Để trẻ biết vâng lời, thầy/cô giáo dạy tiểu học có phương pháp rất đơn giản.
Các mẹ có khi nào tự hỏi, tại sao các cô giáo tiểu học có thể một mình vừa giảng dạy vừa quản lý cỡ khoảng 20 cô cậu học trò tinh nghịch, lắm chiêu nhiều trò và cũng hay nũng nịu… Đó không chỉ là nghệ thuật nắm bắt tâm lý trẻ em mà còn là những phương pháp giáo dục hiệu quả.
Cùng học lỏm 13 chiêu cực hay của các thầy cô để con bạn biết nghe lời hơn dưới đây nhé:
Khi trẻ làm sai
1. Nếu trẻ làm sai: hãy cho trẻ cơ hội làm lại cho đúng
Thông thường trẻ biết làm việc này hay việc kia là không đúng nhưng trẻ vẫn làm nếu như không có mặt bạn ở đó. Như vậy, rõ ràng là trẻ không nghe lời, nhưng bạn cũng đừng mắng mỏ con bởi việc chỉ cần nhìn thấy gương mặt không hài lòng của bạn thôi là đã có tác dụng rồi. Thay bằng việc quát nạt con thì bạn hãy yêu cầu con làm lại cho đúng. Tất nhiên, nếu con không biết sửa sai thì mẹ vẫn có thể áp dụng những biện pháp trừng phạt ví dụ như không cho con xem phim hoạt hình vào cuối tuần chẳng hạn.
2. Nếu trẻ làm sai: đừng nhìn trẻ với ánh mắt chán ghét và trách móc
Hãy luôn là một người mẹ kiên nhẫn để giải thích cho con hiểu ngọn ngành thay vì chỉ dành cho trẻ những ánh nhìn thiếu thiện cảm. Bạn hãy nói với con là “Con phải uống thuốc để nhanh khỏi ốm và để không lây cho các bạn khi con đến lớp”. Như vậy, trẻ sẽ hiểu rõ được lý do, uống thuốc không chỉ tốt cho mình mà còn không gây ảnh hưởng cho người khác.
Nếu trẻ làm sai, đừng nhìn trẻ với ánh mắt chán ghét khiến trẻ thất vọng (Ảnh minh họa).
3. Đơn giản chỉ là sự hiện diện của bạn
Theo chia sẻ của một giáo viên lớp 3, cô không cần phải nói bất cứ điều gì, cô chỉ cần tiến gần đến cậu học sinh đang đùa nghịch hay nói chuyện riêng trong lớp và đặt khẽ tay lên bàn của cậu là lại nghiêm túc trở lại. Tương tự như vậy, khi ở nhà với mẹ, nếu quan sát con từ xa hay nhìn con từ ngoài cửa vào (và trẻ hoàn toàn không biết điều đó) thì các mẹ có thể thấy con đang ngồi vẽ nguệch ngoạc thay vì làm bài tập. Nhưng chỉ cần biết là có mẹ đang quan sát thì con sẽ lại tập trung vào bài tập ngay.
4. “Hạ thấp mình” khi nói chuyện với con trẻ
Theo một chuyên gia tư vấn giáo dục cũng từng là một giáo viên lâu năm của Mỹ thì: Trong khi phụ nữ có xu hướng đứng, thì nam giới thường quỳ xuống để ngang bằng khi nói chuyện với trẻ em. Lời khuyên cho các mẹ là hãy khụy gối và hạ thấp mình cho mỗi cuộc đối thoại với trẻ để tạo cảm giác được trân trọng và gần gũi cho trẻ.
5. Hướng dẫn trẻ sử dụng quyền lực đúng lúc, đúng chỗ
Con bạn là một cô/ cậu bé bạo dạn và có khả năng chỉ huy các bạn khác ngay từ nhỏ, bạn nhận thấy bé rất có tố chất của một người lãnh đạo. Để tránh cho trẻ lạm dụng khả năng của mình vào những việc xấu, thay vì việc bắt nạt bạn bè, mẹ hãy hướng dẫn con thể hiện vai trò lãnh đạo khi tổ chức một trò chơi hay khi cần tập hợp các bạn cùng lớp. Hãy nói với con: “Con có cá tính rất mạnh mẽ và hoàn toàn có khả năng trở thành một vị tướng trong tương lai. Nhưng kể cả làm tướng thì con cũng cần được cấp dưới yêu quý và nể trọng. Vì vậy, hãy hành động như một vị tướng thực sự ngay từ bây giờ thông qua việc tôn trọng các bạn cùng lớp, lắng nghe họ và chỉ sử dụng khả năng chỉ huy của mình khi cần”.
Khi trẻ không chịu lắng nghe
6. Thay vì ra lệnh cho con hãy nói một lời đề nghị lịch sự
Đôi khi bạn cảm thấy bất lực trước cố gắng yêu cầu con làm theo mong muốn của bạn, ví dụ như việc bắt trẻ ngồi yên vào bàn để ăn bữa tối. Mẹ hãy thử nói: “Lại đây ngồi cùng mẹ ăn tối đi con” thay vì quát lên rằng “Ngồi vào bàn ăn tối”. Điều đó có nghĩa rằng mẹ đang bật đèn xanh cho một sự hợp tác chứ không phải khơi ra một cuộc đối đầu giữa hai mẹ con. Thêm vào đó, mẹ có thể đưa tay đón con vào bạn thì hiệu quả sẽ đúng theo sự mong đợi của bạn.
Khi trẻ không chịu lắng nghe, thay vì ra lệnh hãy nói một lời lịch sự với con (Ảnh minh họa).
7. Dứt khoát trong ngôn ngữ dùng với trẻ
Mẹ nên nói với con rằng “Được, hôm nay hai mẹ con sẽ cùng dọn dẹp nhà cửa” và cần tránh diễn đạt theo kiểu: “Uhm, mẹ nghĩ có lẽ hôm nay,…”. Hãy nói mạch lạc những gì mà bạn cần con làm với thái độ của một người cổ động viên nhiệt tình, lạc quan và vui vẻ.
8. Gọi tên con trước
Một cách giúp các mẹ không phải nói đi nói lại với con bất cứ điều gì đó là gọi tên con, sau đó mới nói những gì bạn muốn. Nếu bạn nói “Đi ngủ đi Na ơi” thì em bé của bạn sẽ dễ dàng bỏ qua những gì bạn yêu cầu. Cách hiệu quả đó là: “Na ơi, đi ngủ đi con”.
9. Trao quyền quyết định cho con
Trẻ rất thích cảm giác giống như người lớn, được tự làm một việc gì đó từ đầu đến cuối theo cách của mình. Nếu mẹ giao cho con làm một việc gì đó, hãy để cho con cảm thấy không phải bạn nhỏ nào cũng làm được như con và hãy để con tự quản lý và sắp xếp công việc.
Làm thế nào để ngăn chặn những hành vi không tốt của trẻ
10. Yêu cầu trẻ tuân thủ các nguyên tắc
Ở trên lớp, vào mỗi đầu năm học thầy cô đều phổ biến nội quy lớp học cũng như các phương án khen thưởng, kỷ luật và các trò sẽ theo đó mà thực hiện. Ở nhà, các mẹ cũng nên tạo các quy tắc cho con và phải đóng vai một người giám sát nghiêm khắc.
11. Giao trách nhiệm cho trẻ
Một giáo viên giàu kinh nghiệm cho biết, cô luôn phát hiện khả năng vượt trội của mỗi học sinh để giao các nhiệm vụ thích hợp cho từng cháu để cháu nào cũng cảm thấy mình thực sự là một phần của lớp học. Khi đó, các con hoàn thành nhiệm vụ được giao không phải vì một phần thưởng cụ thể mà là để duy trì lòng tự trọng và sự nể phục của cô giáo cùng các bạn. Các mẹ hãy thử giao cho con trách nhiệm tự dọn dẹp phòng ngủ hay tắt các thiết bị điện khi không sử dụng để thấy hiệu quả của phương pháp này nhé.
12. Áp dụng phương pháp đếm ngược
Nếu hai mẹ con cần phải đi ra ngoài vào lúc 9:20, cách tốt nhất để không bị trễ giờ đó là mẹ hãy áp dụng phương pháp đếm ngược. Hãy nói với con: con phải dọn đồ chơi trước 9:00, con có 10 phút để đi vệ sinh và xỏ giày. Đến 9:15, con phải sẵn sàng áo khoác trên tay để chuẩn bị xuất phát.
13. Thiết lập một không gian tĩnh cho riêng trẻ
Đó nên là một nơi yên tĩnh, không có tivi, không có sự hiện diện của những đứa trẻ khác để em bé của bạn ngồi lại một mình khi cảm thấy buồn hay cũng chính là nơi bạn có thể yêu cầu trẻ ngồi suy nghĩ lại những hành vi sai trái vừa thực hiện. Trường hợp thứ hai không hẳn là một hình phạt, nó đơn giản là giúp trì hoãn một cuộc đối thoại không hay giữa bạn và trẻ trước khi cả hai cùng bình tĩnh lại.