Tôi cũng không thể ngờ mẹ chồng lại có những suy nghĩ như vậy.
Tôi lấy chồng quê Nam Định nhưng hai vợ chồng sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chúng tôi "kế hoạch" 3 năm sau đó mới bắt đầu thả, thật may là đậu luôn. Trước khi đón con sơ sinh chào đời, vợ chồng tôi chuẩn bị tươm tất từ nhà cửa, tài chính đến những tips chăm sóc trẻ sơ sinh sao cho tốt nhất. Thế nên việc tôi cẩn thận khi lần đầu có con chẳng biết là đúng hay sai mà vô tình khiến mẹ con bà cháu bất hòa.
Chẳng là con trai của tôi mới sinh được 2 tháng, vợ chồng bảo nhau cẩn thận cho bé từ mọi phương diện để không có chuyện gì hối tiếc xảy ra. Nhưng không phải ai trong nhà cũng đồng tình những việc này, nhất là mẹ chồng gần 70 tuổi của tôi.
Ảnh minh họa
Cuối tuần trước bà từ dưới quê đi gần 200 cây số lên thăm cháu mà chỉ vì một chút bất đồng mà đòi về luôn. Chẳng là khi mẹ chồng tôi ở quê lên thì cũng xách ít đồ nhà quê làm quà như rau, thịt bò, cá ao nhà và nguyên 1 con gà còn sống để lên đây làm thịt cả nhà ăn. Để chuẩn bị những thứ đó cộng với đi đường xá xa xôi quần áo cũng lấm lem bụi bặm nên tôi đẫ lường trước mọi việc. Khi bà vừa bước chân vào đến nhà, tôi đã nhắc khéo léo:
- Mẹ vừa lên thì mẹ cứ nghỉ ngơi tắm rửa đi chút đã cho sạch sẽ sau rồi mới ôm cháu mẹ nhé.
Câu nói của tôi khiến bà phạt lòng nhưng bà cũng làm theo.
Sau khi thay quần áo sạch sẽ bà bước vào phòng bế cháu nội. Vừa mới bế cháu nội lên tay và đã thơm nấy thơm để khiến tôi phải nhanh tay giật lại:
- Con đã dặn mẹ là ôm bế không được thơm hôn gì cháu, cái này rất nguy hiểm nhưng mẹ chẳng chịu nghe lời gì cả. Tới lúc cháu bị bệnh thì chúng con biết làm sao.
- Ôi chao, mẹ dạo này khỏe mạnh mà, mẹ có làm sao đâu mà lo lắng quá vậy. Nhìn thấy nó yêu như thế thì làm sao mà không hôn cho được. Mẹ nhớ rồi, lần sau mẹ sẽ không ôm hôn nữa.
Thế nhưng vừa trao cháu vào tay, mẹ chồng tôi đã vừa cưng nựng đứa nhỏ vừa liên tục nói:
- Ôi tóc nó dài như thế này mà không cắt cho nó đi, cạo trọc đi là mát nhất mà đỡ bị mồ hôi. Rồi cái mặt này nhiều mụn cà mụn kê như thế này thì phải bôi thuốc mát vào cho nó chứ sao lại để thế này. Trời đang gió mùa, mặc ấm thêm vào nhé.
Nói xong mẹ chồng lấy thêm 2 cái khăn quấn chặt lấy người cháu vì sợ cháu lạnh. Tôi thấy vậy liền nhanh chóng giật lại:
- Mẹ ơi trời lạnh nhưng trong nhà ấm lắm, mẹ đừng quấn nhiều như thế cháu sẽ nóng, mọc hết mụn trên người rồi đây này. Với cả không nên cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh, cứ để đấy đầy tháng rồi con cắt, mẹ không được tự ý cắt đâu nhé.
Câu nói của tôi khiến bà bỗng bùng sự tức giận lên. Bà trả lại con cho tôi rồi vùng vằng:
- Cá không ăn muối cá ươn, tôi nói cái gì chị cũng không nghe cứ đòi nuôi con theo cái kiểu của nhà chị mà không biết rằng tôi đây mới một bồ kinh nghiệm. Đã thế tôi không quan tâm nữa, anh chị muốn nuôi con kiểu gì thì nuôi, cháu tôi coi như nó khổ vậy.
Ảnh minh họa
Rồi bà vùng vằng xách túi ra bến xe mặc cho chồng tôi cản lại. Lúc này hai vợ chồng tôi lại cãi nhau:
- Anh biết rằng có nhiều cái mẹ nói không đúng nhưng em cũng không nên nói thẳng như thế mất lòng bà. Bà về rồi đấy, chắc em đã hài lòng.
- Anh nói thế là ý gì, em làm thế là để bảo vệ con mình chứ em đâu làm cho mình em đâu mà anh lại nói vậy. Nhỡ sau này con có làm sao thì lúc ấy anh hối hận có kịp không?
Hai vợ chồng tôi thành ra giận nhau mấy hôm nay, gọi điện về mẹ chồng cũng không thèm nghe máy. Tôi không biết những sự cẩn thận của mình liệu có hơi quá đáng không.
Tâm sự từ độc giả vyan.....@gmail.com
Trên thực tế việc chăm sóc và bảo vệ em bé là vô cùng quan trọng, cần sự đồng tình và thực hiện của tất cả các thành viên trong gia đình. Việc này cần làm khéo léo để không khiến mọi người cảm thấy khó chịu, làm ảnh hưởng mối quan hệ giữa mọi người và gia đình.
Thông thường, những điều sau đây được các bác sĩ chuyên nhi khoa khuyến cáo khi chăm sóc trẻ sơ sinh:
Đừng để bất cứ ai hôn em bé
Nghe như một truyền thuyết dân gian, nhưng đó là sự thật. Trong những tuần đầu đời của bé, tiếp xúc với vi khuẩn và vi trùng có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe. Hôn (và không rửa tay) có thể dẫn tới những căn bệnh không mong muốn bởi hệ thống miền dịch của trẻ còn quá yếu để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật.
Là cha mẹ, bạn hãy yêu cầu mọi người không được hôn em bé, rửa sạch tay trước khi bế và quay trở lại thăm bé vào lần sau nếu bị bệnh. Tránh đưa con bạn đến những nơi đông đúc - nơi có nguy cơ cao khiến bé nhiễm bệnh. Chẳng bao lâu nữa đâu, bé yêu sẽ sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu, còn hiện giờ, điều bạn cần là phải kiên nhẫn.
Đừng thay đổi mọi thói quen sống trong ngôi nhà
Có thể bạn cần dành nhiều sự quan tâm, tập trung cao độ cho bé, nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải phá vỡ đi nhịp sống thường ngày của gia đình. Không cần thiết phải đóng hết cửa sổ hoặc rèm cửa để em bé ngủ ngon hơn, cũng không cần phải nhắc mọi người giữ trật tự bằng cách tắt tivi, dừng những cuộc nói chuyện chỉ vì bé đang ngủ. Trong buổi tối, hãy cố giữ thói quen hằng ngày của bạn. Mọi người cùng đi ngủ, và tắt đèn như bạn vẫn thường làm để bé quen với giờ giấc sinh hoạt. Đừng lo lắng về việc những tiếng động được tạo ra sẽ quấy rầy giấc ngủ của bé. Để bé càng sớm làm quen với những tiếng ồn trong ngày, bé sẽ càng dễ dàng chấp nhận chúng.
Đừng để tã bẩn quá lâu
Điều này dường như quá hiển nhiên, nhưng điều quan trọng là bạn phải GHI NHỚ. Đừng tưởng em bé mới đẻ sẽ ít đi vệ sinh, trẻ sơ sinh bài tiết và đi tiểu còn nhiều hơn một đứa trẻ 6 tháng tuổi. Điều này có nghĩa rằng trẻ cần được thay bỉm thường xuyên (và cũng cần được ăn thường xuyên). Luôn nhớ kiểm tra tã để đảm bảo em bé luôn thoải mái. Việc đó cũng sẽ giúp ngăn ngừa sự hăm tã ở trẻ.
Đừng ‘nhồi nhét’ nhiều trang phục cho bé
Trẻ sơ sinh có thể rất dễ bị lạnh, nhưng điều này không quá ‘ghê gớm’ như bạn tưởng. Đúng là trẻ nhỏ không nhận được nhiều hơi ấm từ việc di chuyển, nhưng việc mặc nhiều quần áo dư thừa có thể gây sốt và mất nước cho bé nếu mẹ không cẩn thận. Hãy mặc cho bé nhiều lớp quần áo thay vì những món đồ dày, giúp bạn có thể dễ dàng cởi bỏ bớt hoặc mặc thêm để giữ mức nhiệt độ vừa phải cho cơ thể bé.
Đừng quên những cuộc hẹn đến phòng khám
Dù trời nắng hay mưa, buổi trưa hoặc buổi tối, đừng chần chừ đưa con đến khám bác sĩ ngay nếu bé có vấn đề. Luôn lên lịch các cuộc hẹn thường xuyên và không được bỏ qua chúng. Là người lần đầu làm cha, làm mẹ, có thể bạn sẽ lo lắng ngay cả những điều hoàn toàn bình thường, nhưng chỉ những người có chuyên môn mới có thể đảm bảo điều đó. Bác sĩ sẽ làm rạch ròi những điều bình thường hay bất thường, hãy giao phó vấn đề cho họ.
Danh sách trên có thể còn dài hơn nữa, nhưng đây là một số điều quan trọng cần ghi nhớ khi bạn đang mải ôm ấp và cười rúc rích với thiên thần nhỏ của mình. Còn điều gì đáng quý hơn là bảo vệ ‘cục vàng’ bé bỏng ấy?