Nhìn cháu học mẫu giáo đã đọc sách vanh vách, em tự hứa sau sẽ dạy con mình y hệt.
Anh trai em đi du học ở Úc rồi quen chị dâu em, anh chị cưới nhau được hơn 1 năm thì có Ken. Năm nay dù mới chỉ 5 tuổi thôi nhưng Ken đã biết đánh vần thành thạo và có thể tự đọc váng lên khắp nhà những câu chữ ngắn trong những quyển truyện tranh mà cháu rất thích. Em đã từng rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh cậu nhóc đọc vanh vách tên và số điện thoại của những câu chữ quảng cáo trên màn hình ti vi. Đến khi hỏi kỹ mẹ của Ken thì em mới biết chị dâu em có những chiêu thức rất hay để giúp Ken biết đọc sớm và trên tất cả đã nuôi dưỡng cho Ken một niềm ham thích đặc biệt với việc đọc sách.Xin chia sẻ với các mẹ một vài chiêu của chị dâu đã "mách" cho em
Trước hết phải luyện nói cùng bé
Chị dâu em không bao giờ ngại và tiếc thời gian để luyện nói với con. Chị luôn nói rất rõ ràng, phát âm tròn vành rõ tiếng và luyện nói với Ken thật nhiều âm từ như chị ý đang nói chuyện với một người lớn ngang hàng vậy
Bé phải nhìn thấy mẹ cũng đọc sách
Trẻ càng thấy bố mẹ có niềm hứng thú với việc đọc sách thì trẻ lại càng cố gắng học đọc sớm. Đó là kết luận của nhiều chuyên gia nghiên cứu tâm lý học hành của trẻ em. Hơn ai hết bố mẹ chính là “tấm gương” sáng nhất phản chiếu một niềm yêu thích và con trẻ sẽ rất hào hứng được làm theo bố mẹ. Quán triệt với tinh thần này, chị dâu em luôn đọc sách bất cứ lúc nào chị ấy rảnh, bản thân chị em cũng là một người ham đọc và không có gì ngạc nhiên khi Ken cũng thấm dần thói quen và sở thích bổ ích ấy
Thường xuyên lựa chọn các chủ đề phong phú
Cứ mỗi sáng những ngày mà Ken không phải đi học mẫu giáo, chị dâu lại lựa chọn một quyển sách theo một chủ đề bất kỳ, như “xe hơi, sở thú, phong cảnh,…” rồi đặt trên bàn ăn sáng. Khi bé thức dậy và nhìn thấy những quyển sách này bé luôn có hứng thú đặc biệt vì biết hôm nay mẹ và bé sẽ đọc theo chủ đề nào. Chị đọc cho Ken nghe, đặt câu hỏi cho bé trả lời, chỉ vào từng chữ và dạy bé đánh vần. Cả ngày hôm đó câu chuyện sẽ xoay quanh chủ đề sách trên bàn ăn vào sáng sớm. Điều này sẽ dần tạo nên một niềm phấn khích không hề nhỏ cho bé trong việc học đọc.
Đánh vần từ
Đối với phương pháp của chị em, một điều quan trọng trong việc dạy đọc cho bé là mẹ cần thường xuyên nói và đánh vần cho bé nghe, càng nhiều càng tốt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ được nghe phát âm ở nhà có vốn từ vựng là 30 triệu từ, nhiều hơn nhiều so với số từ trẻ bắt đầu được đi học. Chị em luôn nói chuyện với Ken, chỉ cho cậu nhóc thấy những thứ xung quanh trên đường đi học, cảnh vật, màu sắc và những con thú, đọc thực đơn cho Ken nghe, công thức các món dạy nấu ăn, đối thoại của các nhân vật trong truyện tranh hay thậm chí đọc báo cùng Ken hàng ngày.
Khi đi trên đường, chị hay chỉ chỏ những cảnh vật xung quanh, hỏi Ken “cái gì đây” và “ từ này đánh vần thế nào con nhỉ”, bé sẽ phát âm và có quyền đố ngược lại mẹ, Ken cũng có thể chỉ trỏ và yêu cầu mẹ đánh vần thật rõ ràng từng thứ xung quanh bé. Điều này sẽ giúp bé ghi nhớ từ vựng lâu dài và xây dựng một vốn từ thật phong phú, làm tiền đề để học đọc nhanh hơn.
Hãy bắt đầu thật sớm
Mẹ có thể đọc sách cùng bé ngay từ khi bé 3 tháng tuổi (ảnh minh họa)
Rất nhiều chị em thường nói chuyện thậm chí đọc sách cho con nghe từ khi con còn trong bụng. Nhưng sau này khi con chào đời, việc chăm sóc cho con ăn, ngủ khỏe mạnh đã chiếm toàn bộ tâm trí và thời gian của các bà mẹ. Việc đọc sách cho con dường như bị quên lãng và bị đẩy lùi xuống dưới toàn bộ những trọng trách quan trọng kia.
Chị dâu em đã đọc sách cùng con ngay từ khi Ken mới 3 tháng tuổi. Bé có thể không hiểu nội dung câu chuyện, nhưng bé sẽ lắng nghe giọng mẹ, ghi nhớ biểu cảm khuôn mặt mẹ và thấm dần vốn từ mà mẹ phát âm ra. Bé sẽ thích thú khi chạm vào quyển sách mẹ đang đọc, hay thậm chí giành giật lấy nó, điều này tạo kích thích và niềm hứng khởi cho bé với những quyển sách và tạo nên sự hứng thú trong học đọc về sau.
Hãy đặt cho con thật nhiều câu hỏi
Một bí quyết nữa của chị em trong việc giúp Ken biết đọc sớm chính là khi Ken đủ lớn chị hay kể cho bé nghe về các câu chuyện trong sách mà chị vừa đọc và khuyến khích con đọc như mẹ. Chị luôn để Ken chủ động tham gia vào câu chuyện, bàn luận về những vấn đề được kể trong sách, đặt câu hỏi cho bé và trả lời những câu hỏi của bé, chỉ ra cho bé thấy những điều đặc biệt được mô tả trong sách. Chị cũng luôn khuyến khích bé tự kể lại những câu chuyện mà bé biết hoặc đã được nghe nhiều lần
Hãy chơi trò gọi tên
Một mẹo cuối cùng rất hay để giúp bé ghi nhớ từ vựng và biết đọc sớm hơn chính là chơi trò gọi tên, đánh vần. Chị dâu thường dùng chính những vật dụng quen thuộc trong nhà, hay trang trí trong phòng bé thật nhiều những quyển sách và đồ chơi màu sắc rồi chơi với bé. Chìa khóa để hiểu được ngôn ngữ chính là vật dụng nào cũng có tên gọi riêng. Mẹ gọi tên và để bé chỉ đồ vật hoặc ngược lại, mẹ chỉ vào đồ vật và để bé đánh vần thật đúng món đồ đó. Lặp đi lặp lại trò chơi này sẽ tạo một hứng thú đặc biệt và sự tò mò cho con khi đọc sách
Theo chia sẻ của độc giả ở địa chỉ thuhoainguyen.......@............