Trong quá trình chế biến thức ăn, các mẹ cần lưu ý rằng thực phẩm ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng cho trẻ còn phải đảm bảo an toàn và vệ sinh. Bên cạnh đó, các thực phẩm cho trẻ cần đa dạng và thay đổi thường xuyên.
Bữa ăn chính phải có đủ 4 nhóm thực phẩm: Bột đường (bột ăn dặm, cháo, cơm, bún, mì, nui, bánh mì, xôi, khoai, …), chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu hũ…), chất béo (dầu thực vật), rau và trái cây các loại. Bữa ăn phụ phải có sữa, phô mai, trái cây. Việc chọn lựa, bảo quản và chế biến cần được bảo đảm an toàn, vệ sinh trong suốt quá trình từ lúc thực phẩm được mua về từ chợ, siêu thị, cửa hàng cho đến khi được trẻ tiêu thụ.
Lựa chọn thực phẩm:
Hãy chọn thực phẩm tươi mới để giữ được nhiều chất dinh dưỡng và ít nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc. Các tiêu chí chọn thực phẩm tươi sống bao gồm: thịt tươi, cá còn bơi, tôm còn nhảy, rau, củ tươi mới. Khi mua thực phẩm sản xuất công nghiệp, chất lượng bao bì phải được đảm bảo nguyên vẹn, không bị móp méo, rách hở. Nên chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng từ nhãn hiệu công ty uy tín với thương hiệu lâu năm, mới đóng gói hoặc còn hạn sử dụng và được bày bán ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng và ẩm ướt.
Bảo quản thực phẩm:
Thực phẩm được bảo quản tốt sẽ giữ được giá trị dinh dưỡng và hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn cho trẻ.
- Với thực phẩm tươi sống, bảo quản trong tủ lạnh là cách thông dụng nhất tại các hộ gia đình. Các mẹ có thể rửa sạch thịt, cá rồi chia thành từng phần nhỏ vừa đủ 1 bữa ăn, bọc nilon kín rồi cho vào ngăn đá để đông lạnh và sử dụng dần. Chú ý không nên rã đông thực phẩm tươi sống nhiều lần, tránh gây hư hỏng và mất chất dinh dưỡng. Rau quả mua về ngâm rửa sạch rồi để ráo, cho vào bọc nilon cất vào ngăn mát dưới cùng của tủ lạnh. Bên cạnh đó, để tiết kiệm thời gian và công sức, các mẹ có thể nấu một lần một nồi 3 chén cháo trắng, múc ra chén để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản, khi cần nấu cháo thì lấy từng chén ra nấu cho trẻ.
- Với các thực phẩm công nghiệp, cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì để bảo quản đúng cách khi chưa sử dụng. Sản phẩm nào có thể bảo quản ở nhiệt độ thường (nhiệt độ phòng) thì cất vào tủ, kệ thoáng mát, tránh nắng, tránh ẩm ướt. Sản phẩm bảo quản trong tủ lạnh thì tùy vào loại sản phẩm mà bảo quản ở nhiệt độ khác nhau: tầng trên cùng tủ lạnh, gần ngăn đá là khoảng 2°C, tầng giữa là 4°C và tầng dưới là khoảng 8°C.
- Sữa và phô mai sau khi mở hộp thì bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 8°C là tốt nhất. Thực phẩm sống - chín cần cất giữ riêng biệt. Chú ý nếu trữ lượng thực phẩm lớn trong tủ lạnh, thời tiết bên ngoài nóng, mở tủ nhiều lần trong ngày thì cần điều chỉnh độ lạnh thích hợp để bảo quản sản phẩm tốt hơn.
Chế biến thực phẩm:
Thực phẩm tươi sống cần được nấu chín để diệt trùng và tăng khả năng tiêu hóa thực phẩm cho trẻ. Một số thực phẩm nếu còn sống có thể gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa. Với tác động của nhiệt độ, chất bột đường, đạm, béo, khoáng chất…thường không bị hao hụt, nhưng một số chất như lysine, vitamin C, I-ốt sẽ bị mất đi sau 1 thời gian nấu.
Khi cho bé ăn, mẹ cần chú ý làm nhỏ, nhuyễn hoặc chọn loại thực phẩm có thể tích nhỏ vừa đủ để trẻ ăn dễ dàng hơn.
BS.CK1. Đào Thị Yến Thủy
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Với thông điệp “Thêm nhiều dưỡng chất, Tối ưu chất lượng”, phô mai vuông Belcube công thức mới bổ sung vitamin A, B12, Canxi, I-ốt và đặc biệt là Kẽm hỗ trợ sự phát triển thể chất và tư duy, giúp bé tăng khả năng học hỏi, suy luận, tập trung, và ghi nhớ. Thiết kế vuông nhỏ nhắn cùng những cải tiến về công nghệ đóng gói không những mang đến niềm vui cho bé khi thưởng thức phô mai mà còn giúp mẹ yên tâm về chất lượng cũng như bảo quản một cách dễ dàng, tiện lợi hơn. |