Trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 2 tháng tuổi thường xuyên xuất hiện đốm trắng ở lưỡi, mẹ cần quan sát kĩ để biết cách xử lý.
1. Nguyên nhân lưỡi bé bị đóng trắng
Do sữa mẹ đọng lại
Nếu mẹ thấy lớp màu trắng xuất hiện cùng với thời điểm sau khi cho bé bú sữa thì đó có thể chỉ là do sữa đọng lại. Lớp sữa này có thể lau đi dễ dàng bằng khăn mềm. Nếu sau khi lau sạch lưỡi của bé nhìn vẫn khỏe mạnh và hồng hào thì mẹ không cần quá lo lắng.
Lưỡi bé bị đóng trắng có thể là dấu hiệu của việc bé bị nấm. (Ảnh minh họa)
Do bé bị nấm miệng
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến lưỡi bé bị trắng là do nấm. Nấm Candida albicans thường phát triển trong miệng trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi. Nguyên nhân gây ra nấm miệng có thể do môi trường khoang miệng mất cân bằng, mẹ dùng thuốc kháng sinh khiến các vi khuẩn tốt trong khoang miệng bé bị tiêu diệt hoặc do mẹ mắc nấm lây sang cho con.
2. Biểu hiện lưỡi bé bị đóng trắng
Nếu lưỡi bé bị đóng trắng do sữa thì sau khi lau sạch bằng khăn mềm sẽ có màu hồng và khỏe mạnh.
Nếu bé bị nấm miệng thì mẹ sẽ thấy trong khoang miệng của bé những đốm, mảng trắng như sữa đông, phô mai. Nếu lấy khăn lau sạch lưỡi thì có thể khiến lưỡi tấy đỏ thậm chí chảy máu. Bé bị nấm miệng sẽ hay quấy khóc khi ăn.
3. Điều trị khi lưỡi bé bị đóng trắng
Khi lưỡi bé bị đóng trắng thì mẹ cần chữa trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. Mẹ không được tự ý cậy các đốm trắng trên lưỡi bé mà nên vệ sinh lưỡi bé bằng nước muối sinh lý. Sau khi vệ sinh thì mẹ không nên cho bé ăn hoặc bú ngay mà nên chờ 20 phút.
Vệ sinh miệng sạch sẽ giúp phòng ngừa lưỡi bé bị đóng trắng. (Ảnh minh họa)
Mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ để được chuẩn đoán đúng bệnh. Trong trường hợp bé bị nấm miệng thì bác sĩ sẽ kê thuốc chống nấm cho bé. Có thể mất khoảng 2 tuần để chữa khỏi bệnh.
Đối với bé đang bú sữa mẹ thì mẹ cũng nên sử dụng kem Nystatin (1) để phòng ngừa việc lây nấm từ bé. Đối với các bé bú bình thì dụng cụ pha sữa cần được khử trùng sạch sẽ.
Vệ sinh miệng và lưỡi bé sau khi ăn cũng là một biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả. Mẹ chỉ cần một chiếc khăn mềm và sạch và một bát nước ấm nhỏ. Sau khi cho bé ăn thì lấy khăn nhúng vào nước ấm nhẹ nhàng lau đi lượng sữa đọng trên lưỡi bé. Đồng thời mẹ cũng nên lau trong má và nướu răng của bé.
(1) Theo dược sĩ Hoàng Thu Thủy cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, khi bị nấm ở da và niêm mạc (như miệng, đường tiêu hóa, âm đạo…) một trong những thuốc được dùng để điều trị là nystatin. Đây là một kháng sinh chống nấm có tác dụng kìm hãm hoặc diệt nấm (đặc biệt là nấm Candida) mà không tác động đến vi khuẩn bình thường trên cơ thể. Thuốc có thể dùng để điều trị lâu dài mà không gây kháng thuốc. Trên thị trường, thuốc có nhiều dạng như: Kem, mỡ (dùng ngoài), dạng thuốc đặt âm đạo, dạng thuốc bột, hỗn dịch, viên nén (để uống)… rất thuận tiện cho quá trình sử dụng. Thuốc còn có tác dụng chống bội nhiễm Candida đường tiêu hóa trong quá trình điều trị kháng sinh. Nystatin hầu như không độc và không gây mẫn cảm và dung nạp tốt ở tất cả các lứa tuổi kể cả trẻ nhỏ suy yếu và ngay cả khi dùng kéo dài. Tuy nhiên ở những người bệnh mẫn cảm với thuốc có thể có biểu hiện dị ứng nổi mày đay, ngoại ban, gây kích ứng tại chỗ... cần dừng ngay và thăm khám bác sĩ. PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, nếu lưỡi bé bị đóng trắng không phải do nấm thì nhiều khả năng là do cặn sữa, trường hợp này thì cha mẹ không phải lo lắng, sau mỗi lần bé bú mẹ cho bé uống một ít nước (5ml) để sữa không còn đọng lại ở vùng lưỡi và niêm mạc miệng, mỗi ngày mẹ có thể dùng dung dịch NaCl 0,9% để lau miệng cho bé. |