ở bên cạnh con để vỗ về đến khi bé đi vào giấc ngủ, giúp bé có cảm giác an toàn, được che chở.
Theo Hà Thư, cha mẹ cần kiên nhẫn với con nhỏ, nghiêm khắc nhưng vẫn tôn trọng con
Cho con phân biệt ngày đêm để giấc ngủ có khuôn khổ
Bạn nói có lúc căng thẳng vì con thức đêm ngủ ngày, Thư đã đưa cháu vào khuôn khổ giấc ngủ bình thường như thế nào?
Ba tháng đầu tiên, các bé vẫn thường khóc dạ đề, sang tháng thứ tư bố mẹ phải tập cho con đi vào khuôn khổ, tránh thức đêm ngủ ngày. Trẻ sơ sinh thường ngủ ngày rất nhiều, Thư gọi con dậy cho bú nhiều hơn, việc đánh thức trẻ rất khó nhưng bạn thử bật đèn, mở chút nhạc xung quanh để tạo ra tiếng động. Ban đêm tắt đèn, không để nhiều ánh sáng giúp trẻ phân biệt được ngày và đêm, từ đó sẽ định hướng dần giấc ngủ.
Bài chia sẻ 11 điều không nên làm với bé của bạn nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ độc giả, phải chăng bạn là tuýp người nguyên tắc khi chăm con?
Thư chỉ nguyên tắc với những điều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tâm lý, cảm xúc của con thôi. Với 11 điều không nên làm đó, khi đọc kỹ cũng là kinh nghiệm để không áp đặt và hành động làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Có thể những điều đó, có điều nghe qua vô lý và đi ngược lại kinh nghiệm chăm con truyền thống nhưng hãy suy nghĩ lại một chút để nhận ra cái gì nên làm và không nên làm trên cơ sở khoa học.
Thư có nhắc đến việc nên cho con mút tay để bé thấy tự tin, trong khi không ít phụ huynh thường không thích điều này. Bạn đưa ra quan điểm của mình như thế nào?
Khi bé còn nhỏ, chân tay chưa điều khiển khéo léo thì việc duy nhất có thể làm là đưa tay vào miệng, để thấy được mình cũng làm được điều gì đó. Bản thân tôi nghĩ rằng, miễn là rửa sạch tay cho con, cắt móng tay cẩn thận, trừ những bé quá nghiện mút tay sẽ làm cho tay bị sun, nhăn nheo. Cũng có thể do bé mọc răng hoặc sẵn sàng cho việc ăn dặm nên hay cho tay vào miệng, một thời gian sau thói quen này sẽ tự mất đi nên các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng. Mút tay thực chất là một hành vi và nhu cầu tâm lý hết sức bình thường trong quá trình phát triển của trẻ, thậm chí là phương pháp tự an ủi bản thân rất hữu hiệu.
Ngoài cho con mút tay, Thư có bí quyết nào để dạy con sự tự tin, giúp bé không ngại ngùng trước đám đông về sau này?
Tôi cổ vũ bé một cách hợp lý, vừa phải để trẻ thấy được khả năng dù nhỏ của bản thân trước mặt mọi người. Đơn giản thôi, ví dụ khi Thư chơi trùm chăn ú òa cùng bé, khi bé kéo chăn ra được thì sẽ vỗ tay động viên, thậm chí có lúc người lớn chưa kịp vỗ tay thì bé đã vỗ tay trước. Hoặc khi dạy điều gì, bé làm theo hoặc bắt chước được cũng nên khen ngợi bé. Tuy nhiên, bố mẹ không nên khen ngợi con nhiều quá khiến trẻ ảo tưởng về bản thân.
Boon rất nhanh nhẹn và hoạt bát.
Cho con ăn bốc để rèn sự khéo léo của tay
Chuyện ăn uống của bé nhà Thư như thế nào, một thực đơn có nguyên tắc hay là kết hợp nhiều phong cách?
Tôi cho ăn kết hợp nhiều kiểu khác nhau. Từ 5-7 tháng cho trẻ ăn dặm theo kiểu Nhật, sau đó ăn theo cách truyền thống có thể trộn nhiều thứ khác nhau đảm bảo mỗi bữa có đủ rau, tinh bột… giúp bé ăn ngon miệng. Sự thay đổi giúp bé không bị ngấy, tôi sẵn sàng cho con ăn bốc nhưng khi ăn cần phải tập trung.
Bạn nói cho con ăn bốc, phải chăng điều này cũng có mục đích để rèn cho bé điều gì?
Thư đọc một số tài liệu có nói trẻ ăn bốc sớm biết đi, biết nói… nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất, tôi tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con. Nhưng cho con ăn bốc sẽ rèn cho bé được sự khéo léo của đôi tay, biết cầm, biết đưa vào miệng và biết nhai. Hiện nay, có nhiều bé ở Việt Nam ăn cháo xay nhiều quá nên sau này không biết nhai kỹ. Cũng may mắn là bé nhà Thư dễ ăn, khi ăn tập trung. Tôi không nhờ đến hoạt hình, máy tính, điện thoai… trừ những tuần khủng hoảng của bé sẽ có sự thay đổi một chút.
Được biết, bé Boon biết nói sớm, kinh nghiệm của gia đình Thư là gì?
Bé nhà Thư biết nói sớm cũng nhờ khả năng của cháu. Tuy nhiên, có lẽ một phần là do gia đình Thư vẫn hay trò chuyện với cháu, có thể còn bé nhưng phần nào sẽ cảm nhận được. Những lúc rỗi, Thư vẫn chỉ cho cháu cái đèn, tivi, cái quạt, cuốn sách… Đặc biệt, lúc còn mang thai, Thư và chồng rất hay trò chuyện với con, điều này cũng tạo ra sợi dây liên kết tình cảm.
Nhẹ nhàng giúp bé vượt tuần khủng hoảng (wonder week)
Thư có nhắc đến tuần khủng hoảng (wonder week) của trẻ, bạn có thể chia sẻ một chút về sự thay đổi của bé trong những tuần này?
Những tuần khủng hoảng đó bé sẽ quấy khóc hơn, bám mẹ nhiều hơn, cảm giác yếu ớt hơn, nũng nịu hơn. Những thời gian đó, Thư nhẹ nhàng và chiều con hơn. Bởi, khi con đã có nếp quen rồi thì sự chiều chuộng một chút cũng không làm ảnh hưởng đến thói quen của bé.
Trẻ dưới 2 tuổi có giai đoạn wonder weeks và sunny weeks. Trong đó, wonder weeks diễn ra ở tuần thứ 8, 12, 17, 26, 37, 44, 55… với bé nhà Thư sau mỗi tuần wonder weeks cháu học được thêm kỹ năng mới. Tuần khủng hoảng là bên trong bé có sự thay đổi nên có biểu hiện ra bên ngoài. Thực chất, bé sẽ phát triển tốt hơn sau đó nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Sunny weeks sẽ là tuần bé phát triển về cả tâm lý và các kỹ năng, ăn ngủ tốt. Ví dụ như con tôi, sau wonder weeks đầu tiên giúp bé biết lẫy, lần thứ hai biết bò và lần thứ ba biết đứng lên…
Ông xã chị Hà Thư và bé Boon trong chuyến du lịch tới Phnompenh (Campuchia)
Như vậy, khi bé ở trong tuần khủng hoảng nên nhẹ nhàng, chiều chuộng một chút, nếu bố mẹ vẫn giữ cách ép con ăn uống như bình thường liệu có nên?
Nếu ép buộc con theo ý mình sẽ tạo cho bé sự phản kháng, ức chế. Do trong bé có những thay đổi nên trẻ không nghe theo mình. Cho nên sự khéo léo, chiều chuộng một chút, nhẹ nhàng là không thể thiếu được. Ví dụ bé ăn ít trong những tuần wonder weeks thì không nến ép, vì sau khi kết thúc tuần khủng hoảng cháu sẽ ăn uống trở lại bình thường.
Làm vợ của phi công hay đi công tác hẳn là Thư cũng phải xác định tâm lý rõ ràng nhưng bạn làm thế nào để vượt qua những lúc khó khăn mà chồng không ở bên cạnh?
Hà Thư và chồng
Giai đoạn khó khăn nhất là chồng đi công tác khi Thư còn mang bầu em bé. Lúc đó cảm giác nhớ nhung và buồn chán, may mắn là chồng tôi tâm lý nên biết chia sẻ và động viên. Từ khi có con, Thư đã quen dần với việc chồng đi công tác. Là một người mẹ trẻ, chăm con không đơn giản nhưng tôi chưa cảm thấy quá sức. Tôi vẫn tâm sự, chia sẻ với chồng khi anh ấy rỗi. Đó không phải là sự than vãn nhưng khi nghe chồng khen, động viên… bản thân mình có thêm động lực để cố gắng.
Tôi không khuyên mọi người than vãn nhưng nếu chồng biết lắng nghe thì cũng có thể giãi bày một chút, chứ không nên tự mình chịu đựng quá, làm cho bản thân cảm thấy khủng hoảng vì stress, sẽ không tốt cho bản thân và ảnh hưởng đến em bé. Vì người phụ nữ cho con bú nếu căng thẳng hoặc quá mệt mỏi sẽ dẫn đến tình trạng mất sữa.
Xin cảm ơn Hà Thư đã chia sẻ!