Phần đầu, xương cổ của bé sẽ bị tổn thương lớn nếu mẹ cho bé bú bình sai cách.
Vì cơ thể bé sơ sinh còn non yếu nếu cha mẹ không giữ và bế bé đúng cách khi cho bú bình sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến phần đầu và xương cổ của bé.
Hiệp hội nhi khoa Mỹ hướng dẫn các bậc cha mẹ 4 bước cơ bản để giảm thiểu rủi ro khi cho trẻ bú bình như sau:
Bước 1: Ẵm bé
Một trong những việc cần lưu ý khi cho bé bú bình là không để cho không khí tràn vào trong miệng bé nhằm tránh cho bé bị ợ sữa sau khi bú. Muốn vậy, mẹ cần bế bé theo một góc nghiêng 45 độ, dùng khuỷu tay đỡ phần đầu và cánh tay đỡ phần lưng của bé, bàn tay mẹ đỡ phần mông và chân của bé. Đặc biệt, hãy áp thân bé vào người mẹ cho chắc chắn. Ngoài ra, bé cũng nên được ôm nghiêng về phía mẹ, như vậy, bé sẽ được thật sự an toàn trong vòng tay của mẹ.
Phần đầu, xương cổ của bé sẽ bị tổn thương lớn nếu mẹ cho bé bú bình sai cách. (Ảnh minh họa).
Bước 2: Cho bé ngậm núm vú cao su
Ngậm vú cao su đúng cách sẽ giúp bảo đảm rằng bé yêu bú đủ sữa và không nuốt phải khí thừa cũng như hình thành thói quen tốt khi bú sữa.
Trước tiên, mẹ cần dạy bé cách ngậm núm vú. Hãy chạm và đưa nhẹ núm vú từ phía môi dưới của bé lên phía mũi, điều này sẽ kích thích bé há rộng miệng. Sau đó, đưa núm vú vào trong miệng bé, hướng núm vú về phía vòm miệng của trẻ. Bé cần phải ngậm được toàn bộ phần đầu vú. Tuy nhiên, cần chú ý rằng đừng để bé cảm thấy căng thẳng hay khó chịu, nên nhẹ nhàng đặt núm vú phía trên, chứ không phải dưới lưỡi của bé.
"Hãy đặt núm vú cao su vào trong miệng bé và nhẹ nhàng đẩy môi dưới để bé ngậm chặt núm vú. Mẹ có thể dùng ngón tay út nhẹ nhàng đẩy môi bé xuống khi bé đang bú nếu làm vậy giúp bé bú dễ hơn", Blythe Lipman, tác giả cuốn sách “Help! My baby came without Instructions!” nói.
Bước 3: Kiểm soát lưu lượng sữa
Hiện nay, trên thị trường, núm vú có rất nhiều kích cỡ khác nhau. Núm vú càng lớn thì lượng sữa chảy càng nhanh. Đối với các bé mới sinh, mẹ nên dùng núm vú lỗ nhỏ (S) và tăng kích cỡ núm vú tùy theo độ tuổi của bé. Thông thường, núm vú đóng vai trò chính trong việc điều tiết lưu lượng sữa mà bé bú được. Mẹ nên giữ sao cho đáy bình bú luôn ở phía trên để núm vú luôn đầy sữa, như vậy, sẽ giảm thiểu tối đa lượng khí bé yêu nuốt phải.
Bước 4: Vỗ ợ hơi cho bé
Khi đã nhận biết được thói quen của bé, mẹ sẽ có thể quyết định nên vỗ ợ hơi cho bé khi nào: trong lúc bé đang bú hay khi bé đã bú xong.
Có ba cách vỗ ợ hơi cho bé:
Cách 1: Bế bé lên vai, giữ bé ở tư thế thẳng đứng, chân duỗi thẳng. Một tay giữ phần mông bé, một tay xoa nhẹ vào phần lưng giữa 2 xương bả vai, hoặc bạn có thể khum bàn tay và vỗ nhẹ lên lưng bé đến khi bé ợ hơi, khoảng 5-15 phút.
Cách 2: Cho bé ngồi trên đùi, một tay giữ trước ngực, một tay xoa và vỗ lưng tương tự như cách 1. Lưu ý, với bé sơ sinh cổ còn yếu, nên để cho bé ngồi hơi ngã về phía trước một chút để đầu không ngửa ra sau khi vỗ lưng.
Cách 3: Cho bé nằm úp lên 2 đùi của mẹ, đầu nghiêng về một bên, giữ bé bằng một tay ở dưới vai của bé, hoặc giữ bé bằng một tay để ở mông. Tay còn lại xoa hoặc vỗ lưng cho bé như cách 1.
Lưu ý: Đôi khi, mẹ chỉ cần xoa nhẹ lưng bé là được. Và đừng quên rằng, không phải lúc nào bé cũng ợ hơi ngay sau khi bú, vì thế, đừng hốt hoảng khi không thấy bé ợ hơi.