Nghe lý lẽ của một bà mẹ chăm con đi ngược truyền thống vẫn khéo thuyết phục ông bà.
Quan niệm về chăm sóc con trẻ giữa hai thế hệ luôn khiến rất nhiều bà mẹ trẻ đau đầu. Đi ngược lại cách chăm con truyền thống nhưng mẹ Boon luôn có cách giải thích rất khoa học và làm hài lòng bố mẹ chồng. Cùng nghe xem mẹ Boon có những lý lẽ và lập luận thế nào để thuyết phục ông bà đồng ý với 11 điều không nên khi chăm trẻ sơ sinh:
Thật sự mình cũng làm mẹ lần đầu, nói là kinh nghiệm thì chẳng bằng ai được nhưng được cái lại có sở thích đam mê đặc biệt với các tài liệu về chăm sóc nuôi dạy trẻ! Mình xin tổng hợp lại một số kiến thức mình thu thập được, và đã áp dụng với con mình để chia sẻ với các chị em. Hầu hết những kiến thức này đều đi ngược lại cách chăm con truyền thống nhưng có cơ sở khoa học rõ ràng, rất hữu ích để cho ông bà các bé tham khảo. Vì bản thân mình cũng từng phải rất kiên nhẫn thuyết phục ông bà Boon chấp nhận những kiến thức này bởi nó khác hẳn với quan niệm bao lâu nay.
1. Không cho em bé (dưới 2 tuổi) nằm gối vì:
Bố mẹ thường nghĩ, kê những chiếc gối cho trẻ sơ sinh sẽ khiến bé dễ chịu và ngủ ngon hơn, nhưng thực chất các bé không hề cần đến gối. Xương sống của trẻ lúc mới sinh là đường thẳng, tức là đầu và lưng phải thẳng với nhau. Do đó khi gối đầu, cổ sẽ bị quẹo, xương sống bị thay đổi hình dạng, khiến khó hô hấp và nuốt thức ăn.
Cách của mẹ Boon: Gấp cái khăn xô tắm của con làm 4, kê cho con nằm vừa êm vừa thấm mồ hôi. Trẻ nhỏ ngủ rất hay ra mồ hôi ở đầu, lưng, gáy nên cho bé mặc thoáng mát và ko đội mũ.
2. Không cho trẻ sơ sinh nằm nôi rung với dao động mạnh, đưa võng quá nhanh hay bế bé đung đưa, rung lắc để ru ngủ vì:
Trẻ em dưới 1 tuổi não vẫn đang trong quá trình phát triển, chưa ổn định trong hộp sọ. Thời kỳ sơ sinh, vỏ não và thể vân mới chưa phát triển. Sự phát triển quan trọng nhất là sự myelin hoá các tổ chức thần kinh và những biến đổi ở vỏ não. Não của trẻ sơ sinh chưa trưởng thành vì chưa được myelin hoá. Myelin là chất béo bao bọc xung quanh dây thần kinh. Myelin hoá bắt đầu từ tháng thứ tư của phôi và đến 4 tuổi mới hoàn chỉnh. Chất myelin bảo vệ sự phân tán của xung động điện, duy trì tốc độ dẫn truyền điện thế hoạt động của trục thần kinh. Tế bào thần kinh sẽ không hoạt động nếu không được myelin hoá hoàn toàn. Cân nặng của não nặng lên là do thần kinh được myelin hoá. Chậm sự myelin hoá sẽ làm chậm sự phát triển, chậm đi, chậm đọc, chậm học. Nằm nôi nhiều tăng nguy cơ cong, vẹo cột sống Bên cạnh đó, lưới mao mạch trong não trẻ sơ sinh phát triển mạnh, mạch máu quanh não thất là tổ chức non yếu, cấu tạo thành mạch máu còn mỏng manh nên dễ bị xuất huyết não. Về thành phần hoá học, não trẻ em hơi khác so với người lớn, não trẻ em nhiều nước hơn, nhiều protid, ít lipid.
Mình luôn hạn chế tối đa việc ru con ngủ bằng cách rung lắc.
3. Không nên cho trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng uống nước vì:
Kích thước dạ dày trẻ sơ sinh còn rất nhỏ. Việc uống thêm nước sẽ làm đầy dạ dày, khiến bé no và không chịu bú sữa mẹ. Bé được cho uống một lượng nước dù nhỏ cũng gây đầy bụng và không còn thèm sữa như trước. Do đó, lượng hấp thu sữa cũng giảm. Cho uống nước đường trong tuần đầu còn gây sụt cân và bệnh tật về sau. Ngoài ra, nước còn có thể là mầm gây bệnh cho trẻ nếu nguồn nước không an toàn, sạch sẽ. Nguy cơ bị tiêu chảy do môi trường thiếu vệ sinh ở trẻ sơ sinh cao hơn do hệ miễn dịch của bé vẫn còn yếu. Trong khi đó, nguồn nước mà bé hấp thu trong sữa mẹ là sạch sẽ và đầy đủ nhất. Trẻ uống thêm nước có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn hai đến ba lần so với những trẻ chỉ bú sữa mẹ.
Cách của mẹ Boon: Nếu bé không bú mẹ mà ăn sữa ngoài thì sau mỗi lần bú chỉ nên cho con nhấp nửa thìa nước lọc là đủ. Nếu sợ cặn thì rơ lưỡi cho con mỗi ngày 2 lần, với nước muối sinh lý.
4. Không nên cho bé dưới 1 tuổi uống mật ong vì:
Khi cho trẻ sơ sinh ăn mật ong, vi khuẩn có trong đó sẽ khu trú trong ruột và tạo ra chất độc nguy hiểm có tên Botulinumtoxin rất hại cho trẻ.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của mẹ Boon thì mật ong hấp nóng lên sẽ diệt khuẩn, có thể pha loãng cho bé uống, sẽ tiêu đờm giảm ho rất nhanh và hiệu quả. Boon mấy lần húng hắng ho có đờm chỉ uống đến ngày thứ 2 là đỡ rất nhiều.
5. Không nên cấm trẻ ngậm mút tay vì:
Không được tự do mút tay làm mất sự tự tin ở trẻ. Nếu cha mẹ ngăm cấm trẻ mút tay sẽ khiến chúng nảy sinh tâm lý phản kháng, thậm chí hình thành tính cách “công kích” lại cha mẹ. Mút tay thực chất là một hành vi và nhu cầu tâm lý hết sức bình thường trong quá trình phát triển của trẻ, thậm chí là phương pháp tự an ủi bản thân rất hữu hiệu.
Cách của mẹ Boon: Bạn Boon chỉ bị lôi tay ra khi vừa ăn no, dễ oẹ nếu thọc sâu vào. Còn bình thường cho mút thoải mái. Boon tự cai khi tầm 5-6 tháng.
Con mút tay nhìn đáng yêu thế này thì mẹ nào nỡ cấm.
6. Không ninh hầm xương ống cho bé ăn vì:
Lượng canxi từ xương ống rất ít, mà đó cũng là canxi vô cơ - không tốt cho sức khoẻ của trẻ. Chất béo trong tủy xương ống là chất béo no khiến các cháu ăn vào bị đầy bụng, khó hấp thu các chất dinh dưỡng khác. Nên dừng ngay việc cho trẻ ăn bột quấy với nước hầm xương bởi ăn như vậy không giúp bổ sung canxi mà còn làm trẻ bị thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Cách của mẹ Boon: Để vẫn đảm bảo có nước dùng ngọt, mình hay hầm thịt nạc vai heo hoặc thịt bò cho con. Thỉnh thoảng có thể thay đổi bằng nước dashi kiểu Nhật. Coi như dùng thay hạt nêm.
7. Không pha sữa công thức bằng nước cơm, cháo vì:
Trong sữa bò có nhiều vitamin A, còn trong nước cơm và cháo chủ yếu là chất bột với chất lipoxidase – một loại chất sẽ phá hủy vitamin A. Pha thêm nước cơm hoặc cháo vào sữa vô tình mẹ đã làm mất đi lượng vitamin A rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Thêm vào đó, tinh bột trong cháo, nước cơm sẽ cạnh tranh hấp thu với canxi. Trẻ có thể chậm tăng trưởng chiều cao, chậm mọc răng, ngủ trằn trọc, khóc đêm,... do kém hấp thu canxi trong sữa.
Cách của mẹ Boon: Bạn Boon bú mẹ hoàn toàn và ăn dặm lúc 5 tháng, bắt đầu bằng sữa chua. Sau đó là Ăn dặm kiểu Nhật với rau củ, cháo rây... Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ làm hỏng dịch vị dạ dày.
8. Không cho trẻ dưới 1 tuổi uống nước hoa quả vì:
Trẻ sơ sinh tiêu thụ nhiều nước ép trái cây mỗi ngày sẽ có liên quan tới việc chậm phát triển chiều cao, béo phì, sâu răng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy mãn tính, tăng nguy cơ của bệnh tiểu đường loại 2 và không phát triển mạnh trong những năm sau.
Cách của mẹ Boon: Trẻ có thể uống nước trái cây khi được 6 tháng tuổi nhưng phải pha loãng, bởi nước trái cây có nhiều đường thường dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa, trong khi các loại nước ép rau quả thường có nhiều muối và có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận ở trẻ.
Bạn Boon ngủ ngoan trên vai mẹ
9. Không nêm mắm muối vào đồ ăn dặm cho bé vì:
Chức năng thận của trẻ dưới 1 tuổi rất non nớt và việc nạp quá nhiều muối có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở thận. Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ. Nêm muối, mắm khi nấu bột, cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi trẻ lớn hơn. Hậu quả là bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch trong tương lai.
Nhu cầu muối của trẻ như thế này: Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần ít hơn 1g muối/ngày. Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi nhu cầu muối khoảng 1g. Trẻ trên 1 tuổi cần khoảng 2g. Trong khi đó, ở các thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc, hoa quả, thịt gia cầm, cá, trứng, rau tươi đều có 1 lượng muối nhất định. Với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi, lượng muối trong các thực phẩm này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu muối của cơ thể trẻ.
Cách của mẹ Boon: Từ khi Boon tròn 9 tháng, mình bắt đầu thêm 1-2 giọt mắm cho trẻ em khi chế biến các món tanh như cá, lươn, trứng và phi thơm với hành để có mùi vị thơm hơn.
10. Không nên quát nạt, giật đồ chơi của bé vì:
Quát nạt sẽ khiến bé có tâm lý phản kháng, cáu gắt. Mình đã từng được đọc: Với trẻ nhỏ - Giờ nào cũng là giờ chơi - Chỗ nào cũng là chỗ chơi - Cái gì cũng là đồ chơi - Ai cũng là bạn chơi. Do đó bé không thể biết đồ vật nào nên chơi, đồ vật nào nguy hiểm, độc hại.. Khi bé chơi những món đồ không phù hợp, bố mẹ nên nhẹ nhàng xin lại và đưa cho bé 1 đồ chơi khác. Bé còn nhỏ xíu chẳng hiểu gì nhưng thấy bố mẹ nhẹ nhàng dỗ dành nựng nịu cũng sẽ vui vẻ hợp tác thôi.
Không bị mẹ quát nạt nên lúc nào bạn Boon cũng cười tươi như thế này đấy
11. Không cho bé dưới 1 tuổi uống sữa tươi vì:
Dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa của bé không sẵn sàng cho quá trình tiêu hóa với sữa bò. Các protein có trong sữa bò có thể gây khó khăn trong việc tiêu hóa và có thể khiến việc tiêu hóa ở trẻ gặp trục trặc. Ngoài ra, nếu để cho trẻ uống một số lượng lớn sữa bò thì chúng còn có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày của bé, dẫn đến chảy máu nghiêm trọng bên trong dạ dày vì các chất sắt trong cơ thể trẻ sẽ bị tan nhiều trong máu.
Sữa bò còn được biết đến như một thủ phạm ngăn chặn sự hấp thu sắt – loại chất rất cần thiết cho máu của bé. Sắt giúp tạo ra các tế bào máu mới và vận chuyển ôxy trong tế bào. Kết quả là uống nhiều sữa bò khiến chất sắt giảm, làm giảm tế bào hồng cầu và giảm vận chuyển ô xy đi khắp cơ thể. Điều này khiến trẻ dễ bị mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Cách của mẹ Boon: Bổ sung các sản phẩm từ sữa bò như sữa chua, váng sữa, phô mai là các sản phẩm đã qua chế biến nên có thể cho bé dùng khi đc 4-6 tháng.
Tên mẹ: Trần Hà Thư Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng Tên bé: Đinh Lâm Thái Tên ở nhà: Boon Tuổi: 11 tháng Cân nặng: 11kg Chiều cao: 78cm |