Một số câu nói 'hồn nhiên' của cha mẹ sẽ khiến tình cảm trong con bị rạn nứt.
Nhiều lời nói không chỉ làm tổn thương bé ngay lúc đó mà còn khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tổn hại về lâu dài. Đọc và tránh nhé các mẹ.
Khi giao tiếp với trẻ con, người lớn cần rất chú ý. Ngay cả “bà mẹ hổ” cũng phải đồng ý rằng nói gì với con trẻ, và nói những điều đó như thế nào là cả một vấn đề. Đôi khi, chỉ cần một câu nói đơn giản (theo ý kiến của các bậc cha mẹ) có thể tổn hại đến con và mối quan hệ cha mẹ - con cái về lâu về dài.
“Nói gì mà nói nhiều thế? Bớt nói đi.”
Bạn đang phải căng não nghĩ ra kế hoạch phát triển mới cho nhóm để báo cáo cho sếp. Sắp đến hạn nộp bản kế hoạch nhưng chưa đâu vào đâu cả. Bạn nghĩ đến nó ngay cả lúc ở nhà, lúc nấu ăn, lúc dọn dẹp. Ấy thế mà con cứ léo nhéo hết bắt mẹ nghe về con búp bê mới của con Cún nhà chú Nam, đến hôm nay nó và con Tép trên lớp nói gì với nhau… Lần một lần hai còn đỡ, đằng này nó cứ lẽo đẽo theo và lải nhải, nhức đầu chết đi được. Thế là bạn “sẵng”: “Nói gì mà nói nhiều thế? Bớt nói đi con.” hoặc bạn chỉ ậm ừ cho qua chuyện, thậm chí khi con đang hỏi bạn cũng “ừ”.
Điều này, khiến con trẻ bị hụt hẫng, cảm thấy “ồ, hóa ra cái này quan trọng với mình thôi còn bố mẹ chẳng coi nó là gì cả.” Khi con đến tuổi dậy thì, những ông bố bà mẹ thường thắc mắc tại sao con mình cứ giấu mình chuyện này chuyện kia, chúng nó chẳng bao giờ kể cho cha mẹ nghe chuyện bạn bè… Chúng ta có câu trả lời rồi nhé. Việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái phải bắt đầu và liên tục. Trẻ em rất nhạy cảm, chỉ một đôi lần bạn khiến chúng nghĩ “chuyện của mình bố mẹ không quan tâm” sẽ ghi dấu rất lâu và ảnh hưởng đến quan hệ gia đình sau này.
Giải pháp an toàn: Trong trường hợp bạn đang không có tâm trạng, thời gian nghe con nói thì hãy hứa với con sẽ nghe nó kể sau. Và nhớ rằng đã hứa thì phải làm.
Đừng làm con bạn cảm thấy chuyện của mình không quan trọng đối với bố mẹ. (Ảnh minh họa).
“Ngồi đấy nhé, mẹ đi một mình đây.”
Sắp đến giờ hẹn với gia đình đứa bạn thân, bạn chuẩn bị xong hết rồi, nhưng thằng con cứ hí hoáy tô tô vẽ vẽ. Giục nó mãi mà nó không tỏ ra có ý định muốn đi. Bạn bước thật nhanh ra cửa rồi nói to: “Ngồi đấy nhé, mẹ đi một mình đây” Trẻ con cực kỳ sợ bị bố mẹ bỏ rơi. Thậm chí, trẻ dưới 6 tuổi khi ngủ dậy không thấy người lớn còn khóc và đi tìm. Thế là bạn tin rằng con sẽ nhanh chóng nghe lời. Nhưng nếu không thì sao? Trẻ sẽ nhanh chóng học được một điều rằng cha mẹ dọa cho vui thôi.
“Vấn đề lớn nhất của người lớn là muốn trẻ tin tất cả những gì họ nói. Trên hết muốn trẻ tin họ. Mà nếu muốn chúng tin thì không thể nói điều không đáng tin, điều mười mươi sai.”, bác sĩ Deborah Gilboa chia sẻ. Vì vậy, đừng bao giờ dọa chơi, nói và làm thật mới khiến trẻ “phục”.
Giải pháp an toàn: Sau khi đã nói nhẹ nhàng mà con bạn vẫn ngang bướng, không chịu đi, hãy nghiêm túc, phân tích cho con ý thức đây là hành động không chấp nhận được. Và cho con biết một cách rõ ràng, hậu quả của việc không nghe lời. Tất nhiên không dùng câu
“Vẫn không hiểu à?”
Tối rồi mà chồng “đàn đúm” ở đâu chưa về, con thì dạy mãi, bảo mãi mà mặt cứ ngơ ra. Có một phép tính làm đi làm lại đến lần thứ 4 rồi mà vẫn sai. Bạn sẽ lại giảng lần thứ 5, thấy mặt nó “ngu” đi trông thấy, bạn buột miệng: “Vẫn không hiểu à?”
Và câu “Vẫn không hiểu à?” sẽ được trẻ dịch thành: “Sao con lại không hiểu được nhỉ?” và “Con có bị gì không mà không hiểu?” Những suy nghĩ này khiến trẻ cảm thấy sợ hãi khi nhận mình không hiểu. Chúng sợ hệ quả của việc “không hiểu”. Thế nên, trẻ thường “tự vệ” bằng cách nói “hiểu rồi” vì muốn làm vừa lòng mẹ. Trong khi thật ra, mẹ không hề có ý như thế.
Giải pháp an toàn: Nghỉ ngơi thôi. Nếu bạn bị kẹt khi dạy con điều gì đó, hãy ngừng lại, rồi trở lại bài học khi bạn (chính bạn) là người sẵn sàng thử thêm một lần nữa. Trong thời gian đó có thể bạn sẽ tìm ra hoặc tham vấn ý kiến của ai đó về cách dạy khác, cách tiếp cận khác…
“Lớn rồi chứ bé gì nữa”
Đang bực mình vì giận nhau với chồng, gây lộn với con bé đồng nghiệp trên công ty. Về nhà tâm trạng bức bối, thế mà con thì cứ quấn lấy, sà vào người. Học cấp Hai rồi mà còn nũng nịu, làm như còn đang mẫu giáo, bực cả mình! Thế là nạt: “Mấy tuổi rồi? Lớn rồi chứ bé gì nữa.” sau đó hẩy con ra giành lấy “bình yên” cho mình.
Thật ra thì con ai cũng thế, ở ngoài có thể chúng hành động đúng tuổi nhưng khi bên bố mẹ vẫn muốn được cưng hơn chút, nhường nhịn và vỗ về hơn chút. Khi bạn quát con như thế và nó làm theo, có thể bạn sẽ thấy mình đã thành công. Nhưng kết quả thì sao? Việc nũng nịu của trẻ là biểu hiện tâm lý bình thường, điều chúng cần là sự chỉ dẫn để hành động đúng hơn. Tuy nhiên, cái con nhận được sau lời nói của bạn là sự hoang mang và không hiểu hết hành động của mình, cũng như tại sao mẹ lại tức giận, tại sao mình bị mắng.
Giải pháp an toàn: Trong trường hợp đang bị cảm xúc chi phối, hãy dời đi đâu đó một chút sẽ khiến cho bạn cân bằng và sáng suốt trở lại.
“Nói xin lỗi ngay đi.”
Cuối tuần, nhà hàng xóm có việc đột xuất, gửi con bên nhà bạn. Hai đứa đang chơi với nhau thì con bạn đành hanh giật đồ chơi, còn đứa kia lăn ra khóc ỏm tỏi. Ngay lập tức, bạn yêu cầu con mình phải xin lỗi vì hành động không đẹp ấy. Bạn cố gắng dạy con trở thành người biết cảm thông, biết chịu trách nhiệm, đó là một mục tiêu tốt. Nhưng “bắt, ép buộc một đứa trẻ xin lỗi không dạy chúng biết kỹ năng xã hội”, Bill Corbet, một nhà giáo dục, tác giả, nhà sản xuất, host của chương trìnhTV “Creating Cooperative Kids” nói.
Trẻ không thể tự động hiểu tại sao phải xin lỗi. Nếu cha mẹ ép con mình xin lỗi thì có thể làm chậm sự chấp nhận xin lỗi tự nhiên của con. Ngay lúc ấy, dưới áp lực, có thể chúng nói đều bạn muốn nhưng thật ra, chúng không coi trọng và có trách nhiệm trong lời xin lỗi ấy. Điều này hình thành thói quen và nếp nghĩ cực kỳ không tốt.
Giải pháp an toàn: Hãy xin lỗi con bé đang bù lu bù loa kia thay con bạn như một cách để làm mẫu hành động bạn đang khuyến khích con mình học. Chú ý đến thái độ nghiêm túc khi xin lỗi.
Tóm lại, chúng ta là con người và chúng ta không hoàn hảo. Cuộc sống lại quá bộn bề, nhiều lúc chúng ta hành động và phát ngôn khi chưa có thời gian suy nghĩ. Nhưng không nên quá “giữ kẽ” với con mình, hãy thành thật chia sẻ những gì bạn nghĩ. Điều quan trọng là nói một cách có ý thức và trách nhiệm. Luôn tâm niệm và nhớ rằng chúng ta dạy con phần nhiều bằng cách làm gương, mô phạm những hành động để con bắt chước theo.