Lỗi "đau đớn" khiến con bú mẹ vẫn còi

Ngày 18/05/2014 07:51 AM (GMT+7)

Nhiều bà mẹ trẻ luôn đau đầu khi cho con bú vì bú mãi mà bé chẳng “chịu” tăng cân.

Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em và trẻ nhỏ, một khẩu hiệu mà bất kì bà mẹ nào cũng thuộc lòng. Vì lợi ích của sữa mẹ, các mẹ đều cố gắng cho con bú lâu nhất có thể. Tuy nhiên trong thực tế, có những mẹ tỏ ra lo lắng khi cho con bú mãi mà bé không tăng thêm cân nào, thậm chí còn không nặng bằng các bé bú sữa công thức. Có trường hợp mẹ phải bỏ sữa mẹ để cho con ăn sữa ngoài dưới áp lực cân nặng đến từ người thân (chồng, ông bà nội ngoại v.v.) Vậy có thực sự là sữa mẹ không tốt khiến bé còi hay vì lý do nào khác? Các mẹ hãy tìm hiểu câu trả lời dưới đây

Mẹ chưa cho bé bú đúng cách

Sữa mẹ luôn luôn tốt và chất lượng. Có điều nếu cho bé bú sai cách, lượng dinh dưỡng mà bé hấp thu từ sữa mẹ sẽ không đầy đủ. Đây là lý do điển hình khiến bé chậm tăng cân.

Khi mẹ cho bé bú, lượng sữa sản xuất ra sẽ chia thành 2 giai đoạn: sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu là sữa được sản xuất vào đầu bữa bú, số lượng nhiều, chứa nhiều nước, đường lactose, ít năng lượng, chỉ mang tính chất giải khát. Sữa cuối đặc hơn sữa đầu do có nhiều chất béo, protein, cung cấp năng lượng cho bữa bú. Như vậy, nếu mẹ chỉ cho bé bú sữa đầu thì bé sẽ tiêu phân lỏng và không lên cân.

Lỗi quot;đau đớnquot; khiến con bú mẹ vẫn còi - 1
Sự khác nhau giữa sữa đầu và sữa cuối (ảnh minh họa)

Cách tốt nhất, mẹ hãy cho bé bú hết một bên vú, bao giờ có cảm giác hết sữa thì hãy cho bé bú bên còn lại. Nếu bé bú ít thì mẹ có thể vắt hết sữa đầu đi và chỉ cho bé bú sữa cuối. Như vậy, mẹ sẽ đảm bảo bé được hưởng trọn nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ và lên cân tốt.

Mẹ có chế độ ăn uống chưa hợp lý

Chế độ ăn uống và tâm lý của mẹ khi cho con bú ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sữa mẹ. Khi đang trong thời kỳ cho con bú, mẹ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng , đặc biệt là vitamin, đạm đường mỡ, muối khoáng và tuyệt đối không nên kiêng khem. Ngoài ra việc uống nhiều nước, sữa cũng rất quan trọng để tăng lượng sữa cho bé.

Sự khác nhau giữa bé bú mẹ và bú bình

Trên thực tế, các bé bú mẹ trong năm đầu thường có xu hướng tăng cân nhanh hơn trong 3, 4 tháng đầu đời nhưng sau đó lại chậm lại cho đến hết 12 tháng tuổi. Trung bình, các bé bú mẹ hầu hết sẽ nhẹ cân hơn các bé bú bình khi đạt ngưỡng 1 tuổi. Đến khi được 2 tuổi thì các bé đều đạt mức cân nặng tương đương nhau.

Một lý do khiến trẻ bú mẹ chậm tăng cân là bé sẽ dừng bú ngay khi đã thỏa mãn, còn các bé bú bình buộc phải bú hết lượng sữa trong bình và có khi còn vượt quá nhu cầu của mình. Hơn nữa, thành phần protein giữa sữa công thức và sữa mẹ tương đối khác nhau nên sự trao đổi chất của các bé cũng khác nhau.

Do vậy, việc mẹ so sánh cân nặng giữa trẻ bú mẹ và bú bình là rất khập khiễng.

Ngọc Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan