Đi ngoài kéo dài có thể khiến bé mất nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy mẹ cần phải nắm vững các kiến thức về dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị đi ngoài.
Trẻ sơ sinh bị đi ngoài là mối quan tâm, lo lắng của nhiều mẹ bỉm sữa. Đi ngoài nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng. Để đảm bảo sức khỏe cho bé mẹ cần trang bị các kiến thức sau đây khi bé bị đi ngoài.
1. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị đi ngoài
Trẻ sơ sinh bú mẹ thường đi ngoài 8-10 lần một ngày. Bé cũng có thể vài ngày không đi ngoài nhưng vẫn được xem là bình thường nếu bé vẫn khỏe mạnh và tăng cân đều. Bé bú sữa công thức sẽ đi ngoài ít hơn so với bé bú mẹ. Số lần đi ngoài trung bình từ 1 đến 2 lần mỗi ngày hoặc có thể 1, 2 ngày bé mới đi ngoài một lần.
Mẹ cần chú ý khi bé đi ngoài nhiều hơn bình thường. (Ảnh minh họa)
Trẻ sơ sinh bị đi ngoài khi mẹ thấy tần suất đi ngoài của bé nhiều hơn bình thường. Khi theo dõi phân của bé thấy các dấu hiệu sau đây thì khả năng cao bé bị đi ngoài:
- Có bọt.
- Thay đổi màu sắc.
- Có máu hoặc nhầy.
- Có nước.
- Mùi thối.
2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đi ngoài
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhỏ đi ngoài. Tuy nhiên, đa phần trẻ sơ sinh đi ngoài là do những nguyên nhân phổ biến sau đây:
- Nhiễm trùng đường ruột: Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ sơ sinh đi ngoài. Bé có thể bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, virus và kí sinh trùng.
- Dị ứng thực phẩm: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non kém do vậy bé có thể bị dị ứng với protein ở trong sữa công thức dẫn đến tình trạng đi ngoài.
- Rối loạn tiêu hóa: Đi ngoài là dấu hiệu đầu tiên của rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh. Mẹ nên chú ý theo dõi khi bé bị đi ngoài để xử lí kịp thời.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh cũng có khả năng khiến bé bị đi ngoài. Nếu bé đang sử dụng thuốc kháng sinh mà bị đi ngoài mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
3. Các xử lý khi trẻ sơ sinh bị đi ngoài
Khi bé bị đi ngoài, điều quan trọng là mẹ cần xác định chính xác nguyên nhân để điều trị đúng cách. Bên cạnh việc cho bé đi khám bác sĩ, mẹ có thể điều trị đi ngoài tại nhà theo các phương pháp sau:
- Uống đủ chất lỏng: Để bé không bị mất nước mẹ cần cho bé uống đủ chất lượng chất lỏng cần thiết. Cho bé bú đủ sữa mẹ hoặc uống đủ sữa công thức. Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết cách bù thêm nước cho bé.
Sữa mẹ giúp tăng cường sức đề kháng. (Ảnh minh họa)
- Cho bé bú nhiều sữa mẹ: Sữa mẹ có nhiều thành phần chất dinh dưỡng quan trọng đồng thời có khả năng tăng sức đề kháng cho bé. Bú sữa mẹ thường xuyên cũng giúp bé tránh được tình trạng mất nước khi bị đi ngoài.
- Thay đổi nhãn hiệu sữa: Nếu bé đang uống sữa công thức mẹ có thể nói chuyện với bác sĩ nhi khoa về việc thay đổi nhãn hiệu sữa cho bé.
- Thay đổi chế độ ăn uống của mẹ: Đối với các bé bú mẹ, chế độ ăn uống của mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Khi trẻ sơ sinh bị đi ngoài mẹ nên ăn các loại thức ăn lành mạnh như rau, củ, quả, và hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu, mỡ và chất kích thích.
- Vệ sinh sạch sẽ: Mẹ nên rửa tay sạch sẽ trước khi cho con bú và sau khi thay tã cho bé. Bình sữa của bé cũng được tiệt trùng trước và sau khi sử dụng.