Dạy con biết ngồi bô chuẩn, tôi chẳng bao giờ phiền lòng về chuyện đi vệ sinh của bé nữa.
Ngồi bô là chuyện mà sớm hay muộn các mẹ cũng phải luyện cho con mình, nhưng nếu mẹ làm không đúng cách, bé có thể sẽ sợ và từ chối hợp tác với mẹ. Vậy nên làm thế nào mới chuẩn? Tôi đã từng chứng kiến chứng ”sợ bô” của bé Tít con chị gái, cứ nhìn thấy bô là bé khóc thét và nhất quyết thà đi luôn ra quần còn hơn dù bé năm nay đã 3 tuổi. Vì sợ cảnh lúc nào cũng ôm đống bỉm tã chạy theo con nên tôi quyết tâm dạy Bi, bé nhà tôi tập và làm quen với bô từ sớm. Thật may mắn là quá trình tập luyện của hai mẹ con đã thành công rực rỡ và giờ tôi nhàn tênh mỗi khi bé đi vệ sinh.
Mấu chốt cơ bản của vấn đề theo tôi là tính kiên nhẫn của mẹ. Để có thành quả như ngày hôm nay, tôi đã phải luyện cho Bi đến hơn tháng trời, mỗi ngày cô gắng một ít.
Khi bé nhà tôi được 7 tháng tuổi, Bi đã có thể ngồi vững mà không cần đến sự giúp đỡ của mẹ nữa. Chỉ chờ đến lúc này, tôi bắt đầu hành trình tập cho Bi ngồi Bô.
Đầu tiên, tôi giúp bé bỏ thói quen đóng bỉm. Vì bé nhà tôi đã được mẹ đóng bỉm từ lúc mới sinh (trộm vía con tôi sinh vào mùa đông và đóng bỉm liên tục nhưng chẳng bao giờ biết hăm tã là gì), nên tôi dần bỏ bỉm ra cho bé, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ và tập xi ở ngoài trước. Đồng thời, tôi sắm cho con một chiếc bô xinh xắn, nhiều màu và có tay cầm phía trước để bé dễ dàng ngồi mà không bị ngã.. và để cố định ở góc nhà nơi tôi muốn bé đi vệ sinh.
Tôi nghĩ việc cố định chỗ vệ sinh cho bé là rất quan trọng bởi sau này khi cần bé sẽ biết mình phải tìm bô ở đâu.
Tôi chọn cho Bi loại bô có tay cầm giúp bé ngồi vững (hình minh họa)
Vì bé nhà tôi hay đi nặng vào một số quãng thời gian nhất định trong ngày, tôi lựa khi bé bắt đầu có dấu hiệu là bỏ bỉm, bỏ quần và bế bé ra bô ngồi đồng thời ngồi chơi với bé, như một hoạt động bình thường giữa hai mẹ con. Ngày nào hai mẹ con tôi cũng lặp lại điệp khúc ấy, được khoảng hai tuần sau, cứ khi nào Bi thấy mẹ tháo bỉm và bỏ quần là Bi với ra cái bô là tôi vô cùng mừng rỡ. Tất nhiên, trong 2 tuần đó, tôi cũng đã phải hứng chịu cảnh bé đi ra nhà vài lần. Sau mỗi lần bé đi bô xong, tôi lại khen ngợi và nựng bé, dù khi ấy Bi có lẽ chưa hiểu được hết, nhưng bé vẫn hiểu rằng mẹ luôn tỏ ra vui vẻ mỗi khi mình đi ngoài xong.
Tập cho bé từ ngồi bô đến ngồi bồn vệ sinh người lớn (hình minh họa)
Khi bé đã quen với việc ngồi bô, lúc Bi được 15 tháng và đã có thể đi và đứng vững, tôi nâng việc luyện tập lên một mức mới, đó là tập cho bé ngồi vào bồn cầu của người lớn. Như vậy, sẽ không còn cảnh cầm bô đi đổ và vệ sinh bô mỗi ngày nữa.
Tôi nghĩ việc tập cho bé quen với bô là một bước tiến lớn của cả hai mẹ con, nên cũng cố đầu tư cho con một cái bô “hoành tráng”, loại chuyên dụng cho các bé tập ngồi bô và có thể tháo rời phần trên bô để kê vào bồn vệ sinh của người lớn khi đến thời điểm thích hợp. Vì Bi đã quen với chiếc bô của mình, khi bé muốn đi vệ sinh, tôi dắt con vào phòng vệ sinh của bố mẹ và để bô bé lên trên bồn vệ sinh bình thường. Như vậy con vẫn có thể duy trì thói quen đi vệ sinh với chiếc bô quen thuộc nhưng lại thực hiện tại nơi mà mẹ muốn. Tất nhiên, tôi cũng luôn có mặt để hỗ trợ con mỗi khi cần thiết. Dần dần bé cũng quen và trở nên rất thích thú với cách đi toilet thú vị này.
Vậy là trong khi chị gái tôi vẫn còn loay hoay với chuyện bỉm tã của con thì tôi đã vượt qua thời kì đó một cách đầy hãnh diện.
Theo chia sẻ của mẹ Hà Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội)