Nhà có trẻ con mà vẫn gọn gàng sẽ không còn là điều "bất khả thi".
Mọi người khi đến thăm gia đình tôi đều “choáng” vì nhà có trẻ con nhưng lại rất gọn gàng ngăn nắp. Tôi cũng vô cùng tự hào về hai đứa con cưng của mình. Bi mới 6 tuổi và Bống vừa lên 3 đã luôn có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh và biết tự mình dọn phòng.
Theo quan niệm của tôi, để rèn rũa được thói quen biết gọn gàng ngăn nắp, người mẹ phải chấp nhận mất hàng năm ròng với lòng kiên trì, thái độ kiên quyết và nhất quán. Đến bây giờ khi hai con đã đi vào nền nếp, nhìn lại những gì mình đã làm tôi xin chỉ ra 7 bước quan trọng với hi vọng có thể giúp các mẹ rút ngắn thời gian dạy con trong vấn đề này.
Một, làm mẫu cho con
Ngay từ đầu tôi đã xác định rằng, muốn con cái mình gọn gàng, sạch sẽ thì bản thân cha mẹ phải làm được điều này trước. Ngôi nhà nhỏ của chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo nhưng mỗi ngày tôi đều dành thời gian cho việc làm sạch và sắp xếp đồ dùng đúng nơi quy định và khoa học. Để tiết kiệm thời gian cho việc dọn nhà cũng như hạn chế mất thời gian tìm đồ đạc do để lộn xộn, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc làm đến đâu thu dọn đến đó. Tôi không quên nhờ đến sự giúp đỡ của hai con, mà thực chất là hướng dẫn con làm những công việc phù hợp với độ tuổi và tạo dựng thói quen gọn gàng cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Hai, duy trì thói quen dọn dẹp hàng ngày
Thời gian buổi sáng không nhiều trong khi có khá nhiều việc phải làm nhưng tôi kiên quyết không bao giờ cắt giảm thời gian cho việc vệ sinh nhà cửa. Và điều khó khăn đối với tôi không phải là việc tự mình làm tất cả mà là việc “đốc thúc” chồng và hai con cùng làm với mình. Tôi phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, vì tôi phải chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả gia đình nên chồng tôi sẽ dọn phòng ngủ của hai vợ chồng, còn hai anh em Bi và Bống sẽ tự mình dọn phòng ngủ riêng. Vì em Bống còn nhỏ nên anh Bi sẽ là người gấp chăn cho cả hai anh em và mang đồ ngủ bỏ vào máy giặt, còn em Bống thì cất gấu ôm vào tủ. Công việc kể ra thì rất đơn giản nhưng thời gian đầu nếu không có tôi ngày ngày đứng bên cạnh làm trọng tài thì khó lòng mà thực hiện được. Tôi đã kiên quyết không mềm lòng trước vẻ mặt ngái ngủ và lời khẩn cầu tha thiết: “Mẹ ơi, cho Bi ngủ thêm một tẹo nữa thôi, chăn của Bi tối nay Bi lại đắp tiếp mà, không cần gấp đâu mẹ ơi!”
Ba, mua sắm đồ cho con ở mức đủ dùng
Từ khi sinh bé Bống tôi đã nhận ra rằng, ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi luôn trong tình trạng chật chội bởi đồ dùng, quần áo và đồ chơi của hai con. Bi và Bống quả thật lớn rất nhanh, và tôi khó lòng để em Bống mặc lại đồ đã chật của anh Bi được, vì thế mà cứ hết một mùa là tôi lại phải tìm cách thu dọn để lấy chỗ trống trong tủ, nhường chỗ cho quần áo của mùa kế tiếp. Về phần đồ chơi, vợ chồng tôi không hề tiếc tiền trong vấn đề mua đồ chơi cho con theo độ tuổi, sở thích vì nó cũng nhằm mục đích phát triển trí tuệ cho con. Nhưng cả hai vợ chồng tôi đã phải rất cân nhắc vì tính cả thèm chóng chán và mức độ phá hỏng đồ chơi của cả hai anh em. Chính vì thế quần áo và đồ chơi của con tôi chỉ đáp ứng ở mức độ tối thiểu. Duy trì việc này đã được 2 năm tôi thấy rất ổn vì hai con tôi vẫn rất thoải mái với những gì mình có, vợ chồng tôi thì tiết kiệm được một khoản tiền kha khá, và một điều đặc biệt nữa là nhà của chúng tôi gọn gàng hơn rất nhiều.
Bốn, bố trí đồ dùng phù hợp với trẻ
Lý giải vì sao bé Bống mới có 3 tuổi mà đã có thể tự mình cất và lấy đồ cá nhân mỗi khi cần, có một nguyên nhân rất quan trọng là do chồng tôi đã đưa ra ý tưởng về việc thiết kế riêng tủ đồ cho con. Tủ để quần áo sạch, tủ đựng đồ chơi của Bi và Bống đều rất thấp, vừa tầm với, cánh tủ nhẹ và thân thiện với trẻ em. Tôi còn bố trí thêm cho Bi giỏ ếch xanh và Bống giỏ gấu hồng ngộ nghĩnh để hai anh em đựng quần áo bẩn. Chính vì có quy định rõ ràng với con về đồ dùng nào dùng cho việc gì và thường xuyên kiểm tra cách để đồ của con nên cả Bi và Bống đều quen với việc sắp xếp đồ đúng nơi quy định.
Năm, tạo niềm vui và hứng thú cho trẻ
Tạo hứng thủ cho trẻ với chuyện làm việc nhà rất quan trọng (ảnh minh họa)
Mỗi sáng thứ bảy hàng tuần cả gia đình tôi lại tổng vệ sinh nhà cửa một lần. Để tránh tình trạng một mình mẹ thu giặt quần áo, lau nhà, dọn bếp, đánh nhà vệ sinh,… trong khi bố thì vào mạng đọc báo còn hai con xem phim hoạt hình, ngay từ tối thứ sáu tôi đã phân công nhiệm vụ dọn nhà cho từng thành viên. Các con tôi thì rất hứng thú còn chồng tôi thì cũng cười vui với các chia đội và thi đua có thưởng của tôi. Bố và anh Bi về một đội, mẹ và em Bống về một đội. Tuần này Bố và Bi sẽ phụ trách dọn nhà vệ sinh và khu vực sân bao gồm cả việc tưới cây. Mẹ và Bống sẽ dọn phòng khách và nhà bếp. Phần thưởng cho đội làm nhanh nhất và sạch nhất là một buổi đi ăn kem ngon tuyệt vào chủ nhật với sự cổ vũ của đội thua cuộc. Tôi và chồng đã rất ngạc nhiên khi thấy hai con rất hăng hái thi đua với nhau, anh Bi nhận phần cầm vòi nước cho bố rửa sân còn em Bống thì gom tất cả đồ chơi trong phòng khách để gọn vào giỏ và lấy đồ giúp mẹ.
Sáu, hướng dẫn trẻ một cách chi tiết
Trẻ em không có khả năng tự nhiên để nhận thức trách nhiệm hay nhiệm vụ của mình cũng như chi tiết các công việc mà trẻ cần làm. Tất cả những điều này đều xuất phát từ sự giáo dục của cha mẹ mà thành. Chính vì vậy, tôi hiểu rằng muốn con yêu học cách để làm điều gì đó một mình tôi phải chỉ cho con chi tiết và chính xác những gì con cần làm và làm như thế nào. Bi từ khi 5 tuổi và Bống – sớm hơn, từ lúc mới lên 3 tuổi đã được tôi chỉ cho cách tự gấp quần áo và xếp chúng vào đúng vị trí trong từng ngăn tủ; cách nhìn và ngửi để phân biệt quần áo sạch với quần áo bẩn; cách quét phòng và tìm kiếm dưới gầm giường những thứ đồ bị mất; cách để rác đúng nơi quy định; cách gấp chăn, gấp mép ga, xếp gối sao cho phẳng phiu, gọn gàng, cách thu gọn đồ chơi sau khi chơi xong…
Bảy, luôn khen ngợi và động viên
Đối với tôi, tôi không mong đợi một sự hoàn hảo từ những việc làm của hai con trong độ tuổi này. Điều làm tôi cảm thấy hài lòng đơn giản là sự lắng nghe, vâng lời và làm hết sức mình của Bi và Bống. Tôi luôn dành cho con những lời khen và sự khích lệ mỗi khi nhận ra những cố gắng dù là nhỏ nhất của con, có lẽ chính vì thế mà hai con tôi luôn có động lực và dần hình thành thói quen trong việc sống gọn gàng.
Trên đây là những việc tôi đã làm với mong muốn giúp các con sớm hình thành một thói quen đẹp và hơn thế là kỹ năng cũng như ý thức để sống tự lập, sống có trật tự và kỷ luật ngay từ khi còn nhỏ. Tôi luôn quan niệm rằng yêu thương con không đồng nghĩa với việc bao bọc, nâng niu con quá mức và làm thay con tất cả mọi việc. Có nhiều người đã nhận xét rằng tôi là một bà mẹ quá nghiêm khắc và yêu cầu cao đối với con cái. Tôi không phủ nhận rằng, việc Bi và Bống có thể tự mình làm những việc mà những đứa trẻ khác vẫn được bố mẹ chúng làm giúp trong vài năm nữa thì tôi là một người mẹ khá nhàn. Tuy nhiên, để tạo dựng thói quen này cho con tôi đã mất rất nhiều công sức và thời gian, và trên hết khi lối sống gọn gàng đã đi vào ý thức của hai con thì tôi thấy những việc mà con làm mỗi ngày không hề gượng ép mà đều mang lại nguồn vui cho con.