Với những người ông bố bà mẹ có con đầu lòng, việc tắm cho bé có thể là cả một thử thách.
Trẻ sơ sinh rất mỏng manh và non nớt nên việc tắm cho các bé có thể khiến nhiều ông bố bà mẹ lo lắng, e dè. Dưới đây là những hướng dẫn cơ bản về việc tắm cho trẻ sơ sinh an toàn, đúng cách.
Một số chú ý khi tắm cho bé:
- Quy tắc đầu tiên và quan trọng hàng đầu khi cho trẻ tắm là: Tuyệt đối không bao giờ để trẻ một mình mà không có người giám sát. Trẻ nhỏ có thể bị chết đuối ở mực nước chỉ khoảng 2,5 cm và trong vòng chưa đầy 60 giây. Do đó, hãy chuẩn bị sẵn sàng tất cả các vật dụng bạn cần khi cho trẻ tắm (sữa tắm, khăn, tã giấy,...) để không phải chạy đi chạy lại lấy đồ mà “bỏ rơi” con, và nhớ luôn giữ bé bằng ít nhất một tay khi bé đang ở trong nước. Nếu chuông cửa nhà hoặc chuông điện thoại reo, nhớ bế bé lên với một chiếc khăn tắm và mang bé đi theo cùng bạn.
- Không đặt bé vào bồn tắm khi vòi nước vẫn đang chảy vì nhiệt độ nước có thể thay đổi hoặc nước có thể dâng quá cao. Bé có thể sẽ bị bỏng hoặc ngạt trong nước chỉ trong vài giây chỉ vì một vòi nước đang chảy.
Không đặt bé vào bồn tắm khi vòi nước vẫn đang chảy vì nhiệt độ nước có thể thay đổi hoặc nước có thể dâng quá cao. (Ảnh minh họa)
- Nhiệt độ nước tắm cho trẻ không được phép quá lạnh hay quá nóng, khoảng tầm từ 37-38 độ C như thân nhiệt cơ thể người là tốt nhất.
- Bồn tắm thường rất trơn trượt nên mẹ cần trang bị thêm một chiếc thảm cạnh bồn tắm để tăng tính an toàn. Mẹ cũng nên mua một chiếc kẹp vòi nước để bảo vệ đầu bé khỏi va đập.
- Để các đồ điện tử (như máy sấy tóc, bàn là,...) cách xa khu vực bồn tắm
Quy trình tắm cho bé:
1. Chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng cần thiết ngay bên cạnh (sữa tắm, khăn tắm, tã giấy sạch, quần áo của trẻ,...). Giữ cho nhiệt độ phòng ấm áp để bé không bị lạnh.
2. Trước khi tắm cho bé bạn nên dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ nước tắm hoặc chạm khuỷu tay vào bồn tắm để đảm bảo rằng nước không quá nóng hoặc quá lạnh
Trước khi tắm cho bé, bạn nên kiểm tra lại nhiệt độ nước tắm bằng nhiệt kế hoặc chạm khuỷu tay vào bồn tắm. (Ảnh minh họa)
3. Mang bé đến khu vực tắm và cởi bỏ quần áo cho bé. Nếu mỗi lần đưa đi tắm bé đều khóc, hãy cứ để bé đeo bỉm khi tắm trong những lần đầu để bé gia tăng cảm giác an tâm khi ở trong nước.
4. Từ từ đưa chân bé vào trong bồn tắm trước, dùng một tay để đỡ cổ và đầu bé. Rót từng gáo nước tắm lên người bé trong suốt quá trình tắm để bé không bị lạnh.
5. Nhúng khăn ướt vào sữa tắm nhưng chỉ với một lượng cực kì nhỏ và phải là loại sữa tắm chuyên dùng cho trẻ, không gây kích ứng. Lấy khăn để lau cho bé từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài. Bắt đầu bằng lau da đầu bé với một tấm khăn ướt, thấm sữa tắm. Giũ khăn cho hết sạch sữa tắm rồi nhẹ nhàng lau mắt, mặt bé. Đừng quên rửa bộ phận sinh dục cho bé, đây là khu vực cần phải được làm sạch hàng ngày.
6. Dùng gáo nước dội sạch khắp người cho bé và lau lại cho bé bằng khăn sạch. Nhẹ nhàng nhấc bé ra khỏi bồn với một tay đỡ cổ và đầu bé, một tay đỡ mông bé. Vì người trẻ nhỏ rất trơn khi đang ướt, bạn nên nhờ một người nữa cầm giúp khăn lau khô và đỡ lấy bé.
7. Quấn bé trong khăn tắm và vỗ vỗ khẽ cho bé khô. Sau đó, thay tã, mặc quần áo cho bé xong xuôi là mẹ có thể đặt một nụ hôn ngọt ngào lên trán con yêu rồi đấy.